Nếu bạn lo lắng về bảo mật kỹ thuật số của mình, rất có thể bạn đã cài đặt một số loại chương trình diệt virus trên thiết bị. Phần mềm diệt virus có thể cực kỳ hữu ích trong việc duy trì sự an toàn khi trực tuyến và ngoại tuyến, nhưng chúng có hoạt động 100% thời gian không? Phần mềm diệt virus có loại bỏ tất cả phần mềm độc hại và virus không?
Phần mềm diệt virus hoạt động như thế nào?
Các chương trình diệt virus vốn rất quan trọng trong các hoạt động kỹ thuật số, đặc biệt là khi trực tuyến. Có hàng nghìn tội phạm mạng trên khắp thế giới đang tìm cách khai thác những nạn nhân nhẹ dạ cả tin, để lấy dữ liệu, tiền của họ hoặc cả hai. Tội phạm mạng ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết chúng ta sử dụng một số dạng chương trình diệt virus để bảo vệ chính mình.
Tất cả các chương trình diệt virus đều có những điểm khác biệt riêng, nhưng nhiều chương trình trong số chúng hoạt động theo cách tương tự.
Một chương trình diệt virus thông thường sẽ quét thiết bị để tìm các file/ứng dụng đáng ngờ hoặc có hại, bao gồm cả phần mềm độc hại và virus. Bạn có thể tiến hành quét thủ công hoặc để chương trình chạy quét tự động. Phần mềm diệt virus được trang bị cơ sở dữ liệu chứa mã nguy hiểm, file và nội dung khác để phần mềm này có thể làm nổi bật hiệu quả những gì có thể gây nguy hiểm cho bạn và thiết bị của bạn.
Sau khi chương trình diệt virus phát hiện file hoặc chương trình độc hại, chương trình sẽ cách ly hoặc cô lập file hoặc chương trình đó để chúng không thể tương tác với các phần khác trên thiết bị được nữa. Sau đó, công cụ diệt virus sẽ quét file hoặc chương trình này để xem nó có thực sự gây hại hay không và sau đó sẽ xóa nó khỏi thiết bị nếu công cụ diệt virus cho rằng nó có thể hoặc đã gây nguy hiểm cho bạn.
Nhưng phần mềm diệt virus làm tốt như thế nào trong việc loại bỏ các mối đe dọa? Bạn có nên lo lắng về bất kỳ rủi ro nào không?
Chương trình diệt virus có xóa tất cả phần mềm độc hại không?
Bạn có thể trả một khoản phí cố định hoặc đăng ký hàng tháng nếu bạn đang sử dụng một chương trình diệt virus hợp pháp (bên cạnh đó cũng có những phần mềm diệt virus miễn phí). Vì vậy, với số tiền đã bỏ ra, bạn có nên mong đợi nó có thể bảo vệ bạn hoàn toàn không? Không hẳn.
Tóm lại, không có chương trình diệt virus nào có tỷ lệ thành công 100%. Ngay cả những nhà cung cấp phần mềm diệt virus phổ biến và đáng tin cậy nhất hiện có, chẳng hạn như Norton và McAfee, cũng không thể phát hiện, cách ly và xóa mọi chương trình hoặc file nguy hiểm. Có nhiều lý do giải thích tại sao, bắt đầu từ cơ sở dữ liệu diệt virus.
Như đã thảo luận trước đây, phần mềm diệt virus sử dụng cơ sở dữ liệu gồm các file và mã độc hại đã biết để xác định mọi thứ nguy hiểm trên thiết bị của bạn. Nếu một loại phần mềm độc hại xuất hiện mà không được cập nhật vào cơ sở dữ liệu diệt virus, nó có cơ hội lọt qua tầm ngắm. Chẳng hạn, giả sử một nhà cung cấp phần mềm diệt virus không cập nhật đúng cách cơ sở dữ liệu của mình; điều này sẽ làm tăng nguy cơ khách hàng của họ bị nhiễm phần mềm độc hại.
Hơn nữa, một số loại phần mềm độc hại và virus rất tinh vi và có thể được thiết kế đặc biệt để tránh bị công cụ diệt virus phát hiện. Lấy virus tàng hình là ví dụ. Đây là một loại virus máy tính có khả năng vượt qua các rào cản diệt virus, khiến chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với những nạn nhân tiềm năng. Bằng cách sử dụng mã hóa và sửa đổi code, loại virus này có thể lẩn tránh các lần quét diệt virus tiêu chuẩn và thường yêu cầu dùng phần mềm cấp cao hơn.
Cũng cần lưu ý rằng khả năng phần mềm độc hại tránh được việc bị phát hiện trên thiết bị của bạn sẽ tăng lên nếu bạn không bao giờ cập nhật phần mềm diệt virus của mình. Các bản cập nhật phần mềm đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những sai sót, loại bỏ lỗi và cải thiện chất lượng tổng thể của chương trình được đề cập. Vì vậy, nếu bạn chưa cập nhật phần mềm diệt virus của mình trong một thời gian dài, có thể có nhiều lỗ hổng bảo mật mà tội phạm mạng có thể khai thác.
Tuy nhiên, Norton và McAfee, hai chương trình diệt virus được đánh giá cao, đều có tỷ lệ thành công là 99% (như Cybernews đã nêu), vì vậy chúng vẫn cực kỳ có lợi thế.
Trên hết, nhiều chương trình diệt virus cung cấp một loạt các tính năng bảo mật bổ sung bên cạnh tính năng phát hiện virus và phần mềm độc hại đơn giản. VPN, trình quản lý mật khẩu, công cụ chống thư rác, trình hủy file và tường lửa chỉ là một số tính năng hữu ích mà bạn có thể sử dụng trên chương trình diệt virus hiện đại để bảo vệ thiết bị của mình.
Cách giữ an toàn cho thiết bị của bạn
Các chương trình diệt virus không hoàn hảo, vì vậy bạn vẫn nên làm những gì có thể để duy trì sự an toàn của mình bằng cách né tránh phần mềm độc hại.
Trước hết, bạn có thể sử dụng mạng riêng ảo (VPN). VPN là các giao thức gửi lưu lượng truy cập Internet của bạn thông qua một máy chủ từ xa, mã hóa tất cả dữ liệu và khiến nó không thể giải mã được đối với những con mắt tò mò. Điều này có nghĩa là các bên như ISP, chính phủ và các tác nhân độc hại không có quyền truy cập vào hoạt động trực tuyến của bạn. Lớp riêng tư và bảo mật này có thể giúp trải nghiệm trực tuyến của bạn an toàn hơn nhiều.
Hiện nay có nhiều nhà cung cấp VPN đáng tin cậy khác nhau, bao gồm NordVPN, ExpressVPN và SurfShark. Tất cả những dịch vụ này đều yêu cầu một khoản phí cố định hoặc hàng tháng nhưng nhìn chung là một tùy chọn an toàn và đáng tin cậy hơn so với các VPN miễn phí, có thể ghi nhật ký dữ liệu hoặc cung cấp khả năng bảo vệ dưới mức trung bình.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các trang web kiểm tra liên kết để quét các URL của trang web và xác định xem chúng có an toàn hay không. Tội phạm mạng thường phát tán phần mềm độc hại hoặc thực hiện các trò gian lận Social Engineering bằng cách sử dụng những liên kết độc hại. Vì vậy, trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào được gửi cho bạn, hãy đảm bảo rằng bạn chạy liên kết đó qua trình kiểm tra để xác nhận tính hợp pháp của liên kết đó.
Khi bạn truy cập Internet, chắc chắn bạn sẽ có những quyết định sáng suốt. Ví dụ, nếu bạn muốn tải xuống một ứng dụng và ứng dụng này chỉ khả dụng qua một trang web mờ ám, thì tốt nhất bạn nên tin vào trực giác của mình và tránh xa nó. Nếu một người gửi mới cung cấp cho bạn file đính kèm hoặc liên kết, hãy thận trọng nếu một dịch vụ hoặc sản phẩm có vẻ tốt đến mức khó tin. Sử dụng các trang web đáng tin cậy là yếu tố then chốt, dù đó là trang web phát trực tuyến, nhà bán lẻ, cửa hàng ứng dụng, v.v...
Nếu bạn sử dụng email, bật bộ lọc thư rác của nhà cung cấp dịch vụ cũng là một ý kiến hay. Bộ lọc thư rác lựa ra các email spam và di chuyển thư chúng vào một thư mục riêng, điều này ngăn không cho email hiển thị trong hộp thư đến trực tiếp của bạn. Điều này có thể giúp bạn tránh xa các liên lạc độc hại, một số trong đó có thể chứa các liên kết hoặc file đính kèm phát tán phần mềm độc hại. Hầu hết các nhà cung cấp email uy tín đều có tính năng chống thư rác, bao gồm Gmail, Proton Mail và Outlook.
Bạn cũng nên đảm bảo rằng tất cả các thiết bị của mình đều được bảo vệ bằng mật khẩu. Trong khi rất nhiều phần mềm độc hại và virus lây lan từ xa, đã có nhiều trường hợp lây nhiễm thủ công, trong đó kẻ tấn công cần truy cập trực tiếp vào thiết bị mục tiêu. Để giảm khả năng xảy ra điều này, bạn nên khóa tất cả các thiết bị của mình bằng mật khẩu hoặc quét sinh trắc học để đảm bảo rằng chỉ bạn mới có quyền truy cập.
Phần mềm diệt virus không hoàn hảo nhưng đóng vai trò quan trọng
Mặc dù các chương trình diệt virus không hoạt động tốt 100%, nhưng chúng vẫn cực kỳ quan trọng trong việc duy trì bảo mật kỹ thuật số. Nếu bạn đang sử dụng một nhà cung cấp phần mềm diệt virus có uy tín và đáng tin cậy, hãy tiếp tục sử dụng vì phần mềm này đang hoạt động để giữ cho thiết bị của bạn an toàn khỏi phần mềm độc hại và virus.