Dynamic Host Configuration Protocol (DHCP) server là một giao thức mạng tự động chỉ định địa chỉ IP. Nó cũng phân phối cấu hình mạng cho tất cả các thiết bị được kết nối, chẳng hạn như DNS server, subnet mask và default gateway. Nhưng thông thường, lỗi có thể xuất hiện khi gia hạn, phát hành hoặc cho thuê địa chỉ IP. Nếu bạn nhận được lỗi "Unable to Contact your DHCP Server" trên Windows 10, hãy thử các bản sửa lỗi mà Quantrimang.com gợi ý sau đây.
1. Đăng ký DNS
Đôi khi, việc bắt đầu đăng ký động thủ công cho tên DNS và địa chỉ IP có thể khắc phục được lỗi. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách đăng ký DNS của mình thông qua Command Prompt.
Bước 1: Gõ cmd trên thanh tìm kiếm của Windows, chọn Run as administrator ở bên tay phải để mở CMD với quyền admin.
Bước 2: Nhập lệnh này và nhấn Enter:
ipconfig /registerdns
Bước 3: Khởi động lại máy tính và xác nhận xem lỗi đã được giải quyết chưa. Nếu không, hãy thử các bản sửa lỗi khác.
2. Khởi động lại DHCP server
Lỗi có thể xảy ra nếu DHCP đã dừng hoặc hệ thống không thể kết nối với service. Để giải quyết vấn đề này, hãy khởi động lại service DHCP client.
Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R, gõ services.msc vào hộp thoại Run và nhấn Enter.
Bước 2: Tìm tùy chọn DHCP client, nhấp chuột phải vào nó và chọn Properties.
Bước 3: Chuyển Service status thành Stop.
Bước 4: Đặt Startup type thành Automatic.
Bước 5: Nhấn nút Start, chọn OK, sau đó nhấn nút Apply để cập nhật các thay đổi.
3. Reset lại TCP/IP
Reset lại Winsock và IP stack là một giải pháp khả thi khác để khắc phục lỗi. Để reset lại TCP/IP, hãy làm theo các bước sau.
Bước 1: Nhập cmd trên thanh tìm kiếm của Windows và chọn Run as administrator.
Bước 2: Nhập các lệnh sau và nhấn Enter sau mỗi lệnh.
netsh winsock reset
netsh int ip reset
ipconfig /release
ipconfig /renew
ipconfig /flushdns
Bước 3: Khởi động lại máy tính và xem lỗi đã được loại bỏ chưa.
4. Cập nhật và cài đặt lại driver mạng
Driver cũ và lỗi thời là nguyên nhân phổ biến khiến lỗi DHCP server không thể kết nối. Cập nhật hệ thống sẽ cài đặt các phiên bản mới hơn hỗ trợ giao thức mạng hiện tại. Cài đặt lại driver mạng giúp tìm ra driver phù hợp cho thiết bị.
Bước 1: Nhấp chuột phải vào nút Start của Windows và chọn Device Manager.
Bước 2: Định vị Network adapters và mở rộng danh sách. Chọn network adapter có vấn đề và nhấp vào Update driver.
Bước 3: Nhấn vào Search automatically for updated driver software. Và khi quá trình hoàn tất, hãy khởi động lại PC.
Ngoài ra, hãy gỡ cài đặt sau đó cài đặt lại driver có vấn đề. Đây là cách bạn có thể làm điều đó.
Bước 1: Trên tùy chọn Network adapters, chọn Uninstall device.
Bước 2: Xác nhận quá trình bằng cách nhấn vào tùy chọn Uninstall.
Bước 3: Ở đầu màn hình, nhấp vào Scan for hardware changes.
Chờ cho Windows hoàn tất quá trình, sau đó khởi động lại thiết bị.
Ngoài ra, hãy xem xét quay trở lại phiên bản trước đây đã hoạt động tốt với máy tính của bạn. Đây là cách bạn có thể làm điều đó.
Bước 1: Điều hướng đến adapter mạng có vấn đề, nhấp chuột phải vào nó và chọn Properties.
Bước 2: Chọn tab Driver và tìm tùy chọn Roll Back Driver rồi chọn nó. Nhấn OK.
LƯU Ý: Nếu tùy chọn chuyển sang màu xám, thì nghĩa là không có file sao lưu vì driver không được cập nhật gần đây.
5. Vô hiệu hóa IPV6
Lỗi cũng xảy ra nếu IPv6 được bật và không có mạng cục bộ để kết nối. Để khắc phục sự cố này, hãy làm theo hướng dẫn trong bài viết: Vô hiệu hóa IPv6 để khắc phục sự cố kết nối Internet trên máy tính Windows.
Chúc bạn khắc phục sự cố thành công!