Tại sao tai nghe hay bị hỏng?

Tai nghe sử dụng được bao lâu? Chắc chắn không phải là mãi mãi. Mọi cặp tai nghe sẽ bị hỏng vào một thời điểm nào đó. Đó là một thiết bị mỏng manh với rất nhiều thành phần phức tạp, và những thành phần đó sẽ bị hao mòn theo thời gian, dẫn đến trục trặc không thể tránh khỏi.

Điều này nghe có vẻ khá tệ, và bây giờ có lẽ bạn đang tự hỏi, liệu tai nghe có thể dùng được bao lâu? Không có câu trả lời chính xác. Nhưng nếu tai nghe của bạn thường bị hỏng chỉ trong vòng một năm, thì bạn đang làm điều gì đó không đúng rồi.

Có thể sử dụng tai nghe lên đến 3 năm và nếu bạn “chăm sóc” nó đúng cách, bạn có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba tuổi thọ dự kiến ​​của bất kỳ cặp tai nghe nào.

Tại sao tai nghe của bạn liên tục bị hỏng? Dưới đây là một số lỗi phổ biến có thể khiến tai nghe của bạn nhanh bị hỏng.

1. Hãy cuộn dây gọn gàng!

Hãy cuộn dây gọn gàng!
Hãy cuộn dây gọn gàng!

Chiều dài dây cho tai nghe có thể khá dài. Ví dụ, Audio-Technica ATH-M50x và Sony MDRV6 đều có chiều dài dây là hơn 3m, thậm chí những tai nghe chất lượng cao nhưng giá rẻ hơn cũng có thể đi kèm với dây dài 2 - 2,5m.

Để một sợi dây dài như vậy loằng ngoằng trên mặt đất thật bất tiện. Thêm vào đó, bạn phải cẩn thận để không bao giờ giẫm lên hoặc tệ hơn, lăn bánh xe của ghế máy tính lên dây tai nghe. Chỉ cần một chỗ bị đứt, tai nghe cũng sẽ không hoạt động được nữa.

2. Đừng để dây treo lủng lẳng!

Đây là một nguyên nhân khác hay làm hỏng tai nghe dây dài: Để dây lủng lẳng ở mép bàn, khi nghỉ ngơi hoặc khi đang sử dụng. Đó là một rủi ro ngay cả với tai nghe có dây tốt nhất.

Một sợi dây treo lơ lửng về cơ bản bị uốn cong ở một góc 90 độ và điều đó gây ra ứng suất quá mức lên dây bên trong tại điểm đó. Hãy coi nó như một chiếc ghim: Uốn cong qua lại, nó sẽ bị gãy. Nếu bạn vô tình ấn hoặc kẹp dây vào cạnh, dây bên trong có thể bị đứt và làm hỏng tai nghe của bạn.

3. Quên mất mình đang đeo tai nghe

Đừng quên mất mình đang đeo tai nghe!
Đừng quên mất mình đang đeo tai nghe!

Điều này xảy ra với ngay cả những người cẩn thận nhất: Hàng giờ đồng hồ chơi game hoặc xem một trận đấu trên laptop, sau đó lao vào nhà vệ sinh mà quên tháo tai nghe!

Kéo mạnh như vậy sẽ gây căng thẳng đột ngột lên các dây bên trong và những điểm kết nối. Tai nghe có thể không bị hỏng ngay lần đầu tiên, lần thứ hai hoặc thậm chí lần thứ ba, nhưng thiệt hại được tích lũy và đến một ngày, tai nghe sẽ bị hỏng hoàn toàn.

4. Để dây bị thắt nút

Bạn đã thấy những chiếc “phao cứu sinh” với cách cuốn dây thật tài tình để chúng không bị rối chưa? Dây tai nghe dễ bị thắt nút (những người dùng tai nghe earbud sẽ cảm nhận rõ điều này). Nếu bạn thắc mắc tại sao tai nghe của mình dễ bị đứt như vậy, thì lý do có thể là do các nút thắt trên phần dây làm tăng tốc độ mòn của dây bên trong.

Bạn có thể quấn dây quanh lõi của cuộn giấy vệ sinh để tránh làm cho dây bị rối. Đối với tai nghe thông thường, hãy sử dụng phương pháp được hiển thị trong video bên dưới.

5. Đi du lịch mà không có hộp đựng tai nghe

Hãy ngừng ném tai nghe vào túi, ba lô hoặc ví. Cho dù bạn có cẩn thận đến đâu, đồ đạc trong túi sẽ bị xô đẩy và khiến dây tai nghe bị kéo căng, xoắn, uốn cong, thắt nút, chèn ép, đè bẹp và hư hỏng.

Và nếu bạn để dây cắm vào điện thoại chẳng hạn, thì vật nặng có thể va vào và làm hỏng đầu nối. Bạn có thể sử dụng giắc cắm hình chữ L để ngăn điều này xảy ra.

Bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng hộp đựng riêng cho tai nghe. Ngày nay, hầu hết các tai nghe chất lượng cao đều đi kèm với hộp đựng cứng. Trường hợp tệ nhất, sử dụng một chiếc túi mềm còn hơn không có gì.

6. Kéo dây, chứ không phải đầu cắm, khi rút tai nghe

Đây là một lý do rất lớn khác khiến tai nghe của bạn liên tục bị đứt. Theo thời gian, việc kéo có thể làm đứt dây bên trong. Hoặc tệ hơn, việc kéo dây có thể làm đứt cáp khỏi đầu nối, khiến đầu nối bị kẹt trong cổng âm thanh của thiết bị.

Điều này cũng đúng với tai nghe nhét tai. Khi nghe xong, bạn có giật mạnh dây để lấy phần bud ra khỏi tai không? Do lực không bằng nhau, một trong các dây bên trong sẽ bị đứt trước dây còn lại, khiến bạn có tai nghe chỉ phát âm thanh từ một bên.

Đừng bao giờ kéo dây tai nghe! Bạn có thể bỏ thói quen này bằng cách chuyển sang dây có giắc cắm hình chữ L, không thể rút bằng cách kéo dây.

7. Tiếp xúc với mồ hôi và độ ẩm

Tránh để tai nghe tiếp xúc với mồ hôi và độ ẩm
Tránh để tai nghe tiếp xúc với mồ hôi và độ ẩm

Đồ điện tử và nước không phải là bạn đồng hành. Giống như cách nước có thể làm hỏng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nó cũng có thể làm hỏng tai nghe của bạn.

Mồ hôi có thể là một vấn đề lớn, đặc biệt là nếu bạn nghe nhạc trong khi tập thể dục. Một chiếc băng đô có thể làm giảm nguy cơ mồ hôi rơi vào tai nghe, nhưng tốt hơn hết bạn nên mua tai nghe chuyên biệt khi chơi thể thao hoặc tập thể dục, những loại tai nghe được thiết kế dành cho khi toát nhiều mồ hôi. Chất lượng âm thanh có thể không phải là hàng đầu, nhưng ít nhất chúng sẽ tồn tại lâu dài.

Tránh sử dụng tai nghe khi bạn đang ở dưới mưa hoặc ngay sau khi tắm (nước có thể chảy xuống từ tóc ướt vào bên trong qua các khe hở). Độ ẩm cao cũng có thể làm tăng tốc độ hư hỏng của các bộ phận bên trong về lâu dài.

8. Vừa ngủ vừa đeo tai nghe

Không vừa ngủ vừa đeo tai nghe
Không vừa ngủ vừa đeo tai nghe

Bạn không thể kiểm soát hành động khi đang ngủ. Bạn lăn lộn, xoay người và vô tình giật vào dây, hoặc gây hỏng tai nghe khi đè đầu lên nó cả đêm.

Hãy bỏ tai nghe và nghe bất cứ thứ gì bạn thích bằng Amazon Echo, bạn có thể bật và tắt bằng giọng nói của mình. Nếu đó không phải là một lựa chọn và bạn cần đeo tai nghe khi ngủ, hãy cân nhắc việc mua một cặp tai nghe không dây.

9. Sử dụng với âm lượng quá lớn

Một lý do khác khiến tai nghe bị hỏng là thường xuyên sử dụng chúng với âm lượng quá lớn. Tất cả các thiết bị như vậy đều tạo ra sóng âm thanh. Sóng âm được tạo ra bởi dao động, và âm thanh càng lớn thì dao động càng lớn. Vì các thành phần của tai nghe rất mỏng manh, âm lượng quá lớn có thể làm cong các bộ phận tạo ra âm thanh.

Âm thanh sẽ dần thay đổi và giảm chất lượng. Khi trở nên tồi tệ hơn, âm thanh có thể bắt đầu nghe ù hơn bình thường. Theo thời gian, bạn sẽ nghe thấy tiếng vo ve và các hiện tượng gây khó chịu khác.

10. Bỏ qua thẻ giá

Tại sao tai nghe giá rẻ dễ bị hỏng? Bởi vì chúng rẻ! Trả nhiều tiền hơn không đảm bảo bạn sẽ sở hữu sản phẩm tốt hơn và các sản phẩm rẻ hơn có thể được sản xuất, chế tạo tốt để tồn tại lâu dài, nhưng nói chung, tiền nào của nấy.

Bạn có thể xoay sở để làm cho tai nghe giá rẻ tồn tại trong nhiều năm, nhưng đừng ngạc nhiên khi một chiếc tai nghe nhái bị hỏng chỉ sau 3 tháng. Chất liệu bền chắc, thiết kế thông minh và kiểm soát chất lượng đều thể hiện ở giá cả. Nếu muốn trả ít tiền hơn, bạn sẽ cần phải hy sinh một số thứ.

Chủ Nhật, 01/08/2021 11:21
55 👨 1.943
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Loa, tai nghe