AMD từng là kẻ yếu thế trong ngành bán dẫn nhiều năm. Bắt đầu với tư cách là nhà sản xuất chip được cấp phép cho những gã khổng lồ như Intel, nó không phải là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này một thời gian. Cuối cùng, công ty đã bắt đầu thiết kế chip của riêng mình, nhưng bước đột phá lớn đầu tiên là khi giới thiệu chip desktop 64-bit đầu tiên vào năm 2003, đánh bại Intel trên thị trường.
AMD hiện là nhà cung cấp lớn thứ hai trên thị trường và là đối thủ đáng gờm nhất của Intel trên thị trường chip vi xử lý x86. Các sản phẩm của AMD bao gồm bộ vi xử lý, chipset bo mạch chủ, bộ xử lý nhúng và bộ xử lý đồ họa cho máy chủ, máy trạm và máy tính cá nhân, v.v... Bộ xử lý AMD có những ưu và nhược điểm riêng, khác với Intel.
CPU AMD là gì?
CPU AMD là một bộ xử lý máy tính được thiết kế hoặc sản xuất bởi Advanced Micro Devices (AMD), một công ty công nghệ và thiết bị bán dẫn của Mỹ. AMD chủ yếu sản xuất các bộ xử lý trung tâm (CPU) nhằm cạnh tranh với các sản phẩm từ đối thủ Intel. Bộ xử lý AMD có thể được sử dụng với cùng một phần mềm như bộ xử lý Intel, nhưng không sử dụng cùng một bo mạch chủ. Thế hệ vi xử lý mới của AMD cũng nhằm mục đích kết hợp CPU và bộ xử lý đồ họa thành một con chip duy nhất.
Intel 8086 là một CPU được sử dụng trong PC IBM ban đầu. Tập hợp những lệnh mà các chương trình phần mềm chuyển cho CPU 8086 đã trở thành một tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp PC và được hỗ trợ bởi hầu như tất cả các hệ điều hành máy tính và CPU có trong PC. Điều này có nghĩa là một bộ xử lý AMD có thể được sử dụng với cùng một phần mềm như bộ xử lý Intel, vì cả hai đều được thiết kế để tương thích với tập lệnh x86.
Trong khi tất cả các CPU x86 phải hỗ trợ cùng một bộ lệnh cơ bản, thiết kế vật lý của bộ xử lý và cách bố trí hàng triệu bóng bán dẫn của nó, được gọi là vi kiến trúc, có thể khác nhau. Bộ xử lý AMD trước đây chỉ là phiên bản sao chép của vi kiến trúc Intel, nhưng kể từ năm 1996, công ty này đã sử dụng các thiết kế của riêng mình. Với những thiết kế mới này, các socket vật lý mới được sử dụng để truyền dữ liệu giữa bo mạch chủ máy tính và CPU. Socket trên bo mạch chủ phải khớp với socket của CPU, do đó, bộ xử lý của một công ty này không thể được sử dụng để thay thế cho CPU của công ty khác.
Cuộc cạnh tranh giữa AMD và Intel rất khốc liệt và mỗi hãng đều có một nhóm “fan cứng” riêng. Vào cuối năm 1999, bộ xử lý AMD Athlon đã được tung ra thị trường và trước sự ngạc nhiên của nhiều người, nó hoạt động tốt hơn tất cả các sản phẩm của Intel ở mức giá thấp hơn. Kể từ đó, hai công ty đã bước vào cuộc chiến tranh giành thị phần, các vụ kiện và liên tục quảng cáo về những con chip có hiệu suất cao nhất, nhưng nhìn chung, bộ xử lý AMD thường có sẵn với giá thấp hơn so với chip Intel tương đương.
Vào giữa những năm 2000, AMD đã thực hiện một số thay đổi lớn đối với phương thức kinh doanh của mình để duy trì tính cạnh tranh. Công ty giảm bớt tất cả các hoạt động sản xuất của mình, thay vào đó chọn tập trung vào thiết kế chip. Năm 2008, AMD mua ATI, một công ty chuyên sản xuất các bộ xử lý đồ họa (GPU) để chơi game và đồ họa 3D. Sau khi mua lại thành công, AMD đã công bố ý định sản xuất chip kết hợp CPU và GPU thành một đơn vị duy nhất, được AMD gọi là APU (Accelerated Processing Unit).
Quantrimang.com đã có bài so sánh chi tiết về CPU của 2 hãng này. Bạn đọc quan tâm co thể tham khảo: Nên lựa chọn CPU hãng nào: Intel hay AMD? để biết thêm chi tiết.
Ưu điểm của CPU AMD
Có giá rẻ hơn
Đối với người dùng có ngân sách hạn chế, AMD là một CPU tốt. Giá của nó khá rẻ khi so sánh với Intel. Do đó nó là một trong những lựa chọn tốt nhất cho các game thủ. AMD có thể phát hiện phần mềm độc hại
Bộ xử lý AMD có một tính năng được gọi là Enhanced Virus Protection (EVP) có thể phát hiện virus và phần mềm độc hại. Tính năng này giúp kiểm tra xem có nội dung chứa virus trong chương trình đang chạy hay không.
Có thể xử lý các ứng dụng 64-bit theo cách thích hợp
Với sự tiến bộ của công nghệ, việc phát triển ứng dụng cũng đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến sự ra đời của rất nhiều nội dung dựa trên nền tảng 64 bit. Do đó, nhà sản xuất AMD làm cho bộ vi xử lý của mình tối ưu hơn khi xử lý các ứng dụng dựa trên 64-bit.
Nhược điểm của CPU AMD
Kém nổi tiếng hơn đối thủ
Nói về số lượng người dùng trên thế giới, AMD bị Intel bỏ rất xa. Thương hiệu AMD không mấy quen thuộc với những người bình thường. Đây là lý do tại sao CPU AMD thường có giá rẻ hơn giá của Intel, mặc dù chất lượng không hề thua kém.
Quạt tản nhiệt gây ồn
Các bộ vi xử lý AMD thường thải nhiệt ra ngoài, vì nó không sử dụng thiết bị tản nhiệt làm thành phần làm mát chính. AMD vẫn sử dụng quạt để làm mát, gây ra tiếng ồn khó chịu khi sử dụng.
Không phù hợp để xử lý nội dung đa phương tiện
Người dùng thường xuyên tham gia vào thế giới đa phương tiện không được khuyến nghị sử dụng bộ xử lý AMD. Intel được ưu tiên hơn nhiều về mặt này vì nó được thiết kế để xử lý các vấn đề liên quan đến đa phương tiện.
Tương lai của bộ xử lý AMD
AMD dường như đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt khi nói đến chiến lược xử lý của mình. Hãng có một bộ sản phẩm hợp lý hơn Intel, như đã thấy trong hướng dẫn CPU AMD này và nó nhanh chóng trở thành thương hiệu CPU được ngày càng nhiều người ưa thích. Công ty cũng không có kế hoạch chậm lại. Chúng ta có thể sẽ thấy nó áp dụng vào các quy trình sản xuất ngày càng nhỏ hơn trong những năm tới khi Intel cố gắng bắt kịp.
AMD gần đây cũng đã mua lại Xilinx - một tên tuổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh mạng và FPGA. Đó là một mỏ vàng tiềm năng về mặt đa dạng hóa. AMD đã từng có xu hướng thay đổi trong quá khứ, họ đã hoạt động tốt trong vài năm nhưng sau đó lại thất bại. Tuy nhiên, AMD chưa bao giờ phục hồi tốt như vậy và nếu tiếp tục thực hiện những gì đã làm trong những năm gần đây, thì không gì có thể ngăn cản công ty giành được thị phần có giá trị. Đối với người tiêu dùng, đó chỉ có thể là một điều tốt vì Intel cũng đang cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Cạnh tranh nhiều hơn có nghĩa là sản phẩm tốt hơn và giá thấp hơn cho tất cả mọi người.