Cúng tất niên là phong tục truyền thống của người Việt không chỉ để tưởng nhớ, cảm ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ gia đình trong năm qua mà còn là ngày để các thành viên sum họp sau 1 năm buôn ba làm việc. Vì vậy, mâm cỗ cúng tất niên rất quan trọng và tùy từng vùng miền mà có sự khác biệt nhất định.
Theo truyền thống, mâm cơm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện được tấm lòng của gia chủ.
Tất niên
1. Tất niên là gì?
Tất niên là một bữa tiệc, liên hoan chia tay năm cũ và đón chào một năm mới với nhiều thành công và thuận lợi. Đây là ngày mà các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau sum họp lại để cùng ăn cơm buổi tất niên, và bữa cơm này thường diễn ra vào buổi chiều hoặc buổi tối đêm 30. Theo phong tục tập quán ở mỗi mùng miền người ta sẽ làm cỗ cúng tất niên sau đó tùy vào gia chủ có mời thêm bạn bè hay người thân đến dự cùng gia đình hay không.
Vào chiều 30 Tết, nhà nhà đều chuẩn bị chu đáo cho việc tiễn năm cũ, đón xuân mới. Theo phong tục, chiều 30 Tết, mọi gia đình đều trồng cây nêu để xua tan ma quỷ. Trên mảnh sân trước nhà, người ta lấy vôi trắng vẽ một bộ cung tên hướng ra cổng, bên cạnh còn vẽ ba hình vuông và bảy hình tròn với quan niệm: "Ba vuông sánh với bảy tròn/ Đời cha liền với đời con sang giàu". Đặc biệt bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Trong mâm cơm, người lớn tuổi nhất sẽ hỏi con cháu tình hình làm ăn năm vừa rồi có thuận lợi hay không, hỏi xem các cháu nhỏ đã có đủ quần áo mới chưa? Năm vừa rồi học hành ra sao? Ông bà vui mừng khi các cháu khỏe mạnh, khoe những tấm giấy khen là thành tích học tập của các cháu suốt một năm vừa qua, và nhắc khéo với những cháu nào không có tấm giấy khen thì hãy cố gắng học tập để đạt được thành tích cao vào năm sau. Trong bữa cơm nếu ai trong gia đình vắng mặt thì sẽ được cả nhà nhắc nhiều nhất. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc. Sau bữa cơm tất niên còn là lúc mọi người trong gia đình sửa soạn cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới tràn đầy hy vọng mọi sự sẽ hành thông tốt đẹp.
2. Cách chuẩn bị mâm cúng tất niên
Mâm lễ cúng Tất niên tùy thuộc theo vùng miền, mỗi nơi sẽ khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện gia đình mà chuẩn bị. Thế nhưng, một số vật phẩm nhất định phải có khi cúng theo phong tục của người Việt đó là: mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, bánh chưng,... các món ăn trong ngày Tết sẽ được bầy biện trang nghiêm trên bàn thờ. Một số vùng có thêm câu đối đỏ, "gậy ông vải" (là 2 đôi mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau ở hai bên bàn thờ).
Bữa cơm ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng.
Mâm cỗ cúng tất niên ở miền Bắc
Một mâm cúng tất niên truyền thống ở miền Bắc thường gồm những món sau:
- Mâm ngũ quả, hoa tươi, vàng mã, hương đèn, trà rượu, trầu cau…
- Mâm cỗ mặn gồm:
- Bánh chưng/bánh tét
- Giò lụa
- Gà luộc
- Thịt đông
- Nem rán
- Miến xào lòng gà
- Canh măng
- Xôi
Mâm cỗ cúng tất niên ở miền Trung
- Mâm ngũ quả: Người dân miền Trung không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, thành tâm là chính nên thường là có gì cúng nấy. Mâm ngũ quả ở miền Trung thường có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
- Hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu.
- Mâm cơm cúng gồm có:
- Bánh chưng, bánh tét.
- Dưa món củ kiệu.
- Giò lụa.
- Thịt đông.
- Gỏi gà bóp rau răm.
- Nem.
- Măng ninh khô.
- Canh miến.
- Cá chiên hay ram.
- Cơm 3 bát.
Mâm cúng tất niên miền Nam
- Mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu.
- Mâm cỗ mặn cúng tất niên của miền Nam
- Bánh tét.
- Dưa giá củ kiệu.
- Thịt heo luộc.
- Thịt kho tàu.
- Gỏi cuốn.
- Nem.
- Gỏi tôm thịt.
- Măng tươi ninh.
- Khổ qua nhồi thịt.
- Cơm 3 chén.
3. Cách bày mâm cúng
Mâm ngũ quả, hoa tươi, vàng mã đặt ở trên bàn thờ. Mâm cúng mặn đặt ở một chiếc bàn con (bàn thờ phụ), dưới bàn thờ chính. Bánh chưng, xôi có thể đặt lên bàn thờ hoặc cùng mâm cỗ mặn đều được.
Sau khi hoàn thành mâm cỗ cúng, người lớn tuổi trong nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn tất niên để mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Sau đó các thành viên khác làm lễ vái.