Việc tải xuống ứng dụng cho Linux không còn quá khó khăn như trước đây. Đã qua rồi cái thời bạn phải biết cách xây dựng từ các file nguồn cho bất kỳ chương trình nào có sẵn trong kho ứng dụng hoặc trình quản lý gói của bản phân phối Linux.
Nhờ Flathub và Snap Store, các ứng dụng như vậy giờ đây có thể dễ dàng được tìm thấy và cài đặt. Nhưng hai trang web này có gì giống và khác nhau?
Flathub hay Snap Store là kho ứng dụng Linux ưu việt hơn?
File Snap và Flatpak là gì?
Flathub và Snap Store là hai trang web phát triển xung quanh hai định dạng gói phổ quát riêng biệt dành cho Linux: Flakpak và snap.
Ý tưởng đằng sau cả hai định dạng gói này là chúng cung cấp cách phân phối ứng dụng trên Linux, hoạt động bất kể bạn sử dụng bản phân phối nào. Các định dạng này cũng cung cấp những cải tiến bảo mật. Cả hai đều có thể cách ly các ứng dụng với nhau, để một phần mềm không thể truy cập vào các hình ảnh hoặc mật khẩu mà bạn đã mở ở nơi khác trên desktop.
Flatpak được tích hợp rất nhiều vào môi trường desktop GNOME, nhưng nó vẫn hoạt động với những môi trường khác. Nhiều bản phân phối Linux đã coi Flatpak là định dạng gói phổ biến ưa thích. Flatpak là một dự án cộng đồng, mặc dù các công ty tư nhân Red Hat và Endless đã tài trợ phần lớn cho sự phát triển của công cụ này.
Snap là một định dạng file đến từ Canonical, công ty tạo ra phân phối Linux Ubuntu. Không giống như Flatpak, snap ban đầu được dành cho các máy chủ. Mặc dù snap hoạt động trên rất nhiều bản phân phối Linux khác nhau, nhưng chúng lại cực kỳ phù hợp với Ubuntu. Tất nhiên, với số lượng người sử dụng Ubuntu lớn hơn rất nhiều so với các bản phân phối khác, Snap Store không hề thiếu các ứng dụng.
So sánh Flathub và Snap Store
Khi được kết hợp với nhau, Flathub và Snap Store cung cấp một cách để có được nhiều ứng dụng desktop chính mà bạn có thể muốn cho Linux. Nếu bạn sử dụng một bản phân phối hỗ trợ cả 2 file Flatpak và snap (điều mà các bản phân phối phổ biến nhất có thể thực hiện được), bạn có thể tận hưởng những điểm tốt nhất của cả hai định dạng này.
Flathub có nhiều điểm giống với một công cụ mã nguồn mở và miễn phí. Ngược lại, Snap Store cho ta cảm giác giống một trải nghiệm mang tính thương mại hơn.
Nhưng sự khác biệt về thị giác chỉ là vẻ bên ngoài thôi. Về cơ bản, bạn điều hướng cả hai trung tâm ứng dụng trực tuyến này theo cùng một cách và mỗi trang cho phép bạn bắt đầu cài đặt một ứng dụng bằng cách nhấp vào nút trong trình duyệt của mình.
Bạn có thể coi Flathub và Snap Store giống như những cửa hàng ứng dụng. Điểm đặc biệt là chúng không chứa bất kỳ phần mềm trả phí nào cả. Cho dù bạn đang tải xuống phần mềm mã nguồn mở hay phần mềm độc quyền, bạn đều không phải trả bất kỳ chi phí nào cả.
Bây giờ, hãy tìm hiểu sâu hơn về hai trang web này và xem chúng khác nhau ra sao nhé!
1. Bố cục
Flathub cung cấp một trải nghiệm tối giản. Giao diện của nó giống như phiên bản web của phần mềm GNOME. Flathub sắp xếp các ứng dụng trong một lưới và phân chia chúng thành những danh mục gần giống như bạn thấy trong các app launcher (trình khởi chạy ứng dụng) Linux.
Bố cục của Snap Store tương tự Flathub về chức năng, nhưng trải nghiệm mang lại cảm giác thân thiện hơn. Có nhiều thứ lộn xộn hơn ở phía trên, nơi Canonical đặt các liên kết đến tài nguyên của nhà phát triển, khiến trang web này có cảm giác ban đầu hướng nhiều hơn đến các nhà sản xuất ứng dụng.
Cả Flathub và Snap Store đều hiển thị các ứng dụng theo nhóm. Flathub chứa một vài danh mục trên trang chủ của nó, trong khi Snap Store cung cấp nhiều danh mục để bạn cuộn qua trước khi đi sâu hơn vào trang web.
2. Khám phá ứng dụng
Các danh mục ứng dụng của Snap Store, được tổ chức hợp lý, giúp duyệt và khám phá phần mềm mới dễ dàng hơn. Đáng chú ý, các danh mục vượt xa những gì nhà phát triển có thể đưa vào siêu dữ liệu của ứng dụng. Bạn sẽ tìm thấy các phần như Social, Server and cloud, Security, Devices and IoT và Art and design. Cách sắp xếp của Canonical giúp dễ dàng tìm thấy các ứng dụng có sẵn.
Snap Store cũng cung cấp kết quả tìm kiếm tốt hơn. Nhập “photo” vào thanh tìm kiếm trong Snap Store mang lại khoảng 40 ứng dụng. Làm tương tự trên Flathub chỉ cho ra chưa đến 10 kết quả. Trình chỉnh sửa ảnh RAW Darktable có sẵn ở cả hai cửa hàng ứng dụng, nhưng mặc dù xuất hiện khi tìm kiếm trên Snap Store, thì nó lại không xuất hiện khi bạn tìm kiếm trong Flathub.
3. Ứng dụng sẵn có
Snap Store dường như có nhiều lựa chọn ứng dụng hơn. Canonical tuyên bố có hàng ngàn ứng dụng có sẵn tại đây. Flathub có ít tùy chọn hơn một chút, với hơn 600 ứng dụng có sẵn (mặc dù cần lưu ý rằng Flathub không phải là nguồn Flakpak duy nhất, trái ngược với snap).
Việc Snap Store có nhiều ứng dụng mà bạn muốn hay không phụ thuộc vào những gì bạn đang tìm kiếm. Cửa hàng ứng dụng của Canonical có sự hỗ trợ lớn hơn từ các công ty sẵn sàng đưa phần mềm độc quyền lên Linux. Trong khi đó, Flathub nhận được nhiều sự đóng góp hơn từ cộng đồng mã nguồn mở và miễn phí.
Nếu đang tìm kiếm một trình đọc ebook cho GNOME, bạn có thể tìm thấy cả GNOME Books và Foliate trong Flathub, nhưng chúng không xuất hiện trong Snap Store tại thời điểm bài viết. Điều tương tự cũng đúng với ứng dụng Bookworm dành cho hệ điều hành elementary OS. Trong khi đó, Snap Store có các ứng dụng email client Hiri và Mailspring độc quyền, cộng với ứng dụng liên lạc của nhóm Flock. Không ứng dụng nào trong số ba tùy chọn này có trên Flathub.
4. Hỗ trợ bản phân phối
Flathub hiện hỗ trợ 21 bản phân phối, còn Snap Store hỗ trợ 41 distro. Nhưng vấn đề hỗ trợ không chỉ đơn giản là bạn có thể cài đặt Flatpak hoặc snap trên bản phân phối Linux của mình hay không. Một câu hỏi tiềm năng hơn là định dạng nào mà bản phân phối của bạn chủ động nắm bắt. Rõ ràng, Ubuntu hướng về Snap.
Elementary OS đã chọn Flatpak làm định dạng mà nó sẽ phân phối trong AppCenter. Purism, công ty đứng sau PureOS, sử dụng Flatpak trên điện thoại Librem 5 của mình. Điều này ảnh hưởng đến việc các ứng dụng được tạo cho những bản phân phối đó có nhiều khả năng xuất hiện trên Flathub hoặc trong Snap Store hay không.
Các bản phân phối có thể host các kho lưu trữ Flatpak của riêng chúng. Ngược lại, snap được hard-code để hướng đến các máy chủ Canonical. Kiểu tập trung này khiến nhiều nhà phát triển phần mềm miễn phí cảm thấy không thoải mái. Nếu Canonical quyết định đóng trang web, snap sẽ đi cùng với nó. Với lịch sử của Canonical, khả năng như vậy rất có thể xảy ra.
Bạn nên sử dụng kho ứng dụng Linux nào?
Thành thật mà nói, có rất ít lý do để không sử dụng hai kho lưu trữ ứng dụng này. Không giống như những định dạng như DEB hay RPM, bạn có thể dễ dàng cài đặt các gói Flatpak và snap trên cùng một desktop. Mặc dù thật tuyệt khi có một định dạng gói phổ quát cho desktop mã nguồn mở và miễn phí, nhưng điều đó không cần thiết. Nếu có một vài định dạng có khả năng hoạt động trên PC của bạn, thì đó là một tình huống tốt hơn nhiều so với những gì quản lý phần mềm trên Linux đã làm trước đây.
Nếu buộc phải chọn 1 trong 2 kho ứng dụng này, câu trả lời là Flathub. Canonical đã nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận các nhà phát triển ứng dụng độc quyền. Điều đó chắc chắn giúp mọi người dễ dàng chuyển đổi từ Windows hoặc macOS hơn. Nếu đã tiến hành chuyển đổi từ nhiều năm trước, bạn chắc hẳn từ lâu đã thích nghi với các lựa chọn thay thế miễn phí. Bạn có thể làm tương tự bằng cách kiểm tra những ứng dụng mã nguồn mở và miễn phí tốt nhất cho Linux mà Quantrimang.com đã gợi ý.
Chúc bạn tìm được cho mình lựa chọn phù hợp!