Có vẻ như kỷ nguyên của những chiếc xe hơi không người lái đang mở rộng hơn bao giờ hết trước mắt nhân loại trong bối cảnh mà hàng loạt các công ty trụ cột trong thế giới công nghệ như Apple, Tesla hay Google đều đang nắm trong tay những dự án phát triển công nghệ xe hơi tự hành cực kỳ tham vọng. Tuy nhiên, không có con đường nào “trải đầy hoa hồng”, và liệu nhân loại có đang thực sự đi đúng đường trong việc phát triển công nghệ xe tự hành?
Mới đây, một bài báo được xuất bản trên tạp chí Quốc tế về Công nghệ và Quản lý Ô tô (International Journal of Automotive Technology and Management) đã xem xét đến một số vấn đề đồn thổi có liên quan đến các phương tiện không người lái, và đồng thời phân tích đến cách thức mà những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này đang định hướng cho tham vọng của mình.
Trong bài báo, các tác giả Alexandros Nikitas, Eric Tchouamou Njoya và Samir Dani đã cho rằng "Phương tiện kết nối và tự hành (Connected and autonomous vehicles - CAV) có thể trở thành loại hình phương tiện giao thông có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong tương lai. Thế nhưng cho dù trên lý thuyết, CAV có thể tạo ra tác động lớn, góp phần thay đổi mô hình quản lý giao thông, tình hình an toàn giao thông, kinh tế, môi trường, cũng như cơ sở hạ tầng công cộng, thì trên thực tế, công nghệ này sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức phức tạp liên quan đến sự chấp nhận của cộng đồng, sự đồng thuận trong chính ngành phát triển ngành công nghiệp xe hơi, cũng như sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng và các cơ quan quản lý xã hội, hoạch định chính sách… trước khi muốn trở thành một tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng cần phải có một sự can thiệp đúng mức từ phía các nhà hoạch định chính sách, và quan trọng hơn là từ những doanh nghiệp lớn có tham vọng trong lĩnh vực xe tự hành, giúp tạo ra thay đổi cần thiết về mặt nhận thức xã hội trong việc tiếp nhận và xa hơn là ủng hộ cho sự xuất hiện và phổ biến của loại hình phương tiện giao thông mới này. Bên cạnh đó, cũng cần phải hạn chế đến mức tối đa những mập mờ có thể gây hiểu lầm, phản ứng thái quá, cũng như tránh sự cường điệu quá mức. Nếu làm được như vậy, tương lai của CAV sẽ hoàn toàn rộng mở. Dưới đây là một số lợi ích chính của công nghệ phương tiện kết nối và tự hành được các nhà nghiên cứu nêu ra khi nó thực sự trở thành một phần của cuộc sống hiện đại:
- Cải thiện tình hình an toàn và phòng chống tai nạn giao thông, cũng như góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông.
- Cải thiện tình hình an ninh chung: Đơn giản hóa quy trình giám sát và kiểm soát các loại hình phương tiện giao thông.
- Giảm tắc nghẽn giao thông nhờ vào khả năng quản lý lưu lượng giao thông. Đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng giao thông do các phương tiện di chuyển hiệu quả, có trật tự hơn.
- Tiết kiệm thời gian đáng kể: Mọi người có thể sử dụng khoảng thời gian ngồi trên trên xe để nghỉ ngơi hoặc làm việc cũng như giải trí.
- Tiện ích cuộc sống được nâng cao.
- Góp phần bảo vệ môi trường: Giúp tiết kiệm nhiên liệu cũng như cắt giảm khí thải nhờ vào khả năng vận hành linh hoạt của công nghệ tự hành.
- Giúp thúc đẩy văn hóa chia sẻ phương tiện giao thông, đồng thời tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng
- Loại bỏ các vấn đề, rào cản đối với người điều khiển phương tiện giao thông như tuổi tác, thể trạng, và kỹ năng trong việc lái xe.
- Tiết kiệm ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Đó chính là những lợi ích thấy rõ mà CAV có thể tác động lên cuộc sống hiện đại của con người. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ có thể đạt được khi phương tiện tự hành được chấp thuận và sử dụng rộng rãi bởi chính người dân. Nhiệm vụ này không chỉ đòi hỏi những nỗ lực về mặt phát triển, hoàn thiện công nghệ tự hành của các nhà sản xuất, mà còn cần đến sự phối hợp của phía cơ quan quản lý xã hội cũng như các nhà hoạch định chính sách. Những vấn đề còn dang dở cần phải được giải quyết trước khi quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và sâu rộng diễn ra.