Có thành kiến với người khác và bị người khác đánh giá một cách định kiến là sự xung đột mang tính tự nhiên của con người. Chúng ta làm như vậy mỗi ngày, khi ở nhà, ở trường hay tại nơi làm việc. Đó là cách chúng ta giải thích những điều bất thường xung quanh mình vì chúng ta có quá ít thông tin hoặc không hiểu gì về đời tư hay tính cách của người khác.
Trong môi trường gồm các doanh nghiệp nhỏ có sự gắn bó chặt chẽ thì định kiến cũng xuất hiện. Tuy nhiên, thay vì cho phép những quan điểm mang tính "gia trưởng" này giới hạn các cơ hội hoặc hạ thấp văn hóa tổ chức thì thực tế, các ông chủ có thể sử dụng chúng nhằm xác định những phẩm chất tốt nhất của mỗi thành viên trong nhóm, khiến mọi người có thể nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu và định hướng của nhau, đồng thời, tạo nền tảng cho cả đội trở nên kết dính và tương tác với nhau nhiều hơn nữa.
Dưới đây là 4 định kiến phổ biến trong các nhóm khởi nghiệp và cách sử dụng chúng như là lợi thế. Hãy nhớ rằng, 4 định kiến này tương ứng với 4 kiểu người mà bạn không nên xem thường khả năng của họ. Bởi đằng sau "lớp vỏ" đó là cả một kho tàng với rất nhiều ý tưởng và tài năng chưa hề được khai phá.
1. Driver (Người dẫn dắt)
Người dẫn dắt là người lãnh đạo của tổ chức và thường chính là người sáng lập ra startup đó. "Driver" biết hoạt động kinh doanh nên bắt đầu như thế nào và điểm đến của công ty trong tương lai mà anh ta đang hướng tới.
"Driver" cảm thấy startup mà mình đã gây dựng như là một đứa trẻ và nỗ lực để nó luôn được nằm trong "vòng bảo vệ" tốt nhất. Đối với người này, "ngày làm 8 giờ" là khái niệm không hề tồn tại và luôn mong rằng các thành viên trong nhóm của mình cũng có cùng một mức độ cam kết như vậy.
2. Contrarian (Người đi ngược trào lưu)
"Contrarian" rất có thể đã biết người dẫn dắt trong một khoảng thời gian dài, ngay cả trước khi startup chính thức được khởi động. Anh ta biết "Driver" nghĩ gì và chứng kiến cả những thăng trầm, biến cố của họ.
Nhờ sự kết nối lâu bền như vậy nên "người đi ngược trào lưu" được phép "làm dịu đi" những tố chất điển hình của "người dất dắt", chẳng hạn, khi "Driver" quá hào hứng với một ý tưởng nào đó, "Contrarian" sẽ đưa ra các lý lẽ để khiến cho đối phương bừng tỉnh và nhìn thẳng vào thực tế; khi "Driver" quá lạc quan, "Contrarian" sẽ đưa ra những lời khuyên quý giá về các sai lầm có thể xảy ra; hay khi người dẫn dắt quá tin vào một người thì người chống đối sẽ nhắc nhở anh ta phải thận trọng.
Động lực này có khả năng sẽ trở thành nhân tố cho một mối quan hệ đối tác lâu dài và bền vững.
3. Silent (Người im lặng)
Đây là hình ảnh của những con người "rất nghiêm túc". Họ thường đến văn phòng, ngồi trước màn hình máy tính cả ngày và đúng giờ, sẽ rời khỏi phòng làm việc. Tuy nhiên, đừng bao giờ đánh giá thấp họ.
"Người im lặng" luôn biết chính xác anh ta đang làm gì và luôn đưa ra được những ý tưởng quý giá cho các thành viên khác trong nhóm. Quan trọng nhất, vẻ bề ngoài có thể không hề lên tiếng nhưng khi đã nói, bạn nên lắng nghe bởi những gì anh ta nói ra đều là "lời vàng ngọc" cả đấy.
4. Jester (Người hay pha trò)
"Jester" sở hữu tính cách của một người hướng ngoại, thích giao du và không bao giờ hết những trò thú vị để trêu đùa người khác. Tuy nhiên, đừng để bị đánh lừa bởi khiếu hài hước đó.
Trong kinh doanh, họ là những con người hết sức nghiêm túc, có thể đưa ra nhiều ý kiến thú vị về bất kỳ chủ đề nào mà họ quan tâm và trong đầu luôn tràn ngập hàng triệu ý tưởng.