Bộ xử lý trung tâm (CPU) là bộ não của máy tính nên nó cần phải mạnh mẽ. Không dễ để so sánh các CPU, nhưng bằng cách hiểu đúng số liệu và sử dụng những công cụ tốt nhất, bạn có thể so sánh các bộ xử lý khác nhau một cách đúng đắn.
Tốc độ xung nhịp không phải là tất cả
Tốc độ xung nhịp và lõi là thông số kỹ thuật bộ xử lý được quảng cáo nhiều nhất. Tốc độ xung nhịp thường được đo bằng hertz (ví dụ: 3,14GHz), trong khi số lượng lõi thường được quảng cáo là lõi kép, lõi tứ, lõi sáu hoặc lõi tám. Nhưng với hai thông số kỹ thuật này, điều gì khiến CPU này tốt hơn CPU khác?
Trong một thời gian dài, mọi chuyện rất đơn giản: Tốc độ xung nhịp cao hơn và nhiều lõi hơn có nghĩa là tốc độ tốt hơn. Các bộ xử lý ngày nay không phụ thuộc nhiều vào tốc độ xung nhịp và lõi về hiệu năng vì những CPU hiện đại có một số bộ phận khác quyết định tốc độ chúng có thể hoạt động.
Tóm lại, vấn đề là mức độ tính toán có thể được thực hiện khi tất cả các bộ phận của CPU kết hợp với nhau trong một chu kỳ xung nhịp. Nếu thực hiện tác vụ X mất hai chu kỳ xung nhịp trên CPU A và một chu kỳ xung nhịp trên CPU B thì CPU B có thể là bộ xử lý tốt hơn, ngay cả khi CPU A có tốc độ xung nhịp cao hơn.
Bạn cũng không nên dựa vào tốc độ xung nhịp và số lượng lõi làm phương pháp so sánh duy nhất. So sánh tốc độ xung nhịp rất hữu ích khi lựa chọn giữa các CPU trong cùng một dòng có cùng số lõi, nhưng nó không nhất thiết hữu ích.
Nếu bạn đang so sánh bộ xử lý Intel Core i3, Core i5 với Core i7 hoặc bộ xử lý Intel Core i5, Core i7 với Core i9 thì tốc độ xung nhịp và số lượng lõi không thành vấn đề. Và nếu bạn đang so sánh Intel với AMD hoặc AMD A10, AMD A8 với AMD FX, thì chỉ riêng tốc độ xung nhịp sẽ không cho bạn biết nhiều điều.
Nhưng giữa hai bộ xử lý trong cùng một họ, tốc độ xung nhịp là một đơn vị so sánh hữu ích. Ví dụ, bộ xử lý Intel Core i5 12400 và 12600 có tốc độ xung nhịp khác nhau đáng kể mặc dù có thông số kỹ thuật tương tự nhau.
Kiểm tra hiệu suất đơn luồng
Bí mật nhỏ trong thế giới máy tính là ngay cả khi bạn mua bộ xử lý có bốn lõi, cả bốn lõi đó có thể không được sử dụng khi chạy các ứng dụng. Hầu hết các phần mềm ngày nay vẫn ở dạng đơn luồng, có nghĩa là chương trình đang chạy dưới dạng một tiến trình và một tiến trình chỉ có thể chạy trên một lõi.
Vì vậy, ngay cả khi có bốn lõi, bạn sẽ không nhận được hiệu suất đầy đủ của cả bốn lõi cho ứng dụng đó. Đó là lý do tại sao bạn cũng cần kiểm tra hiệu năng đơn luồng (hoặc lõi đơn) của bất kỳ bộ xử lý nào trước khi mua.
Không phải tất cả các công ty đều công bố thông tin đó một cách rõ ràng, vì vậy bạn sẽ cần phải dựa vào dữ liệu của bên thứ ba từ các nguồn đáng tin cậy như Passmark. Với Passmark, bạn có thể tìm kiếm model CPU cụ thể của mình (thông qua cài đặt) và so sánh nó với các model CPU phổ biến khác trên thị trường.
Bạn cũng có thể thêm các model mình quan tâm vào danh sách và so sánh chúng với nhau. Xếp hạng hiệu suất đơn luồng được bao gồm trong bảng so sánh, vì vậy việc xác định CPU nào có khả năng chạy ứng dụng nhanh nhất là một việc đơn giản.
Hiệu suất cache là vua
Cache là một trong những bộ phận bị đánh giá thấp nhất của CPU. Trên thực tế, cache có thông số kỹ thuật kém có thể làm chậm PC. Vì vậy, bạn phải luôn kiểm tra thông số cache của bộ xử lý trước khi mua.
Cache về cơ bản là RAM cho bộ xử lý, có nghĩa là bộ xử lý sử dụng cache để lưu trữ tất cả các chức năng mà nó đã thực hiện gần đây. Bất cứ khi nào các chức năng đó được yêu cầu lại, bộ xử lý có thể lấy dữ liệu từ cache thay vì thực hiện chúng lần thứ hai, nhờ đó làm cho tốc độ xử lý nhanh hơn.
Lý tưởng nhất là kích thước cache của bộ xử lý phải đạt ít nhất 64KB cache L1 trên mỗi lõi, nhưng trên 128KB là lý tưởng để chơi game hoặc các hoạt động tiêu tốn nhiều tài nguyên khác. Bạn có thể so sánh kích thước cache của CPU với bảng so sánh trên Passmark. Tuy nhiên, kích thước cache không quan trọng bằng các thông số kỹ thuật khác miễn là nó cao hơn mức tối thiểu hợp lý, chẳng hạn như 480KB ấn tượng của các CPU ở trên.
Đồ họa tích hợp
Intel và AMD đã kết hợp CPU và card đồ họa thành APU. Nếu đã từng mua hoặc xây dựng một PC định hướng chơi game, bạn có thể biết sự khác biệt giữa APU, CPU và GPU, nhưng nói một cách đơn giản, APU sẽ tiết kiệm không gian bằng cách kết hợp CPU và GPU lại với nhau.
Do những thay đổi công nghệ gần đây, bộ xử lý mới hiện nay thường có thể đáp ứng nhu cầu đồ họa của hầu hết mọi người mà không cần card đồ họa riêng. Những chipset đồ họa này cũng có hiệu suất khác nhau tùy thuộc vào bộ xử lý. Một lần nữa, bạn không thể so sánh AMD với Intel ở đây và thậm chí việc so sánh trong cùng một dòng cũng có thể gây nhầm lẫn.
Ví dụ, Intel có đồ họa Intel HD, Intel Iris và Intel Iris Pro, nhưng không phải Iris nào cũng tốt hơn HD. Trong khi đó, dòng Athlon và FX của AMD không có chip đồ họa nhưng có giá cao hơn dòng A-Series tập trung vào APU, vì vậy bạn sẽ phải mua card đồ họa nếu đang có bộ xử lý Athlon hoặc FX.
Cách tốt nhất để so sánh CPU
Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau khiến việc so sánh CPU trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Làm thế nào để biết nên mua cái nào? Cách dễ dàng và tốt nhất là sử dụng Passmark. Passmark là một trong những trang web tốt nhất để so sánh CPU hiệu quả chỉ trong vài phút. Trang web này giải thích sự khác biệt giữa các bộ xử lý theo cách mà bất kỳ người không chuyên về công nghệ nào cũng có thể hiểu được.
Bạn không chỉ bị giới hạn trong việc so sánh CPU: Passmark còn có cơ sở dữ liệu thông tin về card màn hình, ổ cứng, RAM và PC build sẵn. So sánh CPU trên Passmark hiệu quả chỉ cần vài bước đơn giản:
- Tìm kiếm CPU mà bạn quan tâm, sau đó cuộn xuống và nhấp vào Compare để thêm nó vào danh sách.
- Sau khi bạn tạo xong danh sách của mình, hãy nhấp vào biểu tượng thang đo trọng số ở góc trên bên phải màn hình để truy cập danh sách đó.
- So sánh CPU của bạn. Các giá trị chính bạn nên xem xét là tốc độ xung nhịp, số lượng lõi, xếp hạng đơn luồng và kích thước cache L1.
Nếu muốn biết thêm thông tin ngoài những gì Passmark cung cấp, bạn cũng có thể thích AnandTech CPU Benchmark Tool. Trên AnandTech, bạn có thể duyệt các benchmark chuyên sâu được thực hiện bởi một trong những trang đánh giá phần cứng độc lập tốt nhất và thậm chí so sánh hai bộ xử lý cạnh nhau.
Việc nghiên cứu CPU mà bạn quan tâm có thể mất thời gian. Nhưng cẩn tác vô áy náy. Khi bạn ngày càng tự tin hơn trong việc so sánh các benchmark CPU, việc tìm kiếm CPU có giá trị tốt nhất trên thị trường sẽ trở thành một điều dễ dàng.