Cách kiểm tra thủ công nguồn máy tính bằng đồng hồ vạn năng

PSU, hay nguồn máy tính, chịu trách nhiệm cung cấp điện cho tất cả các thành phần trong case máy tính. Vì vai trò quan trọng của nó, một PSU bị lỗi có thể khiến hệ thống của bạn gặp trục trặc, làm hỏng các bộ phận đắt tiền và tệ nhất là làm nổ tung toàn bộ máy tính.

Cho dù máy tính của bạn đang gặp trục trặc và bạn muốn xem liệu PSU có hoạt động hay không, hay nếu bạn có một PSU mới và muốn đảm bảo nó hoạt động tốt, bạn có thể sử dụng đồng hồ vạn năng tiện dụng để kiểm tra PSU của mình. Một đồng hồ vạn năng đơn giản với khả năng đo điện áp có thể giúp bạn loại bỏ rất nhiều rắc rối và tiết kiệm tiền bạc.

Tại sao nên kiểm tra PSU?

Đoạn video trên chứng minh rằng việc máy tính bắt lửa không chỉ có trong phim hoạt hình. Nó hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực và thủ phạm thường là do PSU. Bộ phận này lấy điện từ ổ cắm, chuyển đổi và sau đó truyền đến các thành phần trong máy tính.

PSU bị trục trặc đôi khi có thể vô hại, nhưng nó cũng có khả năng đốt cháy tất cả các thành phần trong case máy tính. Do đó, kiểm tra xem PSU có hoạt động hay không bằng cách lắp vào máy tính là một phương pháp rất rủi ro. Đúng là bạn có thể biết PSU có hoạt động hay không, nhưng nếu không may rơi vào tình huống xấu, bạn có thể làm mất các linh kiện máy tính trị giá hàng nghìn đô sau quá trình này.

Rất may, bạn có thể sử dụng đồng hồ vạn năng để kiểm tra điện áp trên các chân của PSU. Bằng cách này, bạn không cần phải kết nối bất kỳ thành phần PC nào với PSU và tránh nguy cơ làm hỏng chúng. Bạn có thể sử dụng đồng hồ vạn năng để tìm hiểu xem PSU có bị lỗi hay không, sau đó sửa chữa hoặc mua một PSU mới trước khi nó làm hỏng các bộ phận khác của máy tính.

Kiểm tra sơ bộ: PSU có bật được không?

Quạt của PSU sẽ bắt đầu quay ngay khi bật nguồn. Đây là một bài kiểm tra cơ bản và cần thiết, bởi vì nếu PSU không bật được, thì kiểm tra nó bằng đồng hồ vạn năng cũng chả có ích lợi gì.

Một lưu ý quan trọng: PSU sẽ không bật nếu không có bo mạch chủ. Điều này là do PSU có chân cắm nguồn kết nối với bo mạch chủ. Vì vậy, nếu bạn bật công tắc nguồn trên PSU hoàn toàn mới của mình và quạt không quay, thì cũng đừng hoảng sợ.

Sơ đồ các chân trên đầu nối nguồn chính của PSU
Sơ đồ các chân trên đầu nối nguồn chính của PSU

Để tiến hành kiểm tra này mà không gây rủi ro cho bo mạch chủ, bạn có thể sử dụng kẹp để nối chân bật nguồn với chân tiếp đất. Nếu đầu nối chính của PSU có dây màu, thì dây màu xanh lá cây sẽ nối với chân bật nguồn và dây màu đen sẽ nối với chân tiếp đất. Nếu dây không có màu, bạn có thể sử dụng sơ đồ ở trên để xác định vị trí các chân trên đầu nối của mình. Hãy chú ý đến vị trí của kẹp.

Đeo găng tay an toàn không dẫn điện trước khi bạn tiến hành thử nghiệm. PSU lỗi có thể khiến bạn bị điện giật.

Với kẹp của đầu nối hướng xuống đất, chân bật nguồn là chân thứ tư từ bên phải trên hàng dưới cùng. Khi bạn đã xác định vị trí các chân, đây là cách bạn có thể bật PSU:

1. Đảm bảo rằng PSU đã được rút phích cắm và công tắc nguồn được đặt ở vị trí tắt, được đánh dấu bằng một vòng tròn (O) trên công tắc.

2. Lấy một chiếc kẹp giấy kim loại và duỗi thẳng nó ra. Bạn cũng có thể sử dụng bất kỳ dây dẫn mềm nào.

3. Kết nối một đầu của kẹp với chân tiếp đất. Chúng được đánh dấu bằng COM trong sơ đồ.

4. Kết nối đầu còn lại của kẹp với chân bật nguồn.

Kết nối chân bật nguồn với chân nối đất trên đầu nối PSU
Kết nối chân bật nguồn với chân nối đất trên đầu nối PSU

5. Cắm PSU vào nguồn điện.

6. Bật công tắc nguồn.

Bây giờ là thời điểm biết kết quả. Nếu quạt bắt đầu quay, thì xin chúc mừng! Bạn đã vượt qua bài kiểm tra đầu tiên! Một số PSU có tính năng 0 rpm và quạt sẽ ngừng quay sau một thời gian. Vì vậy, đừng lo lắng nếu quạt ngừng quay.

Kiểm tra điện áp: Kiểm tra PSU bằng đồng hồ vạn năng

Bây giờ là lúc kiểm tra xem PSU có cung cấp đủ năng lượng cho từng chân không. Bạn sẽ cần đo điện áp trên 13 chân thuộc ba loại: 3,3V, 5V và 12V. PSU của bạn sẽ tiếp tục hoạt động trong quá trình kiểm tra này, vì vậy đừng tắt nó đi.

1. Cắm dây đo màu đen vào giắc COM.

2. Cắm dây đo màu đỏ vào giắc cắm VΩmA/μA (nó có thể được gắn nhãn hơi khác trên đồng hồ vạn năng của bạn).

Cắm dây test trên đồng hồ vạn năng
Cắm dây test trên đồng hồ vạn năng

3. Bật đồng hồ vạn năng và chuyển mặt số sang vị trí điện áp DC, được đánh dấu bằng chữ V bên cạnh một đường liền nét với một đường chấm chấm bên dưới.

Công tắc điện áp DC trên đồng hồ vạn năng
Công tắc điện áp DC trên đồng hồ vạn năng

4. Kết nối dây đo màu đen với chân COM trên đầu nối PSU.

5. Kết nối dây đo màu đỏ với chân PSU mà bạn muốn kiểm tra.

Kết nối dây các dây đo với các chân PSU
Kết nối dây các dây đo với các chân PSU

6. Quan sát điện áp trên đồng hồ vạn năng.

Đọc điện áp trên các chân nối PSU bằng đồng hồ vạn năng
Đọc điện áp trên các chân nối PSU bằng đồng hồ vạn năng

Lặp lại điều này với các chân còn lại để đảm bảo chúng cung cấp điện áp cần thiết. Các chân có dung sai điện áp, vì vậy sẽ ổn nếu điện áp cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với mức cần thiết. So sánh giá trị điện áp từ PSU của bạn với bảng bên dưới:

Chân

Dung sai

Dải điện áp

1

+3.3V ± 5%

+3.135 đến +3.465V

2

+3.3V ± 5%

+3.135 đến +3.465V

4

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

6

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

9

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

10

+12V ± 5%

+11.40 đến +12.60V

11

+12V ± 5%

+11.40 đến +12.60V

12

+3.3V ± 5%

+3.135 đến +3.465V

13

+3.3V ± 5%

+3.135 đến +3.465V

14

-12V ± 10%

-10.80 đến -13.20V

21

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

22

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

23

+5V ± 5%

+4.75 đến +5.25V

Nếu điện áp của chân nằm trong bảng giá trị trên, thì nó hoạt động bình thường. Khi bạn đã kiểm tra tất cả các chân, bạn sẽ biết PSU của mình có ổn hay không.

Ngoài ra, nếu muốn thận trọng hơn, bạn có thể kết nối một thiết bị thử nghiệm như đèn với đầu nối PSU, sau đó kiểm tra xem chỉ số điện áp có giảm hay không. Điện áp của mỗi chân phải nằm trong phạm vi quy định bất kể các thành phần được gắn vào nó là gì.

Thứ Hai, 07/10/2024 04:02
4,86 👨 17.926
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Phần cứng PC