Cách làm việc với trình giám sát hiệu suất Performance Monitor trong Windows

Bạn đã từng nghe về Performance Monitor (trình giám sát hiệu suất) hay còn gọi là PerfMon.exe hay PerfMon.msc trong Windows chưa? Về cơ bản, Performance Monitor là một công cụ tinh vi, có thể được sử dụng để giám sát hiệu suất của máy tính hoặc thiết bị Windows của bạn. Thông qua Performance Monitor, bạn có thể giám sát cũng như phân tích và đưa ra nhận định về cách thức mà máy tính của bạn quản lý tài nguyên trên hệ thống. Các thông tin được cung cấp trong Performance Monitor có thể giúp bạn đưa ra những quyết định hợp lý hơn về việc lựa chọn và nâng cấp phần mềm cũng như phần cứng, đặc biệt là khi hiệu suất máy tính của bạn đang thấp hơn so với mong đợi. Ngoài ra, Performance Monitor cũng rất hữu ích trong trường hợp bạn muốn xử lý một số sự cố nhất định. Dưới đây là cách sử dụng Performance Monitor để phân tích hiệu suất của hệ thống, biến bạn trở thành một “chuyên gia phân tích chuyên nghiệp”!

Performance Monitor

LƯU Ý: Hướng dẫn này chỉ được áp dụng cho Windows 10, Windows 7Windows 8.1.

Cách khởi động Performance Monitor trong Windows

Có rất nhiều cách để bạn có thể khởi động trình giám sát hiệu suất Performance Monitor. Tuy nhiên, cách thức đơn giản nhất và có thể được áp dụng cho tất cả các phiên bản Windows đó là sử dụng công cụ tìm kiếm mặc định của hệ thống.

Cách khởi động Performance Monitor trong Windows

Trong Windows 10, hãy nhấp hoặc nhấn vào mục tìm kiếm (biểu tượng hình kính lúp) trên thanh tác vụ của bạn, và nhập từ khóa "Performance Monitor" hoặc "perfmon", sau đó nhấp chọn kết quả trả về.

Trong Windows 8.1, bạn nhập từ khóa "perfmon" trên màn hình Start. Hệ thống sẽ ngay lập tức trả về kết quả, bạn nhấp vào kết quả đó.

Trong Windows 7, bạn mở Start Menu và gõ "Performance Monitor" trong trường tìm kiếm của hệ thống. Trong danh sách kết quả trả về, bạn nhấp vào Performance Monitor.

Cách phân tích hiệu năng hệ thống với Performance Monitor

Để bắt đầu phân tích hiệu suất hiện tại của máy tính, đầu tiên, bạn hãy nhấp chọn mục Monitoring Tools trên bảng điều khiển chính của chương trình. Trong mục Monitoring Tools, click chọn Performance Monitor (xem hình minh họa bên dưới).

Cách phân tích hiệu năng hệ thống với Performance Monitor

LƯU Ý: Nếu bạn muốn xem cụ thể máy tính của mình hoạt động như thế nào khi sử dụng một tập hợp các ứng dụng và chương trình nhất định, hãy nhớ mở chúng ngay trong bước này để biểu đồ có thể hiển thị luôn các tác động của ứng dụng và chương trình đó đối với tài nguyên của hệ thống.

Theo mặc định, đồ thị được hiển thị bởi Performance Monitor sẽ chỉ ra các thông tin về thời gian xử lý, đây là khoảng thời gian mà bộ vi xử lý phải làm việc khi bạn chạy các chương trình trên hệ thống (được hiển thị theo tỷ lệ phần trăm). Nhìn chung, biểu đồ này sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn cơ bản về khả năng xử lý của hệ thống.

Đồ thị được hiển thị bởi Performance Monitor

Ngoài ra, biểu đồ này cũng có thể được tùy chỉnh dễ dàng. Bạn có thể bổ sung thêm các cột và một số tùy chọn khác. Để có được những phân tích chuyên sâu hơn, bạn nên gắn thêm các bộ đếm vào biểu đồ để hiển thị chi tiết về các dữ liệu khác, bằng cách nhấn vào dấu cộng màu xanh lục ở phía trên của biểu đồ.

Nhấn vào dấu cộng màu xanh lục ở phía trên của biểu đồ

Sau đó, cửa sổ Add Counters sẽ được mở ra, trong cửa sổ này, bạn có thể chọn các bộ đếm mà bạn muốn theo dõi trong thời gian thực. Có rất nhiều bộ đếm khác nhau và sẽ được sắp xếp theo chủng loại. Nếu bạn nhấp đúp vào tên của một bộ đếm, bạn sẽ thấy có một vài đối tượng riêng lẻ và có thể chọn theo dõi bất kỳ đối tượng nào, cũng như theo dõi tất cả các đối tượng đó.

Khi bạn chọn xong các bộ đếm và các đối tượng mà mình muốn theo dõi, hãy nhấp vào nút Add. Các bộ đếm mới được bổ sung sẽ được hiển thị ở phía bên phải của cửa sổ. Khi bạn nhấp vào OK, chúng sẽ được thêm vào biểu đồ từ mục Performance Monitor.

Khi bạn chọn xong các bộ đếm và các đối tượng mà mình muốn theo dõi, hãy nhấp vào nút Add

Ví dụ, trong biểu đồ bên dưới, bộ đếm Processor đã được chọn để sử dụng. Nó hiển thị các dữ liệu hơi khó hiểu do khá nặng về mặt kỹ thuật, nhưng vô cùng hữu ích như Interrupts/sec (số lần gián đoạn mà bộ xử của bạn được yêu cầu phải phản hồi. Chúng được tạo ra bởi các thành phần phần cứng như bộ điều hợp điều khiển ổ đĩa cứng và card mạng), hoặc %User Time (tổng lượng thời gian làm việc mà Windows dành cho các hoạt động ở chế độ người dùng).

bộ đếm Processor

Bây giờ bạn có thể làm tương tự và chọn lựa các hoạt động mà bạn muốn được theo dõi, sử dụng các bộ đếm đã chọn và xem chúng thay đổi như thế nào theo thời gian thực.

Tùy chỉnh cách thức hiển thị dữ liệu trong Performance Monitor

Bạn cũng có thể tùy chỉnh cho các dữ liệu được hiển thị ở các định dạng khác nhau bằng cách nhấp vào nút Change graph type (hoặc bằng cách nhấn CTRL + G trên bàn phím) và chọn các tùy chọn hiển thị như Histogram bar hoặc Report.

Tùy chỉnh cách thức hiển thị dữ liệu trong Performance Monitor

Ảnh này cho thấy dữ liệu được hiển thị theo định dạng Histogram (biểu đồ).

Dữ liệu được hiển thị theo định dạng Histogram

Và đây là một ví dụ về việc dữ liệu được hiển thị theo định dạng Report (báo cáo).

Dữ liệu được hiển thị theo định dạng Report

Bạn cũng có thể tùy chỉnh thêm cách thức dữ liệu được hiển thị bằng cách nhấp vào nút Properties (được đánh dấu trong ảnh minh họa bên dưới) hoặc nhấn tổ hợp phím CTRL + Q.

Bạn cũng có thể tùy chỉnh thêm cách thức dữ liệu được hiển thị

Các thao tác này sẽ mở ra cửa sổ Performance Monitor Properties. Tại đây, bạn có thể tùy chỉnh cách thức hiển thị cho mỗi bộ đếm, ví dụ như màu sắc, loại biểu đồ… Bạn cũng có thể tùy chỉnh cùng lúc cả tab Graph và Data ở bước này.

Bạn cũng có thể tùy chỉnh cùng lúc cả tab Graph và Data ở bước này.

Sau khi đã hoàn tất các tùy chỉnh cá nhân hóa theo ý muốn, đừng quên nhấn nút OK để áp dụng.

Những bộ đếm nào là hữu ích nhất trong Performance Monitor?

Các dữ liệu được biểu thị trong các báo cáo đồ họa của Performance Monitor thường mang tính kỹ thuật cao và sẽ hơi khó hiểu đối với người dùng thông thường. Tuy nhiên, có một vài bộ đếm sẽ có chứa các thông tin dễ hiểu hơn, ít nhất là đối với người dùng phổ thông. Dưới đây là một số bộ đếm hiệu suất có thể giúp bạn kiểm tra xem liệu có điều gì bất thường trong hệ thống hay không:

Processor -> % Processor Time: Bạn có thể tìm thấy bộ đếm này trong danh sách về các bộ đếm Processor. Nó cho bạn thấy thời gian cụ thể mà bộ vi xử lý dành cho các tác vụ khác nhau. Nếu giá trị được hiển thị luôn ở mức trên 80%, điều đó có nghĩa là bộ vi xử lý của bạn đang không đủ mạnh để duy trì sự ổn định cho các tác vụ mà bạn thực hiện trên máy tính của mình, các hiện tượng giật, chậm, quá tải rất có khả năng xảy ra. Giải pháp tình thế sẽ là hạn chế bớt việc thực hiện các tác vụ nặng hoặc nhiều tác vụ cùng lúc, còn về biện pháp xử lý lâu dài thì bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nâng cấp bộ xử lý của mình.

Memory -> Available MBytes: Có thể được tìm thấy trong danh sách các bộ đếm về bộ nhớ của thiết bị. Bạn có thể thêm bộ đếm này vào biểu đồ của mình để theo dõi xem liệu hệ thống của bạn có đang đủ bộ nhớ để sử dụng hay không. Nếu biểu đồ cho bạn thấy rằng bộ nhớ có sẵn trên thiết bị thường nhỏ hơn 10%, điều đó có nghĩa là bạn đang không có đủ lượng RAM cần thiết. Trong trường hợp này, hãy xem xét nâng cấp RAM để hệ thống có thể hoạt động ổn định hơn.

PhysicalDisk -> Current Disk Queue Length and PhysicalDisk -> % Disk Time: Hai bộ đếm này đều có thể được tìm thấy trong danh sách PhysicalDisk. Nếu chiều dài hàng đợi đĩa hiện tại (Current Disk Queue Length) cao hơn 2 và thời gian đĩa đóng là trên 100%, có khả năng ổ cứng bạn đang quá chậm hoặc thậm chí bị lỗi. Trong trường hợp đó, bạn có thể cân nhắc nâng cấp ổ cứng của mình.

Những bộ đếm nào là hữu ích nhất trong Performance Monitor

Làm thế nào để hiểu được tất cả các dữ liệu được cung cấp trong Performance Monitor?

Trên thực tế, danh sách các bộ đếm có sẵn trong Performance Monitor cực kỳ dài và rất khó để diễn đạt tất cả chỉ trong quy mô của một bài viết. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một cơ sở kiến thức tốt để tham khảo, giải thích tất cả các thuật ngữ khó hiểu như %DPC Time hoặc Page Faults/sec, hãy đọc mục Performance Monitor Counters trên trang TechNet của Microsoft. Ở đó bạn sẽ tìm thấy thông tin đầy đủ về mỗi bộ đếm được tìm thấy trong danh sách báo cáo chuẩn của Performance Monitor.

Tổng kết

Bài viết này đã hướng dẫn cho bạn cách mở và những thông tin cơ bản cần nắm được về Performance Monitor, cũng như cách áp dụng các bộ đếm để theo dõi hoạt động của hệ thống của bạn. Đây là một công cụ thực sự rất hữu ích nếu bạn biết cách tận dụng khả năng của nó. Chúc các bạn xây dựng được một hệ thống mạnh mẽ!

Xem thêm:

Thứ Tư, 12/12/2018 08:04
55 👨 10.326
0 Bình luận
Sắp xếp theo