Quá nhiều email gửi tới hàng ngày có thể làm cả những người thận trọng nhất cũng phải giảm đi mức độ “soi” nguy cơ tiềm ẩn trong các email.
Trong vội vã để theo kịp tiến độ công việc, bạn rất dễ lọt vào bẫy của những kẻ lừa đảo email. Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhất ở những vụ lừa đảo email.
1. Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân
Không có tổ chức nào yêu cầu bạn cung cấp tài khoản ngân hàng hay số PIN qua email, họ cũng không gửi kèm đường link hay một form mẫu nào đó yêu cầu bạn nhập dữ liệu vào đó. Bất kể email đó có vẻ chính thức như thế nào, hãy phớt lờ chúng.
2. Nhìn lỗi ngữ pháp hoặc chính tả
Các chuyên gia lừa đảo là những kẻ lanh lợi, nhưng nhiều người chưa nắm kiến thức ngữ pháp cơ bản, nhất là những email gửi đi từ các nước không nói tiếng Anh. Nhìn vào các lỗi như dấu gạch nối không phù hợp hay lẫn lộn giữa “your” và “you’re”. Nếu email có nhiều lỗi chính tả, khả năng thư đó không phải của các tổ chức chính thống là rất cao.
3. Có gắn link trong email
Đừng tin tưởng vào các link trong các email, dù cho nó có thể trông như là địa chỉ web tin cậy. Các liên kết này thường kết nối đến trang web thứ ba, có thể trông cũng rất chính thống nhưng thực sự được quản lý bởi kẻ lừa đảo.
4. Nghiên cứu hay khảo sát yêu cầu thông tin cá nhân
Gửi email giả danh thư tiếp thị là mánh lừa đảo cổ điển. Bạn sẽ được mời tham gia vào khảo sát hay cuộc thi, và được yêu cầu điền thông tin cá nhân. Một khi bạn làm vậy, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin đó vào mục đích xấu.
5. Mách tin cổ phiếu "hot"
Bạn nhận được thông tin về cổ phiếu “hot”, sẽ tăng giá thậm chí có thể tăng 2-3 lần trong thời gian ngắn? Đó là trò tung tin đồn để thổi phồng giá cổ phiếu. Kẻ gửi thông tin đã sở hữu cổ phiếu của công ty nào đó. Hắn phát tán thông tin đồn thổi về cổ phiếu đó nhằm làm tăng giá cổ phiếu để bán kiếm lời.
6. Các file đính kèm trong email từ người bạn không biết
Đây là lời khuyên phổ biến có thể bạn đã nghe tới hàng nghìn lần: Đừng mở đính kèm email từ người bạn không biết, cho dù nó được gửi tới từ công thẻ tín dụng hay ngân hàng của bạn. Bởi nguy cơ nhiễm virus và phần mềm do thám spyware ăn cắp thông tin khi mở các file này là rất cao.
7. Những email không chữ
Một số thư điện tử không có chữ, chỉ là những hình ảnh cũng rất nguy hiểm. Bấm vào bất kỳ vùng nào trong email đó có thể dẫn đến trang web để dụ bạn đăng nhập thông tin cá nhân hoặc bị nhiễm spyware.
8. Thông tin thiếu cập nhật
Một số kẻ lừa đảo thích đóng vai trò là hỗ trợ khách hàng hay kỹ thuật từ công ty bạn quen biết nhưng lại không cập nhật thông tin mới. Ví dụ (như trong ảnh), người gửi quên rằng Earthlink (nhà cung cấp dịch vụ Internet) đã mua Mindspring vào năm 2000.
9. Đoạn thông tin bôi đậm
Nếu bạn nhận được email có đoạn chữ bôi đậm yêu cầu bạn “xác nhận thông tin tài khoản”, “bạn đã trúng xổ số”, hay “nếu bạn không phản hồi trong xx giờ, tài khoản của bạn sẽ bị đóng”. Các email đó là lừa đảo. Hãy nhất vào nút xóa mà không cần xem lại nữa.
10. Lời chào hỏi chung chung
Các email khởi đầu với từ "Dear member" hay "Hello friend" có thể phớt lờ. Bởi nếu ngân hàng hay công ty thẻ tín dung gửi, họ sẽ biết bạn là ai. Email gửi bạn bè cũng vậy.