Ngày nay, con người thực hiện rất nhiều thứ trên internet, bao gồm cả làm việc, giải trí và học tập... Mọi ứng dụng, trang web trực tuyến đều có một phần mà người dùng tương tác với nó. Khi bạn đăng nhập vào một trang web, bạn sẽ được chào hỏi bởi trang chủ, menu, sơ đồ trang web...
Tất cả những thứ tương tác với người dùng đó được gọi chung bằng thuật ngữ front end. Front End bao gồm cả giao diện người dùng, phà một phần của trang web hoặc ứng dụng được thiết kế cho mục đích sử dụng của người tiêu dùng.
Trước khi tìm hiểu cách trở thành nhà phát triển front end, chúng ta cùng tìm hiểu xem nhà phát triển front end là gì?
Nhà phát triển front end là gì?
Nhà phát triển front end, hay còn gọi là nhà phát triển front end web, là người chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai giao diện. Người dùng yêu cầu những giao diện này để họ có thể truy cập, sử dụng các trang web và ứng dụng.
Một nhà thiết kế web là một chuyên gia tạo ra giao diện và thiết kế của trang web. Và nhà phát triển front end sẽ đảm bảo rằng thiết kế ấy hoạt động tốt khi kết nối trực tuyến bằng cách sử dụng các ngôn ngữ mã hóa như CSS, HTML và JavaScript.
Chúng ta sẽ tạm dừng một chút để làm rõ sự khác biệt giữa nhà phát triển front end, nhà phát triển back end và nhà phát triển full stack. Bạn chỉ cần hiểu đơn giản là: Nhà phát triển front end chịu trách nhiệm về các phần của ứng dụng hoặc trang web mà người dùng nhìn thấy hoặc tương tác. Nhà phát triển back end sẽ quan tâm tới các vấn đề hậu trường như cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu. Nhà phát triển full stack là sự kết hợp của cả hai, là một người có thể quản lý tất cả các vấn đề, có thể xử lý toàn bộ quy trình phát triển một ứng dụng hoặc một trang web từ đầu đến cuối.
Ngày nay, xu hướng làm mờ ranh giới giữa nhà phát triển front end và nhà phát triển back end ngày càng trở nên mạnh mẽ. Lý do chủ yếu là vì nhiều nhiệm vụ thuộc phạm vi của các nhà phát triển back end đang ngày càng được xử lý nhiều hơn bởi các nhà phát triển front end.
Cuối cùng, cũng có những nhà phát triển full stack. Họ là những nhà phát triển toàn diện, có kinh nghiệm quản lý dự án, tinh thông các nguyên tắc trong việc cài cấu hình, quản lý và bảo trì hệ thống và mạng máy tính.
Vai trò và trách nhiệm của nhà phát triển front end
Nếu bạn đang tự hỏi nhà phát triển front end thường phải làm gì thì câu trả lời là:
- Quyết định thiết kế và cấu trúc trang web.
- Phát triển các tính năng để nâng cao trải nghiệm của người dùng.
- Tạo sự cân bằng giữa thiết kế chức năng và thẩm mỹ.
- Đảm bảo thiết kế web tương thích với smartphone.
- Xây dựng code có thể tái sử dụng trong tương lai.
- Đảm bảo các trang web được tối ưu hóa để có tốc độ và khả năng mở rộng tốt nhất.
- Sử dụng nhiều ngôn ngữ đánh dấu để thiết kế trang web.
- Giữ thương hiệu hiện diện xuyên suốt toàn bộ thiết kế.
Nhà phát triển front end cần những kỹ năng gì?
Để tạo ra những trang web, ứng dụng có thiết kế đẹp, hợp lý và tính năng cao, nhà phát triển front end cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Dưới đây là những kỹ năng mà một nhà phát triển front end cần phải có:
- Có bằng Cử nhân Khoa học máy tính hoặc lĩnh vực tương tự.
- Thành thạo các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS, JavaScript và jQuery.
- Hiểu rõ về CSS phía máy chủ.
- Có kinh nghiệm với các ứng dụng thiết kế đồ họa, ví dụ: Adobe Illustrator.
- Hiểu các nguyên tắc của SEO.
- Có kỹ năng xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề.
- Thành thạo trong giao tiếp với các thành viên trong nhóm, sếp và khách hàng.
- Có kỹ năng giao tiếp tốt.
Làm thế nào để trở thành nhà phát triển front end?
Quá trình trở thành nhà phát triển front end có thể nhiều gian nan nhưng nó sẽ trở nên trực quan hơn nếu bạn làm theo các bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu CSS, JavaScript và HTML
Những ngôn ngữ lập trình này là nền tảng thiết yếu để phát triển web và ứng dụng vì vậy bạn cần học chúng. Giờ đây khi trên internet có rất nhiều tài nguyên hỗ trợ bạn học tập, việc nắm vững các ngôn ngữ lập trình trên sẽ không khó khăn cho lắm. Sau đó để tăng cường khả năng của mình, bạn nên tự làm quen với jQuery và JavaScript Frameworks.
Bước 2: Thu thập thông tin
Bạn có thể đọc thêm báo chí và sách về phát triển front end. Khi hiểu rõ cách mọi thứ trên một trang web hoạt động như thế nào bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về các ngôn ngữ lập trình khác nhau. Nếu bạn muốn hoàn thiện trải nghiệm học của mình, bạn có thể xem các video hướng dẫn trên YouTube.
Bước 3: Thực hành
Chắc hẳn bạn từng nghe nói "thực hành tạo nên sự hoàn hảo". Bạn hãy bắt đầu bằng những dự án nhỏ, những thành phần của giao diện web sau đó mở rộng dần. Nếu bạn mắc sai lầm, đừng ngại bởi đôi khi chúng ta học được nhiều hơn từ những sai lầm chứ không phải từ những thành công hoàn hảo.
Khi theo đuổi một nghề liên quan tới thiết kế web, ít nhất bạn nên nắm được các khái niệm cơ bản như hiển thị file và điều hướng hệ thống file. Ngoài ra, bạn cũng nên tự làm quen với các thuộc tính của shell, đây là phương tiện để truy cập các chức năng của hệ điều hành thông qua giao diện văn bản.
Bước 4: Tìm hiểu kiểm soát phiên bản
Một trong những mối nguy hiểm của lập trình là mọi thứ có thể bị hỏng khi bạn thay đổi một điều rất nhỏ. Ngay cả sau khi bạn cố gắng khắc phục vấn đề, mọi thứ sẽ không bao giờ hoàn hảo như cũ. Đó là lý do tại sao một nhà phát triển front end cần phải giỏi trong việc kiểm soát phiên bản. Có rất nhiều hệ thống kiểm soát phiên bản cho bạn chọn lựa nhưng phổ biến nhất vẫn là Git.
Bước 5: Nâng cao kỹ năng của bạn
Bạn có thể tham khảo các hướng dẫn, công cụ và dự án mã nguồn mở. Các tài nguyên như freeCodeCamp, Codeacademy, Bootstrap, Vue.je, CSS Layout và Front-end Checklist luôn luôn có thể giúp bạn thành thạo các kỹ năng phát triển front-end miễn phí và luôn luôn có thể truy cập trực tuyến.
Bước 6: Tham gia một khóa học
Không gì bằng học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong một môi trường có cấu trúc. Bạn có thể tham gia lớp học trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo điều kiện về thời gian.
Bước 7: Thực tập
Sau khi đã tích lũy được các kiến thức căn bản, bạn cần phải đi thực tập. Thực tập giúp bạn hiểu làm thế nào để áp dụng các kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn. Ngoài ra, thực tập cho bạn cơ hội được làm việc với những đồng nghiệp hoặc sếp có nhiều kinh nghiệm hơn, giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm cho riêng mình.
Mức lương của nhà phát triển front end
Theo Glassdoor, trung bình mỗi năm một nhà phát triển front end tại Mỹ kiếm được khoảng 86.178 USD. Theo Payscale, một nhà phát triển front end bình thường có thể kiếm được trung bình 71.350 USD mỗi năm.
Một nhà phát triển front end mới vào nghề kiếm được trung bình 49.000 USD mỗi năm nhưng đó là điều bình thường bởi những vị trí cấp thấp thường yêu cầu ít kinh nghiệm hơn và ít phải chịu trách nhiệm hơn.
Kết luận
Tương lai luôn rộng mở và luôn có cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến cho các nhà phát triển front-end. Với sự phát triển bùng nổ, không ngừng nghỉ và số lượng người dùng internet ngày càng tăng thì nhu cầu tuyển dụng vị trí nhà phát triển front-end sẽ ngày càng mạnh mẽ.