Trình giả lập Game Boy mới có chế độ 'Cloud Gaming' từ xa với nhiều ưu điểm thú vị

Một trình giả lập Game Boy mới, viết bằng ngôn ngữ lập trình Go, đã được phát hành, mang đến nhiều khả năng thú vị, nổi bật trong số đó là cho phép các tựa game trên Game Boy của bạn có thể truy cập được thông qua Internet bằng Telnet. Mặc dù các trò chơi trực tuyến được kết xuất bằng ANSI không được hấp dẫn cho lắm về mặt trực quan, nhưng nó có thể minh họa khá tốt cách thức mà các nhà phát triển trình giả lập có thể mở rộng những tính năng của mình lên Internet.

Hiện trình giả lập mới này đã có sẵn trên Github trong một trang riêng với tiêu đề GameBoy.live. Theo đó, dự án này sẽ đóng vai trò như một thử nghiệm nhằm cho thấy cách thức các trình giả lập có thể được viết bằng ngôn ngữ lập trình Go ra sao, cũng như ưu, nhược điểm mà nó sở hữu sẽ như thế nào.

GameBoy.live trên Github

Về cơ bản, trình giả lập này sẽ cho phép bạn chơi game cục bộ trên thiết bị hoặc khởi chạy trình giả lập như một máy chủ để có thể truy cập từ xa thông qua kết nối Internet. Sau khi đã kết nối thành công, người dùng có thể chơi bất kỳ trò chơi nào đang được hiển thị trực tuyến thông qua Telnet.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà bạn cần phải lưu ý, đó là việc đây đều là những trò chơi có bản quyền và do đó, bạn không nên sử dụng mà chưa xin phép, đặc biệt là khi có ý định phát tán chúng trên Internet.

Để thể hiện tính năng "Cloud Gaming" này, nhà phát triển đã cấu hình cho trình giả lập của mình với nhiều trò chơi khác nhau, và đồng thiết lập để nó có thể truy cập được trên Internet. Hiện tại, các tựa game có sẵn bao gồm Dr. Mario, Legend of Zelda - Link's Awakening, Super Mario Land, Pokemon - Blue Version, và nhiều game khác như được hiển thị ở danh sách bên dưới.

Danh sách game

Khi một trò chơi được khởi chạy, hệ thống sẽ hiển thị cho người dùng một vài thông tin cần thiết, trong đó có bố cục bàn phím của các nút Game Boy để có thể tìm hiểu cách chơi trò chơi dễ dàng hơn.

Bố cục bàn phím

Khi bạn vào 1 game bất kỳ, nó sẽ được kết xuất bằng ANSI. Công bằng mà nói thì giao diện đồ họa kiểu này không được bắt mắt cho lắm, và chắc chắn không thể đẹp như khi bạn chơi các trò chơi cục bộ trên máy tính của mình. Tuy nhiên nó khá trực quan và mang lại một cái nhìn cổ điển cũng rất thú vị.

Đồ họa ANSI

Bên cạnh đó, Gameboy.Live cũng sở hữu một tính năng khác khá hữu ích, đó là chế độ nhiều người chơi. Khi bật chế độ này, bạn có thể chọn ID của những người chơi khác để 2 người có thể kết nối được với nhau. Do chưa có những thử nghiệm chính thức nên hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết rõ được chế độ này có thể hoạt động tốt như thế nào.

Có thể chọn ID của những người chơi khác để 2 người có thể kết nối được với nhau.

Sử dụng Telnet để kết nối với một trò chơi từ xa góp phần giúp cho Game Boy trở thành một thiết bị chơi game thú vị hơn, nhưng nó không thực sự khiến cho trải nghiệm chơi game trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, như tác giả đã tuyên bố, tính năng này được phát triển cho "mục đích học tập" và "vẫn còn rất nhiều điều cần phải hoàn thiện trong tương lai”.

Thứ Tư, 15/05/2019 08:18
52 👨 180
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới