Liên minh châu Âu EU đang cân nhắc kỹ lưỡng việc ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả ô tô con cá nhân, xe khách cũng như xe tải phải được trang bị công nghệ giới hạn tốc độ và đồng thời là cả máy ghi dữ liệu để lưu lại thông tin về các trường hợp tai nạn (tương tự như hộp đen trên máy bay).
Được biết, đây nhiều khả năng sẽ là một trong những tính năng an toàn bắt buộc cho các phương tiện giao thông đường bộ tại châu Âu, được đề cập trong một thỏa thuận tạm thời công bố vào hôm thứ tư 27/3 bởi ủy ban điều hành của EU.
Cụ thể hơn, gói thỏa thuận an toàn này sẽ buộc các phương tiện phải sở hữu cái gọi là “thiết bị hỗ trợ tốc độ thông minh”, có thể nhận biết giới hạn tốc độ di chuyển của phương tiện bằng cách sử dụng hệ thống bản đồ, và đồng thời giúp người lái quan sát cũng như nhận biết tốc độ nguy hiểm bằng cách can thiệp trực tiếp vào công suất động cơ. Tuy nhiên, trong trường hợp người lái hoàn toàn tỉnh táo, làm chủ được tình huống và có lý do chính đáng để vượt quá tốc độ giới hạn, họ vẫn có thể buộc hệ thống làm theo quyết định của mình bằng cách đạp mạnh hơn vào chân ga, đây chính là điểm mới của quy định lần này, trong khi ở dự thảo luật trước đó, hệ thống giới hạn tốc độ sẽ không thể bị vượt quá, dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng điều này là không hợp lý trong một vài tình huống cụ thể, đặc biệt là trong các trường hợp nguy cấp.
Ngoài ra, thiết bị ghi dữ liệu tích hợp này cũng có thể giới hạn tốc độ theo mức mà người lái xe đăng ký từ trước.
“Mỗi năm, có đến hơn 25.000 người tử vong do tai nạn giao thông ở châu Âu, con số này là quá lớn và không thể chấp nhận được. Chúng ta có thể và phải hành động để thay đổi tình hình”, Elzbieta Bienkowska, Ủy viên Châu Âu chịu trách nhiệm về thị trường nội bộ và giao thông vận tải cho biết.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành tối cao của EU bao gồm 28 quốc gia, cho biết theo dự kiến từ năm 2022, các tính năng, công nghệ giới hạn tốc độ sẽ yêu cầu phải được lắp đặt trên tất cả các phương tiện lưu thông trên hệ thống đường bộ thuộc châu Âu.
Bên cạnh giới hạn tốc độ, các tính năng an toàn khác sẽ bao gồm hệ thống giúp đưa ra cảnh báo cho người lái xe khi họ có biểu hiện buồn ngủ, và hạn chế những phiền nhiễu trong lúc lái xe như sử dụng điện thoại thông minh hay nghe nhạc quá to. Ngoài ra, camera và cảm biến cũng sẽ là những “món đồ chơi” bắt buộc nhằm hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra trong nhiều tình huống mà nhẽ ra hoàn toàn có thể tránh được, ví dụ như va chạm trong khi lùi xe, giúp đi đúng làn đường cũng như đảm bảo khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Đối với xe hơi và xe tải, đạo luật nhiều khả năng cũng sẽ yêu cầu các phương tiện này phải được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp thông minh, có thể tự động phát hiện chướng ngại vật và kích hoạt chân phanh khi người lái không kịp phản ứng. Bên cạnh đó, một hệ thống an toàn khác cũng sẽ được yêu cầu để giúp các tài xế xe buýt và xe tải tránh được những tình huống va chạm với người đi xe đạp và người đi bộ khi họ chẳng may đi vào điểm mù của những phương tiện giao thông có kích cỡ lớn dạng này. Bộ giao thông vận tải Đức đã tiến hành thử nghiệm thực tế và nhận thấy rằng hệ thống cảm biến điểm mù có thể giúp giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn đáng tiếc giữa xe tải với người đi xe đạp và đi bộ, mặc dù trên thực tế hệ thống gương tiêu chuẩn được trang bị trên xe tải, xe bus ở châu Âu cũng đã có thể kiểm soát điểm mù khá ổn.
Thực ra hầu hết những công nghệ kể trên cũng đã được trang bị trên nhiều mẫu xe mới xuất xưởng, nhưng đa phần chúng đều thuộc phân khúc hạng sang với giá bán tương đối cao của các nhà sản xuất nổi tiếng với công nghệ an toàn trên xe hơi như Volvo, Audi, hay MAN. Tuy nhiên, đạo luật mới này sẽ khiến những trang thiết bị an toàn kể trên phải được áp dụng trên cả các mẫu xe giá rẻ cũng như thuộc mọi phân khúc.
Trong một động thái liên quan, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) đã hoan nghênh dự thảo mới này của EU, tuy nhiên cơ quan này cũng cho biết ngoài công nghệ an toàn cho xe ô tô, cơ sở hạ tầng đường bộ cũng cần phải được đầu tư bổ sung, nâng cấp chất lượng, và đồng thời các nhà quản lý cũng nên đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích hành vi lái xe an toàn.
"Điều luật đầy thách thức này chắc chắn sẽ là công cụ giúp cải thiện hơn nữa hiệu quả đối với tình hình an toàn giao thông đường bộ ở châu Âu - điều mà tất cả các nhà sản xuất ô tô đều cam kết hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào mỗi công nghệ an toàn trên phương tiện thì sẽ là không đủ. Để đạt hiệu quả tối đa, các nhà hoạch định chính sách cần phải có cách tiếp cận thích hợp cũng như liên quan đầy đủ với mọi yếu tố ảnh hưởng đến an toàn đường bộ, có thể kể đến như kết hợp cùng lúc công nghệ xe với cơ sở hạ tầng đường bộ hiện đại hơn và đồng thời là cả việc giáo dục, nâng cao nhận thức hay thậm chí đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh để khuyến khích hành vi lái xe an toàn”, tổng thư ký ACEA Erik Jonnaert chia sẻ.
Ngoài ra, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng cảnh báo rằng công nghệ hỗ trợ giới hạn tốc độ thông minh chỉ nên được giới thiệu dần dần. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc công nghệ này trước đây đã bị cản trở bởi quá nhiều vấn đề rắc rối từ những hệ thống cấu thành như bản đồ không chuẩn hay khả năng hiển thị các dấu hiệu cảnh báo kém.
Các biện pháp nâng cao an toàn trên phương tiện giao thông đường bộ đã được công bố hôm thứ tư 27/3, và đồng thời cũng được thống nhất trong nhiều cuộc đàm phán giữa chính phủ của các quốc gia châu Âu, ủy ban và quốc hội châu Âu. Bên cạnh đó, thỏa thuận chính trị dự phòng này cũng phải nhận được sự chấp thuận chính thức của quốc hội Châu Âu và các nhà lãnh đạo EU trước khi có thể được áp dụng rộng rãi.