10 sai lầm người dùng Android thường mắc phải

Mặc dù điện thoại Android tương đối dễ sử dụng, nhưng bạn có thể mắc phải một số lỗi có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và độ tin cậy của thiết bị - từ cài đặt ứng dụng xấu đến bỏ lỡ một số tính năng hữu ích nhất.

Vì vậy, hãy cùng khám phá một số lỗi phổ biến mà bạn có thể mắc phải khi sử dụng điện thoại Android của mình để có thể tránh chúng trong tương lai.

1. Đóng ứng dụng thường xuyên

Các ứng dụng cần đóng trong trình chuyển đổi ứng dụng của Android
Các ứng dụng cần đóng trong trình chuyển đổi ứng dụng của Android

Android có một cơ chế hiệu quả để quản lý tất cả các tiến trình chạy đồng thời trên thiết bị của bạn. Nó quản lý các ứng dụng nền, trạng thái hiện tại của chúng cũng như mức tiêu thụ pin và bạn không cần phải lo lắng về điều đó. Khi bạn đóng một ứng dụng theo cách thủ công, ứng dụng đó sẽ bị xóa khỏi bộ nhớ và mất nhiều thời gian hơn để mở vào lần tiếp theo.

Mục tiêu của bạn có thể là giải phóng tài nguyên trên điện thoại, nhưng không phải lúc nào nó cũng hoạt động như vậy.

2. Sử dụng các ứng dụng dọn dẹp, tiết kiệm pin và tăng cường RAM fake

Công cụ dọn dẹp trên Android
Công cụ dọn dẹp trên Android

Có rất nhiều ứng dụng trên Google Play tuyên bố sẽ làm sạch điện thoại của bạn hoặc tăng cường pin và RAM. Tin xấu là rất nhiều ứng dụng trong số này không làm được gì nhiều. Trên thực tế, một vài ứng dụng trong số này thậm chí còn có thể tiêu tốn tài nguyên và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của điện thoại. Chúng đưa ra những lời hứa nghe rất hấp dẫn nhưng thực chất chỉ mang tính quảng cáo hoặc dụ bạn thực hiện các giao dịch mua hàng trong ứng dụng.

Hầu hết các ứng dụng tăng cường đều không cần thiết vì hệ thống Android tự động quản lý những thứ này cho bạn.

3. Cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định

Bảng xếp hạng hàng đầu trong Google Play
Bảng xếp hạng hàng đầu trong Google Play

Đôi khi, khi bạn không thể tìm thấy ứng dụng hoặc game trên Google Play, bạn có thể muốn tìm kiếm trên Google để tìm file APK từ trang web của bên thứ ba. Các ứng dụng từ những trang web này không được điện thoại của bạn xác minh, có khả năng khiến bạn gặp phải các mối đe dọa về bảo mật và quyền riêng tư.

Nếu bạn chỉ muốn phiên bản thông thường của một ứng dụng mà bạn không thể tìm thấy trên Google Play ở khu vực của mình, thì trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ ổn nếu sử dụng các trang web này để tải xuống APK Android. Tuy nhiên, bạn có nhiều khả năng bị nhiễm virus và phần mềm gián điệp hơn nếu cố cài đặt phiên bản crack hoặc sửa đổi của một ứng dụng trả phí.

4. Nhấn vào quảng cáo trong ứng dụng và trình duyệt

Quảng cáo là một phần của hầu hết tất cả các ứng dụng và trang web hiện đại. Chúng là một nguồn thu nhập quan trọng cho các nhà phát triển và người tạo nội dung. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng một số quảng cáo nguy hiểm và có thể đánh cắp dữ liệu hoặc gửi virus cho bạn.

Không khó để xác định đâu là quảng cáo xấu đâu là quảng cáo tốt. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các quảng cáo cung cấp các ưu đãi tốt đến mức khó tin hoặc cố lừa bạn tải xuống mọi thứ - ví dụ, các ứng dụng bảo mật có hại sẽ tạo ra các quảng cáo khiến điện thoại của bạn trông giống như bị nhiễm virus. Nói tóm lại, đừng để bị dụ bởi clickbait có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư hoặc bảo mật của bạn.

5. Cấp quyền không cần thiết cho ứng dụng

Quyền ứng dụng Samsung Galaxy Store
Quyền ứng dụng Samsung Galaxy Store

Quyền ứng dụng cho phép ứng dụng truy cập dữ liệu và tài nguyên từ thiết bị của bạn để cung cấp chức năng liên quan. Khi bạn cài đặt một ứng dụng, một số cửa sổ pop-up sẽ xuất hiện để yêu cầu quyền. Ví dụ, ứng dụng thư viện sẽ yêu cầu quyền truy cập vào ảnh hoặc ứng dụng nhắn tin sẽ cần quyền xem danh bạ của bạn.

Nhưng một số quyền này là không cần thiết và được sử dụng để thu thập dữ liệu cho phân tích và quảng cáo được cá nhân hóa hoặc thậm chí để theo dõi bạn.

Do đó, cần phải đọc kỹ các cửa sổ pop-up về quyền và chỉ cho phép những cửa sổ có liên quan đến hoạt động bình thường của ứng dụng. Bạn có thể quản lý quyền cho ứng dụng của mình trong cài đặt hệ thống. Nếu ứng dụng không phải của một nhà phát triển nổi tiếng và yêu cầu quá nhiều quyền, thì bạn có thể muốn kiểm tra nguồn gốc của ứng dụng đó hoặc tìm một giải pháp thay thế.

6. Root, unlock bootloader và flash

Cài đặt nâng cao TWRP
Cài đặt nâng cao TWRP

Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, giúp nó linh hoạt trong việc tùy chỉnh. Mặc dù vậy, bất chấp tính linh hoạt này, vẫn có một số hạn chế về việc truy cập các file hệ thống cốt lõi.

Đây là nơi root phát huy tác dụng. Đây là quá trình cho phép bạn truy cập vào phần cốt lõi được bảo vệ trong hệ điều hành Android theo mặc định.

Tương tự như quyền truy cập root, có một yếu tố khác của hệ thống bị lock, được gọi là bootloader và chịu trách nhiệm khởi chạy hệ điều hành trên điện thoại của bạn. Bạn cần unlock bootloader nếu định flash ROM tùy chỉnh trên thiết bị của mình.

Mặc dù tất cả những điều này nghe có vẻ tuyệt vời về mặt lý thuyết, nhưng nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tất cả các quy trình này có thể làm mất hiệu lực bảo hành của bạn và có khả năng biến điện thoại của bạn thành cục gạch. Và ngay cả khi bạn thành công, bạn vẫn có thể gặp phải các mối đe dọa về bảo mật.

Nếu vẫn muốn thử và khám phá các khả năng, bạn nên thử nghiệm với một chiếc điện thoại dự phòng. Bằng cách này, bạn có thể tự do tìm hiểu mà không gây nguy hiểm cho thiết bị Android chính của mình.

7. Không sao lưu dữ liệu

Điện thoại Android sử dụng ROM để lưu trữ. Mặc dù là bộ nhớ cố định nhưng một số sự cố có thể gây hư hỏng cho dữ liệu của bạn. Đôi khi, các bản cập nhật hệ thống có thể bị lỗi hoặc bạn có thể buộc phải reset điện thoại của mình vì một số lý do. Vì vậy, bạn nên sử dụng dịch vụ sao lưu để giữ an toàn cho dữ liệu của mình.

Bạn có thể sử dụng bản sao lưu mặc định của Google để sao lưu tất cả các ứng dụng, danh bạ và cài đặt của bạn một cách hiệu quả. Để có hướng dẫn chi tiết khám phá các tùy chọn sao lưu khác nhau, hãy xem cách sao lưu thiết bị Android của bạn đúng cách.

8. Không cấu hình tính năng Find My Device

Tính năng Find My Device trên Android
Tính năng Find My Device trên Android

Find My Device là một tính năng an toàn và quan trọng cho điện thoại Android của bạn, tính năng này thường bị bỏ qua vì nó chỉ được sử dụng nếu điện thoại bị mất hoặc bị đánh cắp. Find My Device có một số tính năng mạnh mẽ cho phép bạn xác định vị trí thiết bị bị mất của mình từ xa.

Nó cũng cho phép bạn quản lý màn hình khóa của mình để không ai có thể thay đổi cài đặt hoặc tắt kết nối Internet. Luôn bật vị trí của bạn, đặc biệt là ở ngoài trời, để dễ dàng theo dõi thiết bị trong trường hợp bị mất hoặc bị đánh cắp. Hướng dẫn của Quantrimang.com về cách tìm điện thoại Android bị mất thảo luận chi tiết về điều này.

9. Không bật các tính năng bảo vệ mắt vào ban đêm

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số này, bạn dành phần lớn thời gian để nhìn vào màn hình. Có một cách để giảm tác động tiêu cực của ánh sáng màn hình và ngăn ngừa tác hại cho mắt. Night Shield phủ một lớp màu lên màn hình của bạn và giúp dễ nhìn hơn vào ban đêm.

Tất cả các thiết bị Android hiện đại đều có tính năng Night Shield tích hợp. Ngoài tác dụng bảo vệ đôi mắt, nó còn giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn, tránh mất ngủ hàng đêm.

10. Không thiết lập hoặc sử dụng Google Assistant

Menu ứng dụng Google Assistant
Menu ứng dụng Google Assistant

Google Assistant là trợ lý ảo mặc định trong tất cả các điện thoại Android giúp bạn thực hiện những tác vụ trên thiết bị của mình thông qua khẩu lệnh. Trong khi thiết lập thiết bị, Google Assistant rất dễ bị bỏ qua, nhưng nếu bạn thiết lập tính năng này, nó có khả năng thay đổi cách bạn sử dụng thiết bị của mình mãi mãi.

Với Google Assistant, bạn có thể lên lịch cuộc họp, kiểm tra thời tiết, cài đặt báo thức, kiểm tra tin tức hàng ngày, thêm lời nhắc, gửi tin nhắn đã lên lịch, v.v... Dưới đây là một số cách hay để sử dụng Google Assistant giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn.

Thứ Năm, 19/01/2023 15:03
2,33 👨 607
0 Bình luận
Sắp xếp theo