Bài phát biểu của McCullough sẽ khiến hàng ngàn học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 thức tỉnh

“Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”

Wellesley High School là ngôi trường trung học nổi tiếng ở thị trấn Wellesley giàu có, với truyền thống lâu đời và là nguồn cung nhân tài cho nước Mỹ trong nhiều năm. Trong buổi lễ tốt nghiệp của trường vào năm 2012, giáo viên của trường David McCullough đã có bài diễn văn gây chấn động và thức tỉnh hàng ngàn học sinh. Đặc biệt là câu nói thẳng thắn của thầy: “Các em chẳng có gì đặc biệt”. Bài diễn văn đã được giới truyền thông Mỹ mô tả là: “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.

Lược dịch bài phát biểu của David McCullough

Kính thưa Tiến sĩ Wong, Tiến sĩ Keough, bà Novogroski, cô Curran, các thành viên của hội đồng giáo dục, gia đình và bạn bè của các em, các quý ông, quý bà của khóa học 2012 của trường Wellesley. Hôm nay tôi có được vinh dự đứng đây, nói chuyện với mọi người vào buổi chiều đặc biệt này, cảm ơn tất cả mọi người.

Chúng ta ở đây để bắt đầu buổi lễ đáng mong đợi nhất trong cuộc đời, lễ phát bằng tốt nghiệp. Đừng hỏi thầy rằng: Thế còn đám cưới thì sao? Đám cưới chỉ là khía cạnh một chiều mà thôi, đó là một quang cảnh lộng lẫy mà cô dâu là trung tâm. Còn chú rể chỉ đứng yên đó và thừa nhận một danh sách dài những yêu cầu bất hợp lý. Không có đám rước đúng như mong đợi, kiểu: hey mọi người, hãy nhìn tôi này, không có tuyên bố khác biệt nào. Các em có thể tưởng tượng đó là một chương trình truyền hình được tạo ra để xem những anh chàng mặc Tux (trang phục chuyên mặc để dự những sự kiện trịnh trọng). Cha của họ ngồi đó, đôi mắt ngấn lệ với niềm vui xen lẫn sự hoài nghi. Anh em của họ đang ngồi lộn xộn trong góc phòng với sự ghen tị. Còn với nam giới, sau một loạt thử thách mới tới được đám cưới với bao nhiêu mơ mộng về cuộc sống sau hôn nhân, nhưng rồi họ vẫn phải tự mình đi đến cái tủ lạnh để kiếm đồ ăn. Hơn nữa, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ ly hôn sau đó lên tới 50%. Tỷ lệ đó giống với việc các em có được vị trí cuối cùng trong American League East vậy. Đội Baltimore Orioles còn chơi tốt hơn so với các cuộc hôn nhân sau đám cưới.

Nhưng buổi lễ này, lễ phát bằng tốt nghiệp, một sự khởi đầu hoàn toàn mới. Kể từ hôm nay các em đã bước vào cuộc sống, dù trong bệnh tật, khỏe mạnh, trong sự thất bại về tài chính, những cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, vượt qua những lời chào hàng hấp dẫn tại những hội chợ thương mại ở Cincinnati, những nóng nảy khó tha thứ, những khác biệt không thể hòa giải và rất nhiều thứ nữa, các em sẽ mãi mãi tốt nghiệp trung học, tấm bằng này đã trở thành một phần trong cuộc sống của các em cho đến tận cuối đời.

Không, buổi lễ này là sự khởi đầu tuyệt vời của cuộc sống, ngay cái cách tổ chức trang trọng và sự hiện diện của mọi người ở đây đã nói lên điều đó. Thông thường, thầy không thích nói những câu sáo rỗng, nhưng chúng ta đang ở trong một sân chơi bình đẳng, và đây chính là vấn đề. Nó nói lên điều gì? Lễ phục của các em… không thay đổi, đồng nhất, một kích cỡ phù hợp với tất cả mọi người. Dù là nam hay nữ, cao hay thấp, chăm chỉ hay lười biếng, nữ hoàng ăn chơi hay sát thủ game trên X-box thì khi mặc lễ phục vào, các em sẽ nhận thấy mọi người đều giống hệt nhau, đều cầm bằng tốt nghiệp, chỉ khác là ở cái tên trên bằng thôi.

Tất cả điều này nên là như thế, bởi vì, không ai trong số các em là đặc biệt cả.

Các em không có gì đặc biệt, không có ai là ngoại lệ.

Dù cho đã từng đoạt cúp vô địch bóng đá U9, đã từng xếp loại cao trong lớp học, tham gia những cuộc diễu hành đòi quyền lợi… các em vẫn chẳng có gì đặc biệt.

Vâng, các em được nuông chiều, được nâng niu, được yêu thương, bao bọc, che chở từng chút một. Bố mẹ các em có thể làm nhiều thứ để là chỗ dựa cho các em, hôn các em, cho các em ăn, lau miệng, huấn luyện, dạy dỗ, lắng nghe, khuyên, khuyến khích, an ủi và động viên các em. Lúc nào họ cũng dỗ dành, năn nỉ các em. Các em được khen ngợi, được gọi với những mỹ từ ngọt ngào nhất. Bố mẹ tham gia vào các trò chơi, vở kịch, bài tập, hội chợ khoa học của các em. Nở nụ cười thật tươi khi các em bước vào phòng, tung hô khi các em đăng một dòng tweet. Và bây giờ, các em đã chinh phục được cửa ải trung học. Chúng tôi tập trung ở đây vì các em, niềm tự hào và hy vọng của xã hội, những con người lần đầu tiên bước ra từ tòa nhà lộng lẫy kia...

Nhưng đừng nghĩ rằng các em có bất cứ điều gì đặc biệt. Bởi vì sự thật không phải như thế.

Bằng chứng thực tế có ở khắp mọi nơi, những con số mà giáo viên tiếng Anh cũng không thể phớt lờ. Newton, Natick, Nee… Tôi có thể nói là Needham không? Ở đó có đến 2.000 học sinh tốt nghiệp trung học, lứa này ra lứa khác vào, và đó mới chỉ ở những trường lân cận thôi. Trên khắp cả nước, không ít hơn 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu, 37.000 cán bộ lớp, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên, 2.185.967 đôi bạn cùng tiến. Chưa hết, đó mới chỉ là ở trường trung học, còn sau đó thì sao? Hãy nghĩ về điều này: Thậm chí nếu 1 triệu người mới có 1 người như các em, thì trên hành tinh 6,8 tỷ người ngày có gần 7.000 người giống với các em. Giống như việc các em đang đứng ở đâu đó trên Washington Street tham dự cuộc đua Marathon Monday và xem gần 7 tỷ người chạy qua. Xem xét một bức tranh lớn hơn là hành tinh của chúng ta. Để thầy nhắc các em, hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm của hệ mặt trời, hệ mặt trời không phải trung tâm của dải thiên hà và thiên hà thì không phải trung tâm của vũ trụ. Trên thực tế, các nhà thiên văn học đã khẳng định rằng, vũ trụ không có trung tâm. Do đó, các em không thể là cái “rốn” của vũ trụ được. Ngay cả Donald Trump cũng vậy thôi, ai đó nên nói điều này với ông ấy, mặc dù mái tóc của ổng trông cũng khá ấn tượng.

Nhưng Dave”, các em phản pháo, “Walt Whitman nói với em rằng em là phiên bản hoàn hảo của chính mình, Epictetus nói em có tia lửa của Zeus!”. OK, thầy không phản đối. Nhưng gần 7 tỷ người bên ngoài kia cũng là những phiên bản hoàn hảo, cũng có 7 tỷ tia lửa thần của Zeus. Các em thấy đấy, nếu tất cả mọi người đều đặc biệt thì nghĩa là chẳng có ai đặc biệt cả. Nếu tất cả mọi người đều có một danh hiệu thì những danh hiệu đó đều trở nên vô nghĩa. Có một điều mà chúng ta biết nhưng không nói ra, đó là thuyết tiến hóa của Darwin bắt nguồn từ một nỗi sợ hãi vô hình của con người, đó là nỗi sợ bị diệt vong. Giờ đây, chúng ta, những người Mỹ, đang gây tổn hại cho chính mình, chúng ta yêu thích hư danh nhiều hơn những thành tựu thực tế. Chúng ta xem đó là những điều quan trọng, vui vẻ thỏa hiệp các tiêu chuẩn, bỏ qua thực tế, nếu chúng ta nghi ngờ thì cách nhanh nhất, thậm chí là duy nhất, là có cái gì đó để ghi dấu ấn, để khoe mẽ, để đưa mình lên một vị trí cao hơn trong xã hội. Nó không còn đơn giản như cách các em chơi một trò chơi, vấn đề không ở thắng hay bại, học hỏi hay phát triển hay là tận hưởng cảm giác khi làm điều đó. Mà nằm ở câu hỏi “Điều này mang lại cho chúng ta cái gì?”. Hậu quả là chúng ta làm cho giá trị của sự nỗ lực trở nên rẻ mạt. Nó đã trở thành một dịch bệnh, và trên con đường lây lan của mình nó cũng đã nhiễm bệnh cho trường Wellesley, một trong 37.000 trường tốt nhất trên toàn quốc. Thầy hy vọng các em hiểu ý thầy. “Một trong những trường tốt nhất”, nói như vậy để các em thấy tốt hơn một chút về bản thân mình, để thấy mình có chút khác biệt, nhưng điều đó khá mơ hồ và khó kiểm chứng. Hơn nữa, theo logic thì chỉ có một thứ tốt nhất. Em là thứ tốt nhất đó hoặc không.

Nếu các em đã học được điều gì đó trong những năm tháng ở đây, thầy hy vọng các em đã học được tri thức, đam mê nghiên cứu, chứ không phải chỉ là những bảng ghi thành tích. Thầy cũng hy vọng các em nghiệm ra câu nói mà nhà viết kịch Sophcles nổi tiếng đã từng nói: “Trí tuệ là yếu tố chính tạo nên hạnh phúc”, (yếu tố thứ hai có thể đơn giản chỉ là một que kem). Thầy cũng hy vọng các em học đủ để nhận ra rằng những điều các em biết ít như thế nào, rằng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Các em sẽ đi được tới đâu sau khi rời khỏi ngôi trường này, đó mới là vấn đề.

Nhận bằng rồi, trước khi muốn bay cao bay xa, thầy khuyên các em hãy làm bất cứ thứ gì, dù đó là những việc rất tầm thường, thậm chí là cả những thứ các em không thích. Hãy kháng cự lại cảm giác dễ chịu của lòng tự mãn, sự lộng lẫy của vật chất, cảm giác phê pha của ma túy. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì các em đang cố gắng. Hãy đọc, đọc mọi lúc mọi nơi, đọc một cách nghiêm túc, coi đó là một nguyên tắc trong cuộc sống của các em, là cách để tôn trọng chính mình. Hãy coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra những lập luận xác đáng để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Hãy làm việc cật lực. Hãy nghĩ về bản thân mình. Trân trọng mọi thứ em yêu, mọi người em yêu với tất cả khả năng của mình. Và hãy làm những điều đó với một tâm thế cấp bách, như đang bị thúc giục, từng giây, từng phút và từng chút một. Chắc chắn rằng bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn, giống như buổi lễ trao bằng này và các em sẽ không có điều kiện để tận hưởng lại nó dù cho buổi chiều đó có tuyệt vời như thế nào.

Cuộc sống đang hoàn thiện, cuộc sống có sự khác biệt, có sự liên quan, các em sẽ tự mình học được điều đó chứ không phải nó sẽ rơi vào máy tính của các em, do một người tốt bụng nào đó hay mẹ của các em đặt nó vào đấy. Các em phải nhớ rằng cha ông ta đã phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau để có thể đảm bảo cho các em quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc – mưu cầu, đó là một động từ chủ động. Nó đôi khi chỉ đơn giản là thay vì nằm dài trên giường để xem những con vẹt nói trên YouTube hãy làm điều gì đó có ích hơn.

Tổng thống của nước Mỹ, ngài Roosevelt, vẫn cưỡi ngựa khi về già và luôn ủng hộ phương châm sống: làm việc không ngừng. Tác giả Thoreau muốn thu gọn cuộc sống vào một góc để sống sâu hơn, để cống hiến hết mình cho những tác phẩm của mình. Nhà thơ Mary Oliver nói với chúng ta rằng hãy chiến đấu với những cơn bão tố. Một ai đó nữa, thầy không nhớ tên, khuyến khích các học giả trẻ tuổi hãy tận hưởng cuộc sống mỗi ngày. Dù là ai, quan điểm của họ cũng giống nhau: hãy làm cho mình thật bận rộn và cố gắng đạt được những mục tiêu của mình. Đừng chờ đợi cảm hứng hay đam mê tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, đi ra ngoài, khám phá bản thân mình, tự tìm kiếm cơ hội, đam mê và nắm chặt chúng bằng cả hai tay. Bây giờ, trước khi các em lao ra ngoài, kiếm một hình xăm YOLO, hãy để thầy chỉ ra sự vô lý của trào lưu này. Các em có thể và nên sống không chỉ đơn thuần là một lần mà còn sống mỗi ngày trong cuộc đời mình. Thay vì You Only Live Once, nó nên là You Live Only Once. Nhưng vì YLOO có vẻ không hay bằng, nên chúng ta nhún vai và chấp nhận YOLO.

Tuy nhiên, không nên nghĩ những người xăm hình xăm đang thịnh hành này có lối sống buông thả. Hãy coi như đó là hệ quả được tạo ra trong quá trình hoàn thiện cuộc sống. Vấn đề ở đây là điều gì sẽ xảy ra khi các em nghĩ về những thứ quan trọng hơn. Leo lên đỉnh núi không phải là để cắm xuống lá cờ chiến thắng mà là để nắm lấy những thách thức, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn quang cảnh. Leo lên đỉnh núi và các em có thể nhìn thấy thế giới, chứ không phải thế giới sẽ nhìn thấy các em. Hãy đến Paris để được tận hưởng cảm giác sống ở Paris, chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách những nơi các em đã đi qua và tự hào rằng mình là con người từng trải.

Rèn luyện một ý chí tự do, tư duy sáng tạo, độc lập không phải chỉ để mang lại sự hài lòng cho bản thân mình mà còn vì lợi ích của 6,8 tỷ người trên thế giới. Rồi các em sẽ khám phá ra sự thật vĩ đại và tuyệt vời nhất trong trải nghiệm của con người, rằng lòng vị tha mới là điều tuyệt nhất các em có thể làm cho chính mình. Những niềm vui ngọt ngào trong cuộc sống sẽ chỉ đến khi các em nhận ra mình chẳng có gì đặc biệt. Bởi vì tất cả mọi người đều như thế.

Xin chúc mừng các em.

Chúc các em may mắn. Hãy tạo dựng cuộc sống phi thường cho chính các em, vì lợi ích của các em và của chúng ta".

Video bài phát biểu của David McCullough tại Wellesley High School

Thứ Hai, 02/07/2018 15:48
56 👨 1.877
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Nuôi dạy con