Mặc dù phần mềm Linux thường ít gây ra sự cố khi hoạt động, nhưng cũng có những lúc ứng dụng tốt nhất cũng bị treo. Thay vì chờ đợ chúng phản hồi lại, bạn có thể thoát những chương trình này. Bài viết này sẽ chỉ cho bạn một số cách để "kill" các chương trình không phản hồi trong Linux.
Cách đóng các chương trình không phản hồi trong Linux
- 1. Đóng chương trình không phản hồi bằng cách click vào nút X
- 2. Sử dụng System Monitor để đóng tiến trình Linux
- 3. Thoát các tiến trình Linux với xkill
- 4. Sử dụng lệnh kill
- 5. Sử dụng lệnh pgrep và pkill
- 6. Đóng tất cả các instance của một chương trình không phản hồi với killall
- 7. Tạo một phím tắt để đóng chương trình không phản hồi
1. Đóng chương trình không phản hồi bằng cách click vào nút X
Các nút trên ứng dụng không phản hồi thường có màu xám hoặc các tùy chọn không khả dụng. Bạn thậm chí không thể di chuyển cửa sổ ứng dụng xung quanh màn hình.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Hãy click vào nút X ở góc trên cùng (bên trái hoặc bên phải tùy thuộc vào hệ điều hành Linux bạn đang sử dụng). Thao tác này sẽ làm xuất hiện hộp thoại, yêu cầu bạn Wait (Chờ) hoặc Force Quit (Tắt) để kết thúc chương trình. Một số bản phân phối yêu cầu bạn gửi báo cáo lỗi.
2. Sử dụng System Monitor để đóng tiến trình Linux
Tùy chọn tiếp theo là sử dụng tiện ích System Monitor của hệ điều hành Linux. Bạn có thể tìm thấy công cụ này trong menu System Tools và hiển thị một danh sách các tiến trình đang chạy trong tab Processes.
Để đóng các ứng dụng không phản hồi, chọn nó và click chuột phải. Bạn sẽ có ba tùy chọn:
- Stop Process: Tạm dừng tiến trình để bạn có thể tiếp tục nó sau đó. Tuy nhiên tùy chọn này không phải lúc nào cũng hoạt động tốt.
- End Process: Đây là cách chính xác để đóng một tiến trình. Tùy chọn này sẽ tắt ứng dụng một cách an toàn, xóa sạch các file tạm thời.
- Kill Process: Tùy chọn này không được khuyến khích sử dụng, chỉ dùng khi không sử dụng được tùy chọn End Process.
3. Thoát các tiến trình Linux với xkill
Một tùy chọn khác bạn có thể sử dụng để đóng các chương trình không phản hồi là xkill. Đây là công cụ tích hợp sẵn trên Ubuntu được sử dụng để buộc đóng các chương trình không phản hồi. Nếu không dùng Ubuntu, bạn có thể cài đặt nó thông qua Terminal.
Xkill có thể đóng bất cứ tiến trình máy tính nào. Để cài đặt xkill, sử dụng lệnh sau:
sudo apt install xorg-xkill
Sau đó, chạy xkill với lệnh:
xkill
Con trỏ chuột của bạn sẽ hiển thị dấu X, click chuột trái vào ứng dụng không phản hồi để đóng nó.
4. Sử dụng lệnh kill
Nếu các biện pháp trên không thể đóng ứng dụng không phản hồi của bạn, hãy nhấn Ctrl + Alt + T để mở Terminal.
Có một số tùy chọn dòng lệnh có thể giúp bạn đóng những ứng dụng này. Bạn có thể sử dụng chúng trên máy tính hoặc kết nối qua SSH từ thiết bị khác.
Để đóng các chương trình không phản hồi, chúng ta sẽ sử dụng lệnh kill, nhưng yêu cầu cần có ID tiến trình. Bạn có tể tìm thấy ID này bằng cách chạy lệnh sau:
ps aux | grep [process name]
Thay process name bằng tên tiến trình bạn muốn đóng. Sau khi có ID tiến trình, sử dụng lệnh sau:
kill [process ID]
Thay process ID bằng ID bạn vừa tìm được ở lệnh trên.
Lưu ý: Bạn có thể cần sử dụng lệnh với sudo.
5. Sử dụng lệnh pgrep và pkill
Nếu không tìm thấy ID tiến trình, bạn hay chuyển sang sử dụng lệnh pkill. Lệnh này không yêu cầu ID mà chỉ cần tên tiến trình.
pkill [process name]
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng lệnh pgrep để tìm ID tiến trình:
pgrep [process name]
Và sau đó sử dụng pkill với ID vừa tìm được ở lệnh trên.
pkill [process ID]
Như với lệnh kill, thao tác này sẽ đóng tiến trình trong vòng khoảng 5 giây.
6. Đóng tất cả các instance của một chương trình không phản hồi với killall
Nếu lệnh kill và pkill không thể đóng ứng dụng không phản hồi của bạn, đã đến lúc cần sử dụng đến killall.
Lệnh killall sẽ đóng tất cả các instance của một chương trình cụ thể. Ví dụ, thay vì chỉ đóng một cửa sổ Firefox, nó sẽ đóng tất cả các cửa sổ của chương trình này.
killall firefox
Cách này rất đơn giản, bạn chỉ cần tên tiến trình và lệnh killall (có thể sử dụng với sudo nếu cần thiết).
killall [process name]
Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng lệnh này khi cần thiết vì nó không thích hợp với hầu hết các tình huống không phản hồi.
7. Tạo một phím tắt để đóng chương trình không phản hồi
Bạn muốn tiết kiệm thời gian đóng phần mềm không phản hồi? Tùy chọn tốt nhất là tạo một phím tắt để ngay lập tức đóng một ứng dụng. Tuy nhiên tùy chọn này yêu cầu sử dụng xkill.
Trong Ubuntu, mở Settings > Keyboard và click vào Shortcuts, chọn Custom Shortcuts, sau đó click vào + để tạo phím tắt mới. Nhập xkill cho cả hai phần Name và Command, sau đó nhấn Apply. Bạn sẽ thấy một danh sách các phím tắt, chọn phím tắt và sau đó nhấn tổ hợp phím yêu cầu để sử dụng khi đóng chương trình không phản hồi.
Lần sau khi có chương trình không phản hồi, bạn chỉ cần nhấn phím tắt đã tạo ở trên. Con trỏ chuột sẽ biến thành dấu X và bạn có thể click vào bất cứ đâu trên ứng dụng để đóng nó.
Các ứng dụng không phản hồi thường xuyên gây ra vấn đề? Bạn nên thực hiện nâng cấp RAM máy tính của mình.
Nếu không có giải pháp nào trong số những cách trên hoạt động và các chương trình trên Linux thường xuyên không phản hồi, hãy xem xét chuyển sang hệ điều hành Linux nhẹ.
Chúc các bạn thực hiện thành công!