Việc cài đặt phiên bản macOS mới nhất, với đầy đủ các tính năng và cập nhật mới luôn luôn hấp dẫn. Mặc dù vậy, không phải lúc nào bản cập nhật cũng giúp nâng cao trải nghiệm, thỉnh thoảng sẽ có lỗi, thậm chí khiến hệ thống không hoạt động chính xác.
Nếu gặp tình huống này, bạn có thể quay lại phiên bản macOS trước đó mà hệ thống từng chạy. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bạn đọc cách hạ cấp macOS.
Hướng dẫn hạ cấp phiên bản macOS
Tại sao người dùng muốn hạ cấp macOS?
Apple tạo ra các bản nâng cấp macOS có khả năng tương thích ngược, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một số loại phần cứng và phần mềm có thể không hoạt động chính xác sau khi nâng cấp.
Điều này đặc biệt đúng khi nói đến phần cứng và phần mềm liên quan đến âm thanh, video và đồ họa.
Trước khi hạ cấp, nhớ sao lưu dữ liệu!
Dù hạ cấp phiên bản macOS theo cách nào, người dùng đều phải xóa mọi thứ trên ổ cứng. Để đảm bảo không bỏ sót bất cứ thứ gì, cách tốt nhất là sao lưu toàn bộ ổ cứng.
Người dùng có thể sao lưu với tính năng Time Machine tích hợp (nhưng phải cẩn thận nếu sử dụng tùy chọn này). Trong số các cách dưới đây, có một cách để hạ cấp macOS là khôi phục bản sao lưu Time Machine cũ (nếu có sẵn). Nếu chọn cách này và sau đó muốn khôi phục bản sao lưu vừa tạo, hãy đảm bảo chỉ khôi phục dữ liệu cá nhân để không hoàn tác việc hạ cấp.
Cách quay về phiên bản cũ của macOS
1. Hạ cấp macOS bằng macOS Recovery
Giả sử máy Mac không được cài đặt phiên bản macOS mới nhất, việc hạ cấp khá dễ dàng. Người dùng có thể sử dụng macOS Recovery tích hợp để hạ cấp. Chỉ cần đảm bảo có quyền truy cập Internet trong khi cài đặt, vì phần mềm sẽ tải xuống phiên bản macOS trước đó.
Quá trình này tương tự như cài đặt lại macOS, nhưng thay vào đó sẽ tải xuống phiên bản macOS ban đầu của máy tính. Nếu máy tính đang sử dụng là loại khá cũ, nó sẽ tải xuống phiên bản cũ nhất vẫn còn khả dụng.
Hãy chắc chắn rằng bạn đã sao lưu đầy đủ, vì phương pháp này sẽ xóa ổ đĩa khởi động:
1. Tắt hoàn toàn máy Mac
2. Bật nguồn máy tính và ngay lập tức giữ tổ hợp phím tắt Mac Shift + Option + Cmd + R. Quá trình khởi động sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường khi macOS Recovery load.
3. Khi màn hình macOS Utilities load, chọn Reinstall macOS (hoặc Reinstall OS X) và nhấp vào Continue.
4. Làm theo lời nhắc và chọn ổ đĩa khởi động. Bây giờ bấm vào Install.
5. Đi qua các hướng dẫn trên màn hình để hoàn thành phần còn lại của quá trình cài đặt.
6. Sau khi cài đặt hoàn tất, hãy khôi phục các file từ bản sao lưu đã tạo.
2. Hạ cấp bằng cách sử dụng bản sao lưu Time Machine
Sử dụng bản sao lưu Time Machine là một cách đơn giản khác để cài đặt phiên bản macOS cũ hơn. Tất nhiên, điều này giả định rằng người dùng đã tạo bản sao lưu trên phiên bản macOS cũ.
Để hạ cấp bằng cách sử dụng bản sao lưu Time Machine trước đó:
1. Cắm ổ Time Machine vào máy Mac và tắt nguồn hoặc khởi động lại.
2. Trong quá trình khởi động, giữ Cmd + R để vào macOS Recovery.
3. Khi màn hình macOS Utilities xuất hiện, chọn Restore From Time Machine Backup và nhấp vào Continue.
4. Trên màn hình tiếp theo, nhấp vào Continue một lần nữa.
5. Chọn Restore Source. Trong trường hợp này, đó là ổ đĩa sao lưu đã cắm trước đó.
6. Trên màn hình sau, chọn bản sao lưu muốn khôi phục. Người dùng có thể xem phiên bản macOS nào đã được sử dụng để tạo bản sao lưu đó.
7. Làm theo lời nhắc để hoàn tất quá trình cài đặt lại, sau đó khôi phục các file từ bản sao lưu đã tạo.
3. Hạ cấp bằng cách sử dụng trình cài đặt macOS cũ
Trước khi phát hành macOS Mojave, bạn có thể tải xuống các phiên bản macOS cũ thông qua App Store. Với Mac App Store được cập nhật của Mojave, việc này không thể thực hiện được nữa. Tuy nhiên, đây vẫn là một tùy chọn trên các phiên bản macOS cũ.
Nếu có máy Mac cũ, bạn có thể tải xuống phiên bản hệ điều hành cũ miễn là chưa nâng cấp máy đó lên Mojave. Có thể đăng nhập tài khoản iCloud của mình trên máy Mac của một người bạn hoặc người thân và tải xuống phiên bản macOS cũ. Trình cài đặt cũng có thể là một phần của bản sao lưu.
Hãy nhớ rằng các phiên bản macOS cũ giờ khó để tải xuống hơn. Lần tới khi nâng cấp, bạn nên tạo bản sao lưu của trình cài đặt phiên bản trước đó để đề phòng.
Quá trình này sẽ cần một USB 16GB trở lên hoặc ổ cứng ngoài.
Chuẩn bị ổ đĩa ngoài
Trước tạo trình cài đặt, bạn cần format ổ đĩa. Nếu ổ đĩa đã được format, bạn có thể bỏ qua phần này.
1. Cắm ổ đĩa ngoài vào.
2. Khởi chạy ứng dụng Disk Utility. Có thể tìm thấy ứng dụng này với Spotlight (Cmd + Space) hoặc vào thư mục Applications trong Finder, sau đó vào menu Utilities và nhấp đúp vào ứng dụng.
3. Trong phần External ở danh sách bên trái, chọn ổ đĩa và sau đó nhấp vào nút Erase ở đầu cửa sổ.
4. Trong phần Format, chọn hệ thống file HFS+ hoặc APFS. Việc nên chọn hệ thống file nào cho ổ đĩa ngoài của Mac tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
5. Nhấp vào Erase, sau đó chọn Done khi quá trình hoàn tất.
Tạo trình cài đặt
Bạn đọc cần phải làm theo các bước sau trên máy có trình cài đặt cho phiên bản macOS cũ.
Cắm ổ cứng ngoài được format vào và khởi chạy ứng dụng Terminal. Người dùng cần phải nhập một lệnh (lệnh này sẽ khác nhau tùy thuộc vào phiên bản macOS đang sử dụng). Đối với macOS 10.13 High Sierra và ổ đĩa ngoài có tên External, lệnh sẽ giống như sau:
sudo /Applications/Install\ macOS\ High\ Sierra.app/Contents/Resources/createinstallmedia --volume /Volumes/External --applicationpath /Applications/Install\ macOS\ High\ Sierra.app
Điều này sẽ tạo ra trình cài đặt, xóa ổ đĩa ngoài trong quá trình tạo.
Sử dụng trình cài đặt
Cuối cùng, để chạy trình cài đặt đã tạo và hạ cấp macOS:
1. Tắt máy Mac muốn hạ cấp và cắm ổ đĩa ngoài vừa tạo vào.
2. Bật nguồn máy Mac đồng thời giữ tổ hợp phím Option + R.
3. Khi màn hình macOS Utilities xuất hiện, hãy chọn Disk Utility.
4. Chọn Startup Disk và nhấp vào Erase. Chọn định dạng giống như khi tạo trình cài đặt.
5. Khởi động lại máy Mac một lần nữa, lần này nhấn giữ Option. Startup Manager sẽ xuất hiện.
6. Chọn ổ đĩa đã tạo bằng trình cài đặt và nhấp vào Install macOS.
7. Sau khi quá trình cài đặt kết thúc, người dùng có thể khôi phục các file của mình từ bản sao lưu đã tạo.
Nếu muốn hạ cấp phiên bản macOS chỉ vì máy tính bị chậm, người dùng nên suy nghĩ lại về quyết định đó. Mặc dù điều này có thể giải quyết vấn đề về tốc độ, nhưng cũng rất có thể máy Mac vẫn chậm sau khi thực hiện tất cả các bước phức tạp trên.
Trước khi thực hiện bất kỳ giải pháp quyết liệt nào để tăng tốc máy tính, hãy dành một chút thời gian để đọc bài viết: Tăng tốc Mac cũ chạy nhanh như lúc mới mua bằng các thủ thuật này. Biết đâu một trong các cách đơn giản này sẽ giúp bạn khắc phục vấn đề.
Chúc bạn thành công!