Sự thật về tái chế chất thải điện tử và hiệu quả của nó

Hàng ngày, con người tạo ra một lượng lớn rác thải. Mỗi người trung bình bây giờ ném đi 4,3 pound rác mỗi ngày, tăng hơn 30% kể từ năm 1960. Trong nhiều năm qua, tổng lượng chất thải đã tăng thêm 2,6 nghìn tỷ pound trên toàn thế giới.

Và trong thời đại kỹ thuật số gia tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều chất thải điện tử được thải ra môi trường. Không giống rác thải “truyền thống”, trong đó khoảng hai phần ba có thể được dùng để ủ phân, chất thải điện tử sẽ khó xử lý hơn.

Với tư cách là những công dân có trách nhiệm với hành tinh, chúng ta nên bắt đầu thực hiện các bước để tái chế lại các tiện ích cũ. Nhưng đó có thực sự là một nỗ lực đáng giá?

Chất thải điện tử là gì?

Tất cả các dạng thiết bị điện tử đều có tuổi thọ giới hạn. Nó trở nên lỗi thời khi công nghệ thay đổi, hoặc nó không còn hoạt động khi các thành phần bên trong bị hỏng hóc.

Nó cũng không chỉ giới hạn ở điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Thử nghĩ xem bạn có bao nhiêu thiết bị điện tử trong nhà: Lò vi sóng, tivi, tủ lạnh, hệ thống an ninh, máy in, đầu DVD, máy chơi game, v.v... Khi bạn vứt bỏ chúng, chúng sẽ đi đâu?

Chất thải điện tử

Liên Hiệp Quốc ước tính 20-50 triệu tấn chất thải điện tử được thải bỏ mỗi năm. Con số đó là tương đương với 800 máy tính xách tay mỗi giây. Riêng Hoa Kỳ đã chiếm 9,4 triệu tấn chất thải.

Đáng buồn thay, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), chúng ta thực sự chỉ tái chế được khoảng 12,5% chất thải điện tử mỗi năm.

Tại sao chất thải điện tử lại trở thành vấn đề?

Như bạn đã biết, nhựa và các vật liệu tương tự khác có thể mất nhiều thời gian để phân hủy. Tùy thuộc vào cách mà chúng được tạo ra, quá trình phân hủy có thể mất từ ​​500 đến 1.000 năm.

Nhưng vấn đề còn lớn hơn tốc độ phân rã chậm. Thiết bị điện tử còn có hóa chất và kim loại độc hại. Lượng hóa chất và kim loại trong các thiết bị điện tử chiếm tới 70% tổng lượng chất thải độc hại của thế giới.

Kim loại và các nguyên tố như thủy ngân, chì, asen, cadmium, selen và crôm có mặt trong mọi thứ, từ máy tính xách tay đến tủ lạnh. Các ống tia ca-tôt, trong TV và màn hình cũ ở trường học, thường sử dụng kính pha chì ở mặt sau của chúng. Còn chip máy tính chứa chất chống cháy brom. Danh sách các mối nguy hiểm là vô tận. Những độc tố này sẽ dẫn đến những vấn đề về môi trường và sức khỏe đáng lo ngại.

Việc tiếp xúc với chì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), dioxin brom hóa và các kim loại nặng khác làm axit hóa sông, giết chết cá và thực vật. Việc đốt các con chip cũ phóng các hạt mịn của thủy tinh, thiếc, chì, berili cadimi và thủy ngân vào bầu khí quyển. Các kim loại nặng thấm vào đất giải phóng phốt-pho độc hại, ảnh hưởng đến nông nghiệp và chuỗi thức ăn.

Không cần phải là một nhà hóa học, bạn cũng biết tất cả những điều này đều là tin xấu. Và ngay cả khi bạn muốn tái chế một cách thân thiện với môi trường, điều này cũng rất khó, vì đừng quên cũng có những vấn đề về an ninh cần xem xét.

Ưu điểm của tái chế chất thải điện tử

Về lý thuyết, có rất nhiều lợi ích từ việc tái chế các thiết bị điện tử bị loại bỏ.

Rõ ràng mục đích là để giảm thiểu các vấn đề môi trường được liệt kê ở trên. Bên cạnh đó, còn một thực tế mà có thể nhiều người chưa biết: Một tấn bảng mạch chiết suất được lượng vàng nhiều hơn 800 lần so với một tấn quặng. Tương tự, cùng một tấn bảng mạch chứa lượng đồng cao hơn ít nhất 30 lần so với một tấn quặng.

Các chi phí môi trường cho việc chiết xuất kim loại quý từ quặng là rất lớn. Việc khai thác, chế biến và phân phối kim loại đòi hỏi nhiều năng lượng. Mọi thứ từ máy móc đến nhân lực đều có tác động tiêu cực lên hành tinh.

Tái chế cũng có thể làm giảm hóa đơn năng lượng của bạn. EPA tuyên bố tái chế một triệu máy tính xách tay có thể tiết kiệm được tổng lượng năng lượng được sử dụng bởi 3.657 gia đình tại Mỹ trong một năm.

Và khoảng 65% số người trên thế giới không có máy tính hoặc điện thoại thông minh thì sao? Đã có các chương trình để tân trang và sử dụng lại các thiết bị bị loại bỏ, để đưa cuộc cách mạng kỹ thuật số đến mọi ngóc ngách của Trái đất.

Quy trình tái chế chất thải điện tử

Rõ ràng rằng bạn nên tái chế các thiết bị điện tử cũ của bạn. Cho dù bạn đang sống ở quốc gia nào, cũng không quá khó để tìm một công ty tái chế rác thải điện tử.

Về mặt lý thuyết, các công ty tái chế sẽ vứt bỏ thiết bị của bạn theo một quy tắc đạo đức:

  • Tái sử dụng toàn bộ các thiết bị bằng cách quyên góp cho những người vẫn có thể sử dụng chúng.
  • Sửa chữa và tân trang toàn bộ các thiết bị.
  • Khôi phục và sử dụng lại bất kỳ thành phần hoặc thiết bị ngoại vi nào vẫn đang hoạt động.
  • Tái chế các vật liệu cấu thành không thể sử dụng được.
  • Xử lý chất thải nguy hại một cách có trách nhiệm, trong bãi chôn lấp được cấp phép. Mỗi vật liệu độc hại đều có quy trình xử lý nghiêm ngặt.

Hãy cẩn thận với những công ty tái chế “giả”

Tất cả mọi thứ có vẻ đơn giản? Không hoàn toàn như vậy đâu.

Tái chế rác thải là một vấn đề lớn và có một sự thật là: Các thành phần cũ trong chất thải điện tử có giá trị nhỏ hơn chi phí để tái chế chúng, ít nhất là ở Hoa Kỳ.

Jason Koebler của Vice.com đã viết về một sự khám phá tuyệt vời đối với tình huống này và nhận thấy rằng có một ngành công nghiệp thứ cấp đang phát triển: Fake recycler - “những công ty tái chế giả”, đang làm ảnh hưởng đến công việc của những công ty tái chế hợp pháp bền vững.

Những công ty "giả" này bán chất thải điện tử cho các bãi phế liệu ở các nước đang phát triển, thường ở Đông Nam Á. Đổi lại, các bãi phế liệu sử dụng lao động địa phương giá rẻ (và thường chưa đủ tuổi) để tìm và chọn ra bất cứ thứ gì đáng để giữ lại, và vứt bỏ những gì không còn giá trị. Các công ty này không quan tâm đến các vấn đề về môi trường được liệt kê trước đó.

Thật ngạc nhiên, một cơ quan giám sát ngành công nghiệp đã sử dụng máy theo dõi GPS và tìm thấy tới 40% công ty tái chế chất thải điện tử ở Hoa Kỳ rơi vào danh sách “lừa đảo” này.

Làm thế nào bạn có thể tái chế bền vững chất thải điện tử?

Có rất nhiều công ty sẽ tái chế chất thải của bạn, theo cách hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất có thể, nhưng bạn sẽ phải bỏ thời gian tìm hiểu một chút đấy. Để đưa ra lựa chọn sáng suốt, bạn cần một số thông tin cơ bản.

Trở lại năm 1989, 185 quốc gia đã ký một hiệp ước quốc tế được gọi là “Công ước Basel về kiểm soát các chuyển động xuyên biên giới của các chất thải nguy hại và việc thải bỏ chúng”, gọi tắt là "Công ước Basel". Đó là nỗ lực đáng ghi nhận đầu tiên của thế giới trong việc kiểm soát việc xuất khẩu chất thải nguy hại từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển. Năm 1995, một kiến nghị sửa đổi đã được đưa ra, nhằm mục đích cấm hoàn toàn việc vận chuyển chất thải nguy hại từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD sang các nước đang phát triển, nhưng chưa được phê chuẩn.

Như một hệ quả của hiệp ước, tổ chức Basel Action Network (BAN) được thành lập. Có trụ sở tại Seattle, các chiến dịch từ thiện phi chính phủ của tổ chức này đều nhằm ngăn chặn việc các nước kém phát triển trở thành bãi rác chất thải điện tử.

Một số sáng kiến đã được đưa ra. Đối với một công ty tái chế chất thải điện tử tiêu dùng tận tâm, “e-Stewards” có lẽ là yếu tố quan trọng nhất.

e-Stewards đã giới thiệu một tiêu chuẩn cho việc tái chế có trách nhiệm và tái sử dụng các thiết bị điện tử. Các công ty đáp ứng các yêu cầu được trao chứng nhận Certified e-Stewards Recycler. Để có được chứng nhận này, các nhà tái chế phải có hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 đã đăng ký và vượt qua hai lần kiểm tra ban đầu. Sau đó, họ phải trải qua các kiểm tra hàng năm và đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất.

Đây là những công ty bạn nên tìm kiếm. Trang web e-Stewards liệt kê tất cả các công ty tái chế đủ điều kiện tại đó.

e-Stewards

Hãy là một phần của giải pháp để giải quyết vấn đề

Chúng ta đều yêu công nghệ. Nhưng hãy là những người yêu thích công nghệ có trách nhiệm.

Đừng làm hại môi trường. Không giúp tuyên truyền cho các công ty không có đạo đức, muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng và không quan tâm đến các vấn đề về môi trường.

Hãy tự mình nghiên cứu và trở thành một phần của giải pháp để giải quyết vấn đề.

Bạn có biết về các vấn đề liên quan đến chất thải điện tử không? Hãy cho chúng tôi biết suy nghĩ của bạn về vấn đề này trong phần bình luận bên dưới nhé!

Xem thêm:

Thứ Năm, 30/08/2018 12:23
51 👨 1.457
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ