Làm sao để nhận biết 1 link có an toàn hay không?

Ngày nay các link "độc hại" xuất hiện ngày càng nhiều và được chia sẻ thông qua các mạng xã hội với một tốc độ "chóng mặt". Chỉ cần click vào một đường link "độc hại" nào đó có thể mang lại những nguy hiểm tiềm ẩn cho bạn.

Một trong những mạng xã hội phổ biến nhất và được nhiều người dùng nhất hiện nay chính là Facebook. Đây cũng chính là một trong những "con đường" để các Hacker chia sẻ các link độc hại. Chỉ cần click vào các link "lạ mắt" với một cái title khá ấn tượng và một lượng "view khủng", khi đó tất cả các thông tin của người dùng gần như đã rơi vào tay các Hacker. Các thông tin của người dùng được các Hacker sử dụng vào một số mục đích khác nhau. Một trong những mục đích dễ nhận biết nhất đó là tài khoản Facebook của người dùng "bị hack".

Nếu có lỡ tay kích chuột vào một đường link độc hại nào đó và bị "hack" mất tài khoản Facebook, bạn có thể tham khảo cách lấy lại tài khoản Facebook của mình tại đây.

Lời khuyên cho bạn là trước khi click vào một đường link nào đó, bạn cần chắc chắn rằng đường link đó là link an toàn và không tiềm ẩn malware. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là làm sao để biết link đó có an toàn hay không? Đó cũng chính là chủ đề mà Quản trị mạng sẽ giới thiệu cho bạn trong bài viết dưới đây.

1. Làm thế nào để kiểm tra thuộc tính target của link?

Trước khi tiến hành kiểm tra xem link có an toàn hay không, đầu tiên bạn cần tìm hiểu cách làm thế nào để copy thuộc tính target của 1 link. Điều này rất quan trọng, nó sẽ thông báo cho bạn biết được URL của trang web mà bạn muốn kiểm tra.

Tất cả bạn cần là kích chuột phải vào link bạn muốn kiểm tra. Lúc này trên màn hình sẽ hiển thị một menu.

Chọn: Copy link address (nếu dùng trình duyệt Google Chrome), hoặc Copy link location (trình duyệt Firefox) hoặc Copy shortcut (nếu sử dụng trình duyệt Internet Explorer).

Thuộc tính target của link sẽ được sao chép trên bộ nhớ máy tính của bạn, bạn có thể dán vào bất kỳ đâu cũng được.

Đơn giản hơn, bạn chỉ cần trỏ chuột vào link, và nhìn xuống dưới cuối cùng của trình duyệt (trên Windows) và xem website nào đang được load, đó chính là nơi bạn sẽ thực sự được đưa tới khi click vào link.

2. Kiểm tra link có an toàn hay không?

Sử dụng một trong số các dịch vụ, công cụ dưới đây để kiểm tra xem link có an toàn hay không:

​​Norton Safe Web

Một cách hay để xem có virus hay phần mềm độc hại trong liên kết không là dựa vào công cụ từ gã khổng lồ về bảo mật trực tuyến Norton.

Norton Safe Web là một dịch vụ danh tiếng trực tuyến miễn phí liên quan đến việc sử dụng máy chủ của Norton để phân tích các trang web để xem chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến một người và máy tính của họ. Norton đã tạo ra dịch vụ mới này với nỗ lực chống lại nhiều mối đe dọa trực tuyến tồn tại trên Internet ngày nay, bao gồm phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp, lừa đảo, virus, v.v... Norton Safe Web được thiết kế để giúp bảo vệ mọi người khỏi các trang web cố lấy thông tin thẻ tín dụng, thông tin ngân hàng và/hoặc mật khẩu hoặc gửi những file độc hại có thể làm hỏng máy tính.

Để quét URL tìm phần mềm độc hại, chỉ cần dán URL vào trường kiểm tra và nhấp vào nút tìm kiếm. Norton Safe Web sẽ hiển thị xếp hạng và đánh giá của cộng đồng về trang web. Nếu muốn đóng góp ý kiến của mình, bạn có thể tạo một tài khoản và tham gia vào cộng đồng những người kiểm tra liên kết.

Cũng như trình kiểm tra liên kết dựa trên trình duyệt. Norton Safe Web cung cấp thêm hai công cụ:

  • Norton Safe Search Extension là một cải tiến của thanh địa chỉ Chrome giúp bổ sung chức năng tìm kiếm an toàn nhanh chóng cho trình duyệt
  • Norton Home Page Extension đưa tìm kiếm an toàn vào tất cả các kết quả của công cụ tìm kiếm.

Cả hai tùy chọn sẽ kiểm tra độ an toàn của các liên kết trước khi bạn nhấp vào chúng - lý tưởng cho việc duyệt web một cách an toàn.

Norton Safe Web hoạt động dựa trên phản hồi của cộng đồng để giám sát Internet. Điều này có nghĩa là người dùng Internet sẽ đánh giá các trang web khác nhau về cách chúng hoạt động, có bất kỳ điều gì đáng ngờ xảy ra khi ở trên các trang web này không, v.v... Bất kỳ ai truy cập trang web Norton Safe Web đều có thể truy cập thông tin này bằng cách nhấp vào tab “Community Buzz” trên trang web; ở đó, người dùng sẽ thấy nhiều trang web khác nhau và liệu chúng có được Norton gắn nhãn “OK” và được cộng đồng đánh giá cao hay không.

Chủ sở hữu trang web có thể gửi trang của họ lên Norton Safe Web để Norton kiểm tra và giúp chủ sở hữu trang web đó cải thiện chất lượng site, giúp khách truy cập có thể yên tâm khi ở trên trang web đó. Chủ sở hữu trang web sẽ nhận được con dấu bảo mật Norton khi trang web của họ được xác nhận là thực thể kinh doanh hợp pháp, sử dụng chứng chỉ SSL tốt nhất và quét phần mềm độc hại hàng ngày. Sau khi được chứng nhận, các trang web này sẽ xuất hiện trong những trang kết quả tìm kiếm của người dùng Norton Identity Safe, Norton Safe Search và Norton Security.

ScanURL

Kiểm tra xem một URL có an toàn hay không với ScanURL
Kiểm tra xem một URL có an toàn hay không với ScanURL

ScanURL là một trang web độc lập coi trọng việc gửi truy vấn liên kết của bạn thông qua kết nối HTTPS bảo mật. Mặc dù trình kiểm tra liên kết spam được hỗ trợ bởi quảng cáo, nhưng kết quả vẫn rất tốt. Bạn cũng có thể cung cấp giải thích về nơi bạn đã xem URL để giúp những người dùng khác tránh nó.

ScanURL tham khảo Google Safe Browsing Diagnostic, PhishTank và Web of Trust, sau đó cung cấp thông tin về bản ghi Whois của trang web được truy vấn. Kết quả trả về sẽ ngay lập tức cho biết bạn có nên truy cập trang web hay không và kèm theo khuyến nghị của ScanURL. Tránh xa trang web nếu kết quả liệt kê nó là nguy hiểm.

Một số trang web (bao gồm một số tùy chọn trong danh sách này) và các công cụ được ScanURL kiểm tra khi nó đối chiếu kết quả. Khi trang kết quả ScanURL đã load, một URL vĩnh viễn sẽ được áp dụng. Bạn có thể sao chép và dán nội dung này để chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người có liên quan để họ tham khảo. Rất tiện dụng!

PhishTank

Kiểm tra xem một URL có an toàn hay không với PhishTank 
Kiểm tra xem một URL có an toàn hay không với PhishTank

Thay vì tập trung vào phần mềm độc hại, PhishTank cho phép bạn biết liệu một liên kết có an toàn hay không hoặc liệu nó có đưa bạn đến một trang web phishing hay không.

Khi bạn nhập một URL mà bạn nghi ngờ có diễn ra hoạt động phishing, PhishTank sẽ kiểm tra nó. Nếu liên kết đã có trong kho dữ liệu thì bạn sẽ nhận được kết quả ngay lập tức. Nếu không, trang web sẽ cung cấp một số theo dõi. Việc kiểm tra liên kết phishing không đơn giản như kiểm tra tự động một số liên kết phần mềm độc hại…

PhishTank được vận hành bởi OpenDNS. Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp cho trang web và xác minh các liên kết đã được gửi bởi những người dùng khác.

Google Transparency Report

Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với Google Transparency Report
Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với Google Transparency Report

Google cũng cung cấp một dịch vụ kiểm tra liên kết hữu ích. Transparency Report cung cấp một trường tiêu chuẩn để bạn có thể nhập URL mà bạn quan tâm. Vài giây sau, kết quả - được trình thu thập dữ liệu web của Google tổng hợp - sẽ cho bạn biết liệu trang web có đáng tin cậy hay không.

Cùng với phần mềm độc hại, Google Transparency Report sẽ cảnh báo bạn về các nguy cơ phishing.

VirusTotal Safe

Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với VirusTotal Safe
Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với VirusTotal Safe

Cung cấp một công cụ quét đa chức năng dựa trên trình duyệt, VirusTotal phân tích "các file và URL đáng ngờ để phát hiện những loại phần mềm độc hại." Kết quả quét sau đó được chia sẻ với cộng đồng an ninh mạng. Chỉ cần truy cập trang web, nhấp vào URL, sau đó dán liên kết vào và tìm kiếm.

VirusTotal cũng có thể kiểm tra độ an toàn của liên kết trong các ứng dụng Android và Windows của nó. Đối với các nhà phát triển, VirusTotal cung cấp những API công khai và riêng tư. Mặc dù giới hạn ở các dự án phi thương mại, chúng có thể được sử dụng để tạo công cụ quét file và liên kết riêng trên trang web của bạn.

PSafe Dfndr Lab

Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với PSafe Dfndr Lab
Kiểm tra xem liên kết có an toàn hay không với PSafe Dfndr Lab

Công cụ PSafe Dfndr Lab dễ sử dụng giúp bạn kiểm tra độ an toàn của một liên kết chỉ với một cú nhấp chuột.

Chỉ cần sao chép URL bạn đang truy vấn từ email, trang web, tin nhắn tức thì, v.v… vào công cụ tìm kiếm. Nhấp vào Check URL để xem kết quả.

Nếu trang web được tìm thấy trong cơ sở dữ liệu, bạn sẽ biết có thể tin tưởng vào nó hay không. Nếu không, hoặc nếu dữ liệu về trang web không được tìm thấy, bạn sẽ được khuyến nghị nên thận trọng: "Nếu bạn không tin tưởng 100% vào URL hoặc trang web, bạn không nên nhấp vào nó."

Không giống như các trình kiểm tra liên kết khác được liệt kê ở đây, PSafe Dfndr Lab dựa vào công nghệ Machine Learning để phát hiện "các URL có khả năng không an toàn".

Ngoài ra, các liên kết được tham chiếu chéo với những URL bị nghi ngờ từ các tài nguyên khác, trong khi phân tích nội bộ được thực hiện nếu các thử nghiệm khác không kết luận được.

URLVoid

URLVoid
URLVoid

Cuối cùng là URLVoid, một công cụ giúp bạn "phát hiện các trang web độc hại tiềm ẩn". Như với các công cụ khác, chỉ cần nhập URL nghi ngờ và đợi trang web kiểm tra. Bạn sẽ tìm thấy thông tin về URL và lịch sử của nó.

Danh sách các dịch vụ mà URLVoid sử dụng để đưa ra kết quả cũng được hiển thị, với những cái tên nổi tiếng bao gồm Avira, BitDefender và PhishTank.

Nếu bạn cần quét địa chỉ IP, URLVoid cung cấp một dịch vụ đồng hành, IPVoid. Đối với các nhà phát triển, URLVoice cũng cung cấp APIvoid để bạn có thể tạo trình kiểm tra tính an toàn cho liên kết của riêng mình.

Chúc các bạn thành công!

Tham khảo thêm một số bài viết dưới đây:

Thứ Hai, 18/11/2024 20:02
4,242 👨 135.950
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bảo mật máy tính