Đánh giá Windows 11: Hy sinh tính năng vì cái đẹp

Microsoft đã giữ đúng lời hứa khi tung ra Windows 11 cho người dùng vào ngày 05/10 vừa rồi. Với người dùng ở châu Mỹ do lệch múi giờ nên vẫn chưa qua ngày 05/10, Windows 11 thậm chí còn được tung ra sớm hơn dự kiến.

Hệ điều hành mới sẽ tự động được chuyển đến cho người dùng đủ điều kiện cài đặt thông qua Windows Update. Nếu bạn vẫn chưa nhận được thì nhiều khả năng bạn không nằm trong đợt cập nhật đầu tiên. Điều này xuất phát từ việc Microsoft cập nhật Windows 11 theo từng đợt để đảm bảo rằng trải nghiệm của người dùng toàn cầu không bị phá hỏng cùng lúc nếu có lỗi phát sinh.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ được cập nhật trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không thể chờ đợi bạn có thể tự tải file ISO của Windows 11 về để cài đặt ngay bây giờ hoặc tham gia chương trình Windows Insider.

Windows 11 chính thức được ra mắt vào ngày 24/6 và là bản kế nhiệm của Windows 10, ra mắt vào tháng 9/2014. Người dùng Windows 10 được chọn cập nhật miễn phí lên Windows 11 hoặc tiếp tục sử dụng Windows 10.

Lần này, Microsoft nghiêm ngặt hơn trong việc giới hạn phần cứng có thể chạy Windows 11. Bạn có thể xem chi tiết hơn trong bài yêu cầu cấu hình tối thiểu của Windows 11. Với các máy không được hỗ trợ bạn vẫn có thể cài Windows 11 nhưng sẽ mất quyền được cập nhật trong tương lai. Để xem máy tính của mình có đủ điều kiện cài Windows 11 hay không bạn có thể tham khảo cách sử dụng công cụ PC Health Check của Microsoft.

Một điều quan trọng khác cần lưu ý đó là kể cả chọn không nâng cấp lên Windows 11 bạn cũng không bị Microsoft bỏ rơi. Microsoft cam kết hỗ trợ cập nhật cho Windows 10 đến tận tháng 10/2025, cung cấp cho bạn thời gian cần thiết để sắp xếp việc nâng cấp thiết bị sẵn sàng cho Windows 11.

Quản Trị Mạng và các bạn đã cùng thảo luận về Windows 11 từ khá lâu rồi và cũng đã xem xét kỹ về một số tính năng và cải tiến nổi bật của hệ điều hành này. Giờ đây, khi Windows 11 đã ra bản chính thức, Quản Trị Mạng sẽ tổng hợp những suy nghĩ, đánh giá một cách toàn diện của chúng tôi về hệ điều hành mới này của Microsoft.

Nào, hãy cùng bắt đầu nhé!

Start Menu

Trên Windows 11, Start Menu được đại tu gần như hoàn toàn. Live Tiles vốn là thiết kế chủ đạo từ Windows 8 đã bị loại bỏ để thay bằng các ứng dụng có thể ghim được, một kiểu thiết mới quen thuộc hơn với người dùng smartphone.

Đánh giá Windows 11

Những người dùng ít sử dụng Live Tiles có lẽ sẽ không quan tâm tới việc sử dụng các ứng dụng được ghim. Tuy nhiên, những ai thường xuyên dùng Start Menu trên Windows 10 có lẽ sẽ thất vọng khi Microsoft loại bỏ một số tính năng hữu ích như khả năng nhóm các ứng dụng.. Về cơ bản, bạn sẽ phải cuộn nhiều hơn trong Start Menu nếu muốn tìm một ứng dụng. Tôi nghĩ rằng đây là một thiết kế có phần vô ý tới từ Microsoft, đặc biệt là khi không hề có giải pháp nào thay thế.

Tính năng đề xuất các tệp cũng được đưa vào và nó hiển thị ở bên dưới của Start Menu. Đây là tính năng hữu ích trong trường hợp bạn muốn truy cập nhanh tệp vừa sử dụng gần đây. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn rủi ro, lộ thông tin... Vì thế, Microsoft cho phép bạn tắt tính năng này nếu như bạn không thích.

Trong khi đó, trải nghiệm Tìm kiếm (Search) trong Windows 11 có hơi kỳ quặc. Thanh tìm kiếm trong Start Menu được tích hợp chặt chẽ với nút Tìm kiếm chuyên dụng. Thực tế, chúng có liên quan mật thiết đến mức nếu nhấp vào thanh tìm kiếm ở trên đầu Start Menu thì nó sẽ đóng Start Menu để mở giao diện Search UI chuyên dụng. Đây là một trải nghiệm khá dở người.

Đánh giá Windows 11

Taskbar

Taskbar trên Windows 11 có lẽ là tính năng gây tranh cãi nhất. Lý do là vì Microsoft đã loại bỏ một loạt các tính năng và chẳng bổ sung thêm bất cứ thứ gì. Microsoft giải thích rằng họ làm vậy để "đơn giản hóa" trải nghiệm.

Đánh giá Windows 11

Nếu bạn thường xuyên nhấp vào Taskbar để mở Task Manager từ menu ngữ cảnh trên Windows 10 thì lên Windows 11 bạn phải bỏ thói quen ấy. Menu ngữ cảnh của thanh Taskbar trên Windows 11 chỉ có duy nhất một tùy chọn là truy cập Taskbar settings.

Tiếp theo là vấn đề vị trí của nó. Trên Windows 11, Taskbar được mặc định căn giữa và bạn có thể điều chỉnh để căn các biểu tượng ứng dụng sang bên trái. Thế nhưng bạn không thể thay đổi vị trí của Taskbar. Nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ với quyết định này.

Windows 11 cũng không cho phép bạn tùy chỉnh nhóm ứng dụng. Giờ đây mọi cửa sổ ứng dụng đều được nhóm theo mặc định. Điều này đồng nghĩa với việc nếu mở cùng lúc nhiều cửa sổ của một ứng dụng bạn sẽ phải mất nhiều thao tác và thời gian hơn khi muốn truy cập một cửa sổ cụ thể.

Đó chưa phải là tất cả những gì Microsoft lấy đi của bạn. Trên Windows 11, bạn thậm chí còn không thể kéo và thả các ứng dụng trên Taskbar để ghim chúng. Bạn không thể xem ngày và giờ trên nhiều màn hình và đồng hồ hệ thống không còn hiển thị thời gian chính xác đến từng giây nữa. Bạn không thể làm cho các mục nhỏ hơn...

Lý do của những thay đổi có phần thảm họa này là Windows 11 vay mượn thiết kế Taskbar của Windows 10X. Được lên kế hoạch, thiết kế cho các thiết bị màn hình kép nhưng Windows 10X đã bị Microsoft khai tử vì một lý do nào đó.

Việc đơn giản hóa Taskbar giúp Windows 11 có một vẻ đẹp hiện đại nhưng lại khiến người dùng phải hy sinh nhiều tính năng. Bản thân tôi thường xuyên cảm thấy khó chịu khi phải nhấn vài lần chuột mới chuyển được đến cửa sổ mình cần.

Đánh giá Windows 11

Widget

Cảm xúc của tôi với Widget trên Windows 11 khá hỗn độn. Microsoft đã cho chúng ta dùng thử widget trên Taskbar với tính năng News and Interests của Windows 10. Lên Windows 11, nút News and Interests biến mất và thay bằng một nút riêng dành cho Widget trên Taskbar.

Đánh giá Windows 11

Nhấp vào nó bạn sẽ thấy các widget cung cấp tin tức, thời tiết, chứng khoán... Nó cũng tích hợp với các dịch vụ khác của Microsoft như Outlook Calendar, OneDrive và Microsoft Todo... Bạn có thể tùy chỉnh các danh mục tin tức mà bạn quan tâm. Và nếu không có ý định sử dụng bạn chỉ cần xóa biểu tượng Widget khỏi thanh Taskbar thông qua Windows Settings.

Có một nhược điểm của Widget đó là nó không cung cấp khả năng đa nhiệm. Widget có kích thước khá lớn nên khi được mở sẽ che đi nhiều không gian màn hình, nhất là với laptop. Ngoài ra, khi bạn nhấn vào bất cứ phần tử giao diện nào khác thì Widget sẽ đóng lại. Hoặc là mở Widget hoặc là bạn tiếp tục làm các tác vụ khác, không thể mở song song với nhau.

Tôi nghĩ rằng Microsoft nên điều chỉnh một chút về Widget để người dùng có thể sử dụng nó theo cách có ích hơn nữa.

File Explorer

File Explorer trên Windows 11 đã được thiết kế lại. Những thay đổi đáng chú ý bao gồm một số biểu tượng mới và một giao diện Ribbon UI thay thế cho giao diện thanh công cụ có phần "cổ xưa" của File Explorer cũ. Với giao diện mới, người dùng sẽ dễ dàng tìm ra thứ họ cần. Hầu hết các cài đặt trong thanh công cụ đều được chuyển vào bên trong menu dấu ba chấm.

Đánh giá Windows 11

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào các biểu tượng Ribbon thay vì văn bản thông thường trên thanh công cụ sẽ khiến công việc của các nhân viên hỗ trợ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, tất cả mọi người đều sẽ phải làm quen lại với giao diện mới và mọi việc sẽ còn khó hơn nữa nếu như bạn không quen sử dụng phím tắt.

File Explorer cũng có menu ngữ cảnh mới. Chúng ta sẽ bàn thêm về menu ngữ cảnh mới trong phần "Giao diện người dùng" bởi đây là thay đổi trên toàn bộ Windows 11 chứ không chỉ dành cho File Explorer.

Tôi khá thích giao diện mới của File Explorer nhưng hiệu suất của nó lại hơi có vấ đề. Khi tôi chọn vị trí tải xuống cho một tệp File Explorer sẽ mất vài giây để mở. Dù không nghiêm trọng nhưng rõ ràng là nó khiến người dùng hơi khó chịu. File Explorer trên Windows 10 không hề gặp vấn đề này.

Đa nhiệm

Ở cấp độ hệ điều hành, đa nhiệm là một lĩnh vực rất rộng nên tôi sẽ chỉ tập trung vào những cải tiến lớn thay vì chỉ ra từng chi tiết. Tính năng mà tôi yêu thích nhấn của Windows 11 chính là Snap Layouts và Snap Group (gọi chung là Snap Assist). Nó cho phép người dùng mau chóng gắn các cửa sổ màn hình vào các khu vực khác nhau trên màn hình.

Đánh giá Windows 11

Các gợi ý vị trí màn hình sẽ xuất hiện khi bạn di chuột qua biểu tượng "cửa sổ" của một cửa sổ ứng dụng. Giao diện mới này khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và cung cấp các kiểu gắn ứng dụng khác nhau. Với những người thường xuyên làm việc với nhiều cửa sổ trên màn hình, Snap Assist sẽ giúp họ cải thiện đáng kể năng suất.

Tương tự như vậy, Virtual Desktops cũng có một số cải tiến tiện lợi. Cải tiến rõ ràng nhất đó là giao diện sạch hơn nhờ loại bỏ Timeline. Các cải tiến khác bao gồm khả năng đặt màn hình nền khác nhau cho các Virtural Desktops và khả năng di chuyển chúng một cách hiệu quả bằng menu ngữ cảnh. Dù không có gì đột phá nhưng những cải tiến nhỏ này giúp tăng mức độ hài lòng của trải nghiệm tổng thể.

Trong khi đó, Quick Settings thì có cả ưu điểm và nhược điểm. Microsoft đã loại bỏ Action Center và chia các cài đặt nhanh và thông báo vào các khay riêng của chúng. Đây không phải là một thay đổi xấu bởi nó sẽ chiếm ít không gian màn hình hơn.

Tuy nhiên, thứ mà tôi cảm thấy khó chịu ở đây là sự kết hợp kỳ lại của các biểu tượng hệ thống trên thanh Taskbar. Nếu nhấp vào một biểu tượng bất kỳ trong số này, bạn sẽ phải xem tất cả Quick Settings thay vì các cài đặt có liên quan. Điều này làm bạn mất thời gian xem qua các cài đặt để tìm thứ màn mình cần. Khi bạn quen với giao diện thì mới đỡ mất thời gian tìm kiếm.

Tôi thực sự hy vọng rằng Microsoft sẽ thay đổi hành vi này trong các bản cập nhật Windows 11 tiếp theo.

Đánh giá Windows 11

Giao diện người dùng

Mặc dù khi thảo luận về các tính năng cụ thể chúng ta đã gián tiếp nói viề giao diện người dùng rất nhiều nhưng vẫn nên có một phần thảo luận riêng về nó. Windows 11 có nhiều thay đổi về giao diện và đáng chú ý nhất chính là các góc bo tròn và menu ngữ cảnh mới.

Đánh giá Windows 11

Thay vì các góc nhọn, các cửa sổ trên Windows 11 sẽ có các góc bo tròn. Kiểu thiết kế này khiến mọi thứ dễ nhìn hơn, thân thiện hơn, đáng tin cậy hơn và không làm mất đi trải nghiệm cốt lõi của việc sử dụng Windows. Một số người có thể không thích nhưng tôi nghĩ rằng rồi mọi người sẽ quen dần bởi thiết kế góc bo tròn đang dần xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Menu ngữ cảnh cũng là một yếu tố nhận được những cải tiến lớn. Menu ngữ cảnh mới có một ribbon ở trên cùng để chứa các chứng năng phổ biến trong khi các tùy chọn khác được nhóm một cách gọn gàng ở bên dưới. Dẫu vậy, có một số tùy chọn của ứng dụng bên thứ ba sẽ bị giấu vào bên trong cấu hình "More options".

Thực tế "More options" mở ra menu ngữ cảnh cũ để bạn dễ dàng thao tác. Microsoft không muốn điều này và hy vọng rằng các ứng dụng của bên thứ ba sẽ được cập nhật để hỗ trợ tốt hơn menu ngữ cảnh mới.

Ngoài ra còn có một số cải tiến nhỏ khác về giao diện người dùng. Các biểu tượng và ngôn ngữ thiết kế của Windows 11 đã được cập nhật. Các ứng dụng như Clock, Photos, Snipping Tool và Paint cũng đã được nâng cấp đề phù hợp hơn với Windows 11.

Microsoft vẫn đang tiếp tục điều chỉnh giao diện Windows 11 và có thể chúng ta sẽ thấy nhiều cải tiến hơn trong tương lai. Windows 11 có vẻ như chú trọng nhiều vào việc tạo ra một giao diện người dùng hiện đại tùy nhiên Microsoft còn phải làm nhiều thứ để trải nghiệm trên toàn bộ hệ điều hành được nhất quán.

Đánh giá Windows 11

Tích hợp Microsoft Teams

Theo tôi nghĩ thì đây là một trong những tính năng không cần thiết nhất trên Windows 11. Microsoft đang cố định vị Teams như một thương hiệu dành cho người tiêu dùng và tích hợp nó trực tiếp vào hệ điều hành mới. Bạn có thể truy cập Teams trực tiếp bằng cách nhấn vào biểu tượng Chat trên Taskbar. Ý tưởng của Microsoft là biến Teams trở thành FaceTime của Windows 11, điều mà họ đã từng thất bại thảm hại với Skype.

Đánh giá Windows 11

Hiện tại, Teams cung cấp giao diện Flyout UI ngay phía trên Taskbar khi bạn khởi chạy để bạn có thể giao tiếp trực tuyến với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Cách tiếp cận này không có gì sai nhưng lại chẳng có bất cứ điểm mạnh nào.

Hầu hết mọi người đều có sẵn các lựa chọn tốt hơn cho việc giao tiếp trực tuyến. Thứ duy nhất mà Teams có thể tự hào đó là khả năng chia sẻ nhanh màn hình máy tính của bạn. Nhưng thực tế thì đây lại là tính năng mà rất ít người cần tới khi liên lạc với gia đình và bạn bè.

Và Teams tích hợp lại còn đầy lỗi nữa. Các cửa sổ trò chuyện không hỗ trợ Snap Layout dù đó là chức năng của hệ điều hành, menu ngữ cảnh không rõ ràng, giao diện người dùng không trực quan...

Nói một cách đơn giản, Microsoft đang muốn dựa vào thành công của Teams trong môi trường doanh nghiệp để thu hút người dùng sử dụng Teams cho việc giao tiếp cá nhân. Tuy nhiên hiện tại Team chưa có bất cứ thứ gì hấp dẫn đủ để thuyết phục người dùng nhảy vào sử dụng. Có lẽ Microsoft nên mong đợi một ngày nào đó tất cả các nền tảng giao tiếp trực tuyến khác đều sập như sự cố với Facebook trong 6 tiếng đồng hồ vài ngày trước.

Đánh giá Windows 11

Microsoft Store

Microsoft Store dường như đã được xây dựng lại từ đầu với trải nghiệm hoàn toàn mới trên mọi trang mà bạn truy cập từ tìm kiếm, thư viện, cài đặt... Có một số hiệu ứng và hoạt ảnh hữu ích khi bạn tương tác với một số phần tử giao diện người dùng nhất định. Dù chưa hẳn là hoàn hảo nhưng tôi nghĩ Microsoft đã đi đúng hướng về mặt thiết kế.

Đánh giá Windows 11

Microsoft cũng khiến Microsoft Store trở nên hấp dẫn hơn với nhà phát triển khi cho phép đưa lên bất kỳ loại ứng dụng nào. Ngoài ra, các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba còn được tích hơp luôn vào Microsoft Store. Kết hợp với các chính sách thân thiện với nhà phát triển thì nhiều khả năng Microsoft Store sẽ sớm trở thành một đối thủ lớn trong lĩnh vực phân phối ứng dụng.

Vấn đề đáng chú ý duy nhất đó chính là vẫn chưa có sự hỗ trợ cho ứng dụng Android. Dù không phải là lỗi trực tiếp của Microsoft Store nhưng lại có liên quan mật thiết. Hồi ra mắt Windows 11, Microsoft đã quảng cáo rầm rộ rằng Microsoft Store sẽ kết hợp với Amazon Store để cung cấp ứng dụng Android chạy trực tiếp trên Windows 11. Nhưng cuối cùng từ đó tới nay Microsoft không hề cập nhật gì thêm.

Không chỉ bản chính thức, tính năng này còn chưa xuất hiện trên bản Windows 11 Insider Preview. Vì thế, có thể vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí cả năm nữa nó mới sẵn sàng được tung ra cho người dùng. Đây là tính năng nhiều người mong chờ nên càng chậm trễ Microsoft càng mất đi danh tiếng của mình.

Đánh giá Windows 11

Cài đặt ứng dụng mặc định

Windows 10 cung cấp một cách để người dùng nhanh chóng cài đặt ứng dụng mặc định cho các danh mục cụ thể như Email, Bản đồ, Trình phát nhạc, Trình xem ảnh, Trình phát video và Trình duyệt web. Nhưng trên Windows 11 tính năng này biến mất không để lại dấu vết gì.

Đánh giá Windows 11

Hiện giờ, Microsoft muốn bạn phải cài thủ công cho từng giao thức mở rộng mà bạn muốn điều chỉnh ứng dụng mặc định. Nếu bạn muốn đổi trình duyệt mặc định của mình từ Microsoft Edge sang Google Chrome trên Windows 11 bạn sẽ phải cài đặt lại cho từng loại tệp và phần mở rộng.

Ngoài việc khiến người dùng đau đầu, đây còn là một hành vi chống cạnh tranh một cách trắng trợn. Chẳng có gì có thể bao biện cho hành động đó. Các đối thủ cạnh tranh của Microsoft đã có những phản ứng mạnh mẽ. Mozilla thậm chí còn dịch ngược mã nguồn của Microsoft để trình duyệt Firefox có thể cài đặt mặc định trên Windows 11 cho tất cả các loại file và phần mở rộng chỉ bằng một nút bấm.

Những bạn nào sử dụng nhiều ứng dụng của bên thứ ba cho một số loại tệp nhất định cần lưu ý điều này trước khi nâng cấp lên Windows 11. Lý do là vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới trải nghiệm của người dùng.

Đánh giá Windows 11

Kết luận

Trước khi đi vào những đánh giá cuối cùng về Windows 11, tôi muốn nhấn mạnh rằng điểm số cuối cùng của tôi (trong ảnh cuối bài) không phải là kết quả trung bình của điểm số dành cho các tính năng ở trên. Nếu tính trung bình thì điểm số chính xác phải là 6.05/10. Lý do là vì hệ điều hành là sự kết hợp của nhiều thứ khác nữa. Hệ điều hành là sự kết hợp của tất cả các phần nhằm cung cấp một trải nghiệm tổng thể.

Nói ngắn gọn lại thì tôi rất muốn thích Windows 11. Tôi yêu thích thiết kế giao diện người dùng hiện đại cũng như các tính năng như Snap Assist, Microsoft Store và các cải tiến đa nhiệm khác.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà tôi không thể chấp nhận được. Ví dụ như Micrososft Teams tích hợp, thanh Taskbar quá kỳ dị và các thao tác cài đặt ứng dụng mặc định phức tạp.

Tôi biết rằng Microsoft có thể cải thiện Windows 11 theo thời gian nhưng chẳng biết rằng thời hạn cụ thể là khi nào. Chẳng hiểu Microsoft muốn gì khi đã tạo ra sự phấn khích lớn khi công bố Windows 11 sẽ hỗ trợ Android nhưng lại không cung cấp tính năng này trong ngày hệ điều hành mới được tung ra. Thậm chí họ chẳng có lịch trình nào cho tính năng này, không thông báo trì hoãn, không gì hết.

Tiếp theo, Windows 11 thiếu quá nhiều chức năng. Microsoft đã hy sinh rất nhiều chức năng chỉ để đơn giản hóa Windows 11. Thật vô lý khi cung cấp một thanh Taskbar được đơn giản hóa tới mức hầu như chả còn tính năng gì, một Start Menu với chức năng tìm kiếm lúc chạy lúc không.

Microsoft vừa cảm ơn người dùng Windows Insider vì đã đóng góp giúp họ xây dựng lên Windows 11. Nhưng chính những người dùng Windows Insider như tôi lại cảm thấy không được tôn trọng khi những phản hồi, yêu cầu khôi phục tính năng đều bị Microsoft bỏ qua, kể cả những tính năng nhỏ nhất. Với những thiếu sót của Windows 11 và việc triển khai một loạt tính năng trong tình trạng nửa vởi nhiều người tự hỏi rằng liệu Microsoft có còn xem xét tới các phản hồi của người dùng Windows Insider nữa hay không.

Đúng là Windows 11 vẫn có những ưu điểm nhưng người dùng thực sự muốn có nhiều tùy chọn hơn, nhiều chức năng hơn nữa. Là một công ty công nghệ lớn với sản phẩm được cả thế giới sử dụng bạn không thể lấy lý do đơn giản hóa để rồi loại bỏ các chức năng của hệ điều hành và mong muốn mọi người không ý kiến gì.

Tựu chung lại, vấn đề với Windows 11 hiện tại là không hề có tính năng nổi bật nào, nó chỉ giống như một bản Windows 10 được làm lại giao diện, không hơn không kém. Một bản cập nhật giao diện cũng ổn nhưng không phải là thứ khiến người dùng cảm thấy cần phải ngay lập tức nâng cấp. Tôi nghĩ rằng Microsoft nên chờ phát triển xong, hoàn thiện thêm các tính năng, chức năng rồi hẵng tung Windows 11 ra thị trường chứ không phải vội vã tung ra như thế này.

Rõ ràng là người dùng đã quá quen với kiểu "tung ra trước, sửa lỗi sau" của Microsoft. Công thức này được Microsoft duy trì từ khi ra mắt hệ điều hành đầu tiên tới tận Windows 11. Nó không tệ nhưng cũng không tuyệt vời, đơn giản hóa giao diện người dùng không phải là ý tưởng tồi nhưng nếu làm nửa vời như với Windows 11 hiện tại thì lại không tạo ra trải nghiệm thực sự hấp dẫn.

Windows 11 sẽ tốt lên theo thời gian nhưng giờ vẫn chưa phải là thời điểm bạn nên cài đặt, nâng cấp lên hệ điều hành này.

Đánh giá Windows 11

Thứ Năm, 07/10/2021 17:14
4,116 👨 14.271
5 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phạm Hữu Vương
    Phạm Hữu Vương

    thật sự tôi không thích nó.chắc chỉ mình tôi

    Thích Phản hồi 07/10/21
    • toan khanh
      toan khanh

      tôi nữa, ghét lém


      Thích Phản hồi 11/12/21
  • Phat Nguyen
    Phat Nguyen

    K còn thao tác touchpad nữa!

    Thích Phản hồi 03/07/21
    • Bong Bóng Xà Phòng
      Bong Bóng Xà Phòng

      Đẹp nhưng có vẻ chưa ổn định. Đợi ae test hết rồi tôi mới lên kaka

      Thích Phản hồi 07/10/21
      • Trần Quốc Thái
        Trần Quốc Thái may là còn cách ấn chuột phải vào ô cửa sổ start còn có tùy chọn task manager không thì tôi xuống luôn windows 10 dùng còn hơn
        Thích Phản hồi 19/01/22
        • Châu Bảo
          Châu Bảo

          rate win 11 điểm thấp thế

          Thích Phản hồi 28/10/21
          ❖ Windows 11