Google Slides là ứng dụng tạo bài thuyết trình miễn phí, trực tuyến, cộng tác thay thế cho PowerPoint. Nó là một chương trình tuyệt vời cho phép bạn tạo mọi thứ từ thuyết trình đến sách dạy nấu ăn. Yêu cầu duy nhất là bạn cần có tài khoản Google.
Mặc dù nó tuyệt vời như vậy nhưng có rất ít người sử dụng Google Slides. Để bác bỏ định kiến của người dùng về Google Slides, dưới đây là cách tạo một bài thuyết trình cơ bản trên ứng dụng này.
Các bước tạo bài thuyết trình trong Google Slides
Bước 1: Thiết lập tài liệu
Điều đầu tiên bạn cần làm là mở ứng dụng Google Slides. Nếu không có tài khoản bạn nên tạo một tài khoản Google theo hướng dẫn trong bài Cách đăng ký Gmail, tạo, lập tài khoản Google.
Nếu đang ở giao diện Google Drive, click vào New > Google Slides > From a template. Bạn có thể sử dụng một bản trình bày trống nếu muốn, nhưng trong hướng dẫn này chúng ta sẽ sử dụng một thiết kế có sẵn và điều chỉnh nó cho phù hợp với mục đích sử dụng. Cách này sẽ nhanh hơn khi tạo bài thuyết trình từ đầu.
Click vào From a template để mở thư viện mẫu. Giống như Canva, Google nhóm các mẫu này theo mục đích sử dụng. Trong bài thuyết trình này chúng ta sẽ chọn mẫu cho mục đích sử dụng chung chung.
Khi mở mẫu, bạn sẽ thấy một màn hình trông rất giống với màn hình trên. Trên cùng là các thanh điều hướng, ở bên trái là các hình thu nhỏ slide của mẫu đó, ở giữa là bản phóng to slide bạn chọn và ở bên phải là menu thả xuống khác được gọi là Themes.
Bước 2: Tùy chọn trong thanh điều hướng
Một trong những điều quan trọng để tạo bài thuyết trình trên Google Slides là nắm bắt thanh điều hướng trên cùng và từng menu thả xuống có chức năng gì.
Trong File, bạn sẽ thấy các tùy chọn cơ bản để kiểm soát bài thuyết trình Google Slides như chia sẻ, nhập slide, tải slide, thiết lập trang cơ bản, cài đặt in và ngôn ngữ. Trong menu Edit, bạn sẽ thấy các công cụ cơ bản để điều khiển từng trang riêng như hoàn tác hành động, cắt, sao chép và dán.
Tron menu View, bạn có thể thấy các cách khác nhau để xem bài thuyết trình và hiệu ứng.
Click vào menu Insert, bạn sẽ thấy các tùy chọn khác nhau cho nội dung trong bài thuyết trình. Trong menu Format là các công cụ để chỉnh sửa văn bản, kiểu font chữ và định dạng lề.
Menu Slide cho phép bạn thực hiện các thay đổi lớn cho bài trình bày tổng thể. Menu Arrange cho phép người dùng tổ chức các phần trên từng trang riêng lẻ.
Nếu muốn sửa lỗi chính tả, tra từ điển và thêm tùy chọn trợ năng vào bài thuyết trình, bạn có thể sử dụng các tùy chọn trong menu Tools. Menu Add-ons là shortcut đến các tính năng đặc biệt bạn có thể thêm vào Google Slides.
Cuối cùng là menu Help, click vào menu này để nhận trợ giúp hoặc tìm kiếm cập nhật.
Bước 3: Thay đổi theme
Khi đã nắm bắt được chức năng của từng menu, bạn sẽ bắt tay vào chỉnh sửa bài thuyết trình. Bây giờ bạn cần đổi theme nếu không thích theme cũ. Như đã đề cập trước đó, Google Slides nhóm bài trình bày theo mục đích sử dụng. Trong mỗi nhóm, bạn sẽ tìm thấy các theme sử dụng cho bài thuyết trình.
Theme sẽ bao gồm font chữ cụ thể, màu sắc và phong cách nhất định, giúp bài thuyết trình của bạn đồng nhất. Để thay đổi theme, cuộn qua các tùy chọn ở bên tay phải và click vào theme phù hợp với mục đích của bạn.
Bước 4: Thay đổi font chữ
Sau khi chọn xong theme, bạn sẽ nhập thông tin của mình vào bài trình chiếu. Để thay đổi văn bản trong ô, chỉ cần click vào từng ô và bắt đầu gõ. Bạn có thể thay đổi font chữ, màu sắc nếu muốn.
Để thay đổi màu sắc, đảm bảo chọn phông chữ bạn muốn thay đổi, sau đó bấm vào tùy chọn màu phông chữ. Một menu màu thả xuống xuất hiện, chọn màu bạn thích. Nếu không chọn được màu ưng ý, bạn có thể tạo màu hoàn toàn mới bằng cách click vào Custom.
Nếu muốn thay đổi font chữ, click vào menu thả xuống, chọn kiểu chữ bạn muốn.
Lưu ý: Bạn nên chọn loại font chữ dễ nhìn để người ngồi ở xa cũng có thể thấy rõ.
Bước 5: Thay đổi background
Nếu background của bài thuyết trình hơi nhàm chán, bạn có thể thay đổi nó bằng cách click chuột phải vào trang của slide. Khi thực hiện thao tác này, đảm bảo văn bản trên trang không được chọn, sau đó chọn Change Background.
Trên hộp thoại mới xuất hiện, bạn có thể thay đổi màu background, thêm hình ảnh hoặc trở về background trước đó. Trong phần Color, bạn có thể chọn màu đơn sắc hoặc màu gradient cho background. Ở đây bạn cũng có thể chọn màu và gradient tùy chỉnh nếu muốn.
Sau khi hoàn tất, chọn Done hoặc Add to theme. Khi áp dụng background này cho theme, tất cả các trang trong bài thuyết trình của bạn sẽ có nền giống vậy.
Bước 6: Thay hình ảnh
Nếu muốn thay thế hình ảnh trên trang, chọn nó (bạn sẽ thấy hộp màu xanh bao quanh), sau đó click vào Replace Image. Bạn có thể chọn tải ảnh từ máy tính, tìm kiếm trên web hoặc chèn ảnh thông qua URL.
Lưu ý: Bạn nên đảm bảo có quyền sử dụng những bức ảnh này. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hình ảnh, đây là danh sách các trang web tải ảnh miễn phí.
Bước 7: Xóa slide
Nếu không sử dụng hết các trang trong mẫu bạn có thể xóa nó đi. Để xóa, click chuột phải vào một hình ảnh thu nhỏ của slide bạn muốn xóa và chọn Delete.
Bước 8: Di chuyển slide
Trong mẫu có slide bạn thích bố cục nhưng lại ở vị trí không đúng trong bài thuyết trình, bạn có thể di chuyển nó bằng cách click chuột phải và hình thu nhỏ slide ở bên trái và chọn Move slide to end để xuống dưới hoặc Move slide to beginning để lên đầu.
Bước 9: Thêm hiệu ứng cho slide
Để thêm hiệu ứng cho bài thuyết trình, click chuột phải vào slide muốn thêm và chọn Change Transition.
Khi thực hiện thao tác này, bạn sẽ thấy thanh công cụ bên phải xuất hiện các tùy chọn mới, chọn hiệu ứng bạn muốn sử dụng từ menu thả xuống. Bạn có thể chọn sử dụng hiệu ứng đó cho toàn bộ bài thuyết trình hoặc chỉ trong một slide nhất định.
Vậy là bạn đã tạo xong một bài thuyết trình đơn giản trong Google Slides. Chúc các bạn thực hiện thành công!