Arch Linux có thể được xem là bản phân phối Linux bị hiểu lầm nhiều nhất. Nhiều người cho rằng Arch khó cài đặt và bảo trì, vậy tại sao lại có rất nhiều người yêu thích và sử dụng nó? Điều gì khiến Arch trở nên khác biệt?
Arch Linux được coi là một hệ sinh thái độc lập
Hầu hết các bản phân phối Linux hiện nay đều dựa trên một bản phân phối khác. Ví dụ, Linux Mint được phát triển dựa trên Ubuntu LTS, trong khi Ubuntu thì lại kế thừa từ Debian. Fedora thì là thành viên miễn phí của hệ sinh thái Red Hat, còn Manjaro và EndeavourOS đều có nền tảng từ Arch Linux.
Nhưng nếu lần theo "phả hệ" của các bản phân phối, ta sẽ tìm thấy một số ít những hệ thống được phát triển hoàn toàn từ đầu, không dựa vào bất kỳ nền tảng nào trước đó. Trong số đó, có năm bản phân phối hàng đầu: Slackware, Gentoo, Red Hat/Fedora, Debian và Arch Linux.
Không giống như Red Hat hay Debian có sự hậu thuẫn của các công ty lớn, Arch Linux hoàn toàn độc lập, được duy trì bởi một cộng đồng mạnh mẽ và các nhà phát triển đam mê. Không có "bàn tay" của doanh nghiệp nào chi phối, cũng không có áp lực từ bên ngoài. Mọi quyết định phát triển đều được đưa ra dựa trên triết lý cốt lõi của Arch.
Rolling Release: Luôn cập nhật mới nhất
Arch Linux sử dụng mô hình rolling release, có nghĩa là hệ thống luôn được cập nhật liên tục thay vì phát hành từng phiên bản cố định. Khi cài đặt Arch và duy trì cập nhật, bạn sẽ luôn sử dụng phiên bản Arch mới nhất.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể nhận được các bản cập nhật hệ điều hành và phần mềm sớm hơn nhiều so với các bản phân phối khác. Tuy nhiên, rolling release cũng tiềm ẩn rủi ro, đó là việc cập nhật có thể mang theo lỗi và gây mất ổn định hệ thống. Nhưng Arch nổi tiếng với tốc độ sửa lỗi nhanh chóng, vậy nếu có vấn đề xảy ra, thường chỉ mất một hoặc hai ngày để có bản vá.
Tối giản đến tận lõi: Không có phần mềm thừa thãi
Sau khi cài đặt Arch Linux, bạn sẽ nhận được một hệ thống cơ bản chỉ có dòng lệnh. Không có giao diện đồ họa, không có ứng dụng thừa thãi, không có trình quản lý mạng nếu bạn không tự cài đặt.
Nếu bạn muốn sử dụng giao diện đồ họa, bạn cần tự tay lựa chọn và cài đặt môi trường desktop (GNOME, KDE, Xfce...) hoặc trình quản lý cửa sổ xếp lớp (tiled window manager) như i3 hoặc bspwm. Điều này giúp hệ thống của bạn nhẹ, tinh gọn, chỉ có những gì bạn thực sự cần.
Không giống như các bản phân phối khác cung cấp sẵn một bộ ứng dụng đi kèm, Arch Linux cho phép bạn tự xây dựng hệ thống theo ý mình, đảm bảo không có phần mềm dư thừa. Đây là một cách để bạn tiếp cận "sạch" hơn là việc cài đặt một bản phân phối đầy đủ rồi xóa đi những phần không cần thiết.
Hệ thống quản lý gói mạnh mẽ: Pacman và AUR
Arch Linux có trình quản lý gói pacman, giúp cài đặt và cập nhật phần mềm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Không chỉ vậy, Arch còn có Arch User Repository (AUR)—một kho phần mềm khổng lồ do cộng đồng đóng góp.
AUR chứa hàng nghìn ứng dụng mà bạn không thể tìm thấy trong kho chính thức, bao gồm cả những phần mềm mới nhất và các công cụ chuyên biệt. Để cài đặt từ AUR, bạn cần sử dụng một trình hỗ trợ như yay hoặc paru.
Với sự kết hợp của kho chính thức + AUR, Arch có một trong những bộ sưu tập phần mềm lớn nhất trong thế giới Linux.
Độ khó cao, nhưng sẽ rất đáng giá
Cài đặt Arch Linux không hề dễ dàng. Không có cái kiểu mà "bấm-next-là-xong". Bạn cần phải thực hiện nhiều bước thủ công như phân vùng ổ đĩa, thiết lập mạng, cài đặt bootloader...
Dù Arch có cung cấp archinstall, một trình hỗ trợ giúp người dùng cài đặt dễ dàng hơn, nhưng nó vẫn yêu cầu bạn đưa ra quyết định quan trọng mà không có "lưới an toàn". Một sai lầm trong quá trình phân vùng ổ đĩa có thể khiến toàn bộ dữ liệu bị mất.
Điều này có nghĩa là bạn cần nghiên cứu kỹ trước khi cài đặt. Kiến thức là yếu tố quan trọng, và cài Arch chính là một bài học về cách hệ điều hành hoạt động ở cấp độ sâu hơn.
ArchWiki: Bộ bách khoa toàn thư của thế giới Linux
May mắn thay, Arch Linux có ArchWiki—một trong những tài liệu hướng dẫn chi tiết và đáng tin cậy nhất trong cộng đồng mã nguồn mở.
ArchWiki có gần như mọi thứ bạn cần biết về Arch Linux: từ hướng dẫn cài đặt, quản lý hệ thống, khắc phục sự cố cho đến cách tối ưu hóa hiệu suất. Nó được viết một cách rõ ràng, chính xác, và luôn được cập nhật thường xuyên.
Sự đầy đủ của ArchWiki không chỉ là lợi thế mà cũng là thách thức đối với người mới. Sự phong phú của tài liệu đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy quá tải, nhưng nếu đầu tư thời gian làm quen với nó, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc.
Kiểm soát tuyệt đối hệ thống của bạn
Sau khi vượt qua giai đoạn cài đặt và thiết lập, bạn sẽ có một hệ thống tinh gọn, nhanh, và tối ưu theo nhu cầu.
Nếu cần cập nhật hệ thống, bạn có thể kiểm tra mỗi ngày hoặc mỗi tuần tùy ý. Không ai bắt bạn phải nâng cấp lên phiên bản mới như một số hệ điều hành thương mại khác.
Và quan trọng nhất, không có sự chi phối từ doanh nghiệp. Không có quảng cáo, không có phần mềm rác, không có những thay đổi bắt buộc. Arch Linux chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất: cung cấp một hệ điều hành đơn giản, gọn nhẹ, và linh hoạt, đúng với triết lý mà nó theo đuổi từ những ngày đầu.
Nếu bạn là người thích tìm hiểu sâu về Linux và muốn toàn quyền kiểm soát hệ thống của mình, Arch Linux là lựa chọn hoàn hảo. Nó có thể khó với người mới, nhưng phần thưởng xứng đáng dành cho những ai kiên trì.