Có phải bạn là người vừa hướng nội vừa hướng ngoại?

Những dấu hiệu giúp bạn kiểm tra xem liệu mình có phải là một "ambivert"?

Internet hiện nay đầy rẫy các bài báo phân tích về các dấu hiệu nhận dạng hay đặc điểm tính cách của người hướng nội (introvert) và người hướng ngoại (extrovert).

Vào năm 1921, Carl Jung – một nhà tâm lý học có tầm ảnh hưởng to lớn đã xuất bản cuốn sách bom tấn Psychology Types, từ đó, đã phổ biến khái niệm hướng nội và hướng ngoại như là một thành phần cốt lõi của nhân cách. Theo ông, người hướng nội bị hấp dẫn bởi thế giới nội tâm của những suy nghĩ và cảm xúc, trong khi đó, người hướng ngoại lại thích thú với cuộc sống sôi động bên ngoài và dấn thân vào chúng. Ngoài ra, ở một mình là cách mà người hướng nội nạp lại năng lượng sống nhưng với người hướng ngoại thì thói quen này sẽ khiến họ kiệt quệ, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, đối với những người không thể tìm thấy mình trong hai kiểu người này thì sao? Đừng lo lắng bởi vì có thể bạn là một người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại (Ambivert).

Ambivert

Ambivert là gì?

Việc nhận ra được mình thuộc thế giới nào: Introvert (hướng nội), extrovert (hướng ngoại) hay ambivert (vừa hướng nội, vừa hướng ngoại) sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc cải thiện mối quan hệ với người khác, lựa chọn được công việc như ý và tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp.

  • Người hướng nội về cơ bản là những người sống kín đáo, khép mình, thường không sẵn sàng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với người khác, đồng thời cũng khó có thể hiểu được chính xác tâm tư của họ nếu chỉ dựa vào một vài biểu hiện bên ngoài.
  • Người hướng ngoại là những người cởi mở, dễ gần, thích tham gia các hoạt động xã hội, sự kiện và khi ở cạnh họ, bạn cảm thấy một nguồn năng lượng vô cùng lớn luôn sẵn sàng để được bộc phát.
  • Người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại là người sở hữu cả đặc điểm của hai loại tính cách trên và dường như ở họ có sự hòa hợp của cả hai thế giới. Họ thích những sự sắp đặt mang tính xã hội và được bủa vây bởi mọi người, tuy nhiên, chân thành mà nói, họ cũng cần những khoảng lặng. Việc quá nghiêng về "hướng nội" hay "hướng ngoại" đều khiến họ mệt mỏi và không hề cảm thấy hạnh phúc thực sự. Cân bằng là chìa khóa của "ambivert".

Hiểu về con người của một Ambivert

Người vừa hướng nội vừa hướng ngoại

Như đã đề cập ở trên, người vừa hướng nội vừa hướng ngoại thích sự cân bằng hoặc ít nhất là họ luôn cố gắng để đạt được điều đó. Họ tìm kiếm những quy chuẩn của xã hội, các kết nối với mọi người và họ làm chúng khá tốt. Họ không vui sướng thái quá như một người đơn thuần hướng ngoại nhưng vẫn biết cách tận hưởng những giờ phút hòa nhập cùng cộng đồng và làm những việc mà họ thích. Ngoài ra, "ambivert" cũng thích những lúc được một mình, tuy không đến mức cô đơn như người về bản chất là hướng nội.

Rõ ràng, với các đặc điểm ở trên thì thi thoảng, "ambivert" có thể khiến người khác bị nhầm lẫn. Vì sở hữu hai tính cách nên đôi khi, họ sẽ dễ dàng bị "lệch" hẳn về một thế giới, quá hướng nội hoặc quá hướng ngoại dẫn tới hiện tượng "mất cân bằng". Điều này xảy ra là do tác động của hoàn cảnh và nếu như không tìm cách trở lại trạng thái cân bằng vốn có thì họ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và suy sụp.

Là những người "trung gian" nên "ambivert" sở hữu nhiều đặc điểm rất linh hoạt. Họ có sở thích cá nhân nhưng cũng rất dễ dàng thích nghi được với hầu hết các hoàn cảnh (miễn là không ép mình ở quá lâu trong những tình huống đó). Họ có thể làm việc một mình hoặc theo nhóm. Họ có thể mạo hiểm tiến lên hoặc lùi lại để chờ thời cơ. Họ cũng lập ra các kế hoạch cho những thứ có thể xảy ra hoặc các vấn đề tiềm năng có nguy cơ sẽ bùng phát. Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, sự linh hoạt này có thể khiến họ không thực sự dứt khoát trong nhiều việc.

Một "ambivert", nói chung, rất hiểu vấn đề. Trực giác của họ tốt và có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác trong khi vẫn có thể kết nối với những người đó theo nhiều cách. Họ không sợ trò chuyện nhưng cũng biết quan sát và lắng nghe. Họ có khả năng biết khi nào cần giúp đỡ và khi nào cần lùi lại.

Sự thật là, tính cách vừa hướng nội vừa hướng ngoại có thể vượt xa những hiểu biết thông thường nhưng việc có một vài nhìn nhận cơ bản về các tính cách khác nhau này có thể giúp bạn hiểu chính mình và những người khác tốt hơn, đồng thời dễ dàng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

Thuận lợi của một người vừa hướng nội vừa hướng ngoại

Có sự cân bằng giữa tính cách hướng nội và hướng ngoại là một tài sản.

Sự cân bằng của "ambivert"

  • Sự linh hoạt: "Ambivert" được đặc trưng bởi khả năng có thể thích nghi dễ dàng với hầu hết các hoàn cảnh và tình huống.
  • Ổn định: Theo nhà tâm lý học Hans Eysenck – người đã đề xuất thuật ngữ "ambivert" vào năm 1947 thì những người sở hữu hai tính cách này thường có sự cân bằng tốt giữa sự đa cảm của người hướng nội và tính độc đoán của người hướng ngoại.
  • Trực giác: Daniel Pink nói rằng "ambivert" biết khi nào họ cần lên tiếng và khi nào cần im lặng, khi nào cần thăm dò đối phương và khi nào cần đưa ra phản hồi, khi nào nên tiến lên và khi nào cần lùi lại.

Dấu hiệu nhận biết người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại

  • Bạn thích tham gia các sự kiện đông người hay các bữa tiệc nhưng bạn không xem trọng việc phải bắt đầu nói chuyện với ai đó hay tìm kiếm những người bạn mới. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy vui khi ai đó đến nói chuyện với mình và cũng có khả năng nói chuyện rất lâu với họ.
  • Bạn không thích phải ở một mình trong thời gian dài, bên cạnh đó bạn cũng thấy ngán khi phải ra ngoài thường xuyên. Bạn không thể đoán được mình sẽ làm gì vào cuối tuần.
  • Bạn biết rất rõ cách dung hòa cả những mặt hướng nội lẫn hướng ngoại và bạn có những người bạn thân thuộc cả hai tính cách này. Dù vậy, bạn của bạn sẽ không thể hòa hợp được với nhau nếu không có bạn ở đó.
  • Bạn xuất sắc vượt bậc cả khi làm những dự án một mình hay làm với nhóm, hơn thế, còn làm việc rất năng suất.
  • Bạn và cả bạn bè của bạn vẫn không thể xác định được bạn là kiểu người hướng ngoại hay hướng nội.
  • Bạn không thể đưa ra những quyết định nhanh chóng. Vì một phần trong bạn muốn mọi thứ chậm lại trong khi một phần khác lại cố thúc đẩy chúng nhanh lên.
  • Đối với bạn bè của bạn, họ thích sự tự do từ bạn. Vì bạn cân bằng được cả mặt hướng nội lẫn hướng ngoại một cách hoàn hảo, họ sẽ tìm đến bạn để có được một vài lời khuyên vì bạn hiểu cả hai tính cách này.

Tính cách

  • Dù là tham gia những bữa tiệc hay chỉ nhâm nhi cà phê với một người bạn, bạn đều cảm thấy vui.
  • Bạn có thể hiểu rõ mọi người hơn bất kỳ ai vì bạn có thể đặt mình vào vị trí của họ trong mọi tình huống.
  • Bạn không thể quyết đoán và cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc thật.
  • Bạn biết cách làm thế nào để tận dụng được thời gian của mình dù cho đang ở đâu vì những thứ bình thường gây khó khăn với một người hướng nội hay hướng ngoại lại vô hại đối với bạn.
  • Đôi khi, bạn thích trở thành trung tâm của sự chú ý, nhưng nếu nhận được quá nhiều chú ý thì bạn lại cảm thấy lo lắng.
  • Đối với hoạt động truyền thông xã hội, bạn vừa yêu lại vừa ghét. Một phần trong bạn muốn dấn thân vào nhưng phần kia lại không quan tâm.
  • Bạn dễ dàng mở lòng với mọi người nhưng bạn lại cần nhiều thời gian để tin tưởng họ.
  • Bạn là một người bạn tuyệt vời vì bạn vừa có chiều sâu nội tâm lại vừa hài hước.
  • Có những hôm bạn khủng bố điện thoại của bạn bè với những cuộc gọi, lại có những hôm bạn hoàn toàn lờ đi những cuộc gọi của họ.
  • Năng lượng của bạn bị giảm rất nhanh khi ở một mình quá lâu và bạn cũng cảm thấy kiệt sức nếu như tham gia quá nhiều hoạt động.
  • Bạn thường hài lòng với kế hoạch cuối tuần của mình. Cho dù được mời tham gia một bữa tiệc lớn hay quyết định ăn uống và xem phim cùng đứa bạn thân thì bạn đều cảm thấy thoải mái, thậm chí là rất hạnh phúc.
  • Trong một cuộc trò chuyện, bạn biết khi nào cần im lặng và khi nào cần nói. Bạn chuyển đổi giữa hai thứ này rất dễ dàng.
  • Bạn không thực sự quan tâm tới các bài viết về người hướng nội và người hướng ngoại, đơn giản vì trực giác nói cho bạn rằng bạn không hề thuộc vào tính cách nào cả.
  • Bạn gặp rất nhiều người có tính cách giống bạn.
  • Đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng; đôi khi lại thấy rất tự tin. Điều này khiến bạn bị nhầm lẫn mình là người hướng nội hoặc người ngoại?

Lợi thế của người vừa hướng nội vừa hướng ngoại bắt nguồn từ khuynh hướng đủ nhiệt huyết và đủ quyết đoán để có thể tiếp cận và thuyết phục người khác, nhưng đồng thời xuất phát từ việc tập trung lắng nghe và tránh hiện diện với thái độ quá tự tin hay hào hứng. Do vậy, biết cách linh hoạt sử dụng những đặc điểm này sẽ rất có lợi cho các "ambivert".

Không hề có kiểu tính cách đúng hoặc sai. Thứ duy nhất đúng đó là sống, hành động với đúng bản chất con người bạn. Hãy khai thác điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu và luôn là chính mình, bạn sẽ có được một cuộc đời ý nghĩa.

Thứ Sáu, 23/08/2024 14:02
4,819 👨 32.811
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống