Những nghề nguy hiểm nhất ngành công nghệ

Trong thế giới CNTT, một số nghề có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc rất dễ bị thương tổn tinh thần.

Ở những nước đang phát triển, xã hội bắt đầu lên tiếng về những điều kiện làm việc kham khổ của những công việc liên quan đến ngành công nghệ, ví dụ như làm việc trong các dây chuyền lắp ráp đồ điện tử ở Trung Quốc. Tạp chí PC World liệt kê một số nghề được coi là nguy hiểm nhất trong ngành công nghệ.

1. Kiểm duyệt nội dung Internet

Hãy thử tưởng tượng bạn phải chứng kiến mỗi ngày những điều kinh khủng nhất trên mạng Internet như cảnh lạm dụng trẻ em, tra tấn dã man. Đó là công việc của những người kiểm duyệt nội dung trên Internet (còn được gọi là các moderator hay mod) - những người được trả lương để lọc những nội dung bạn không phải chứng kiến trên các mạng xã hội hay các website chia sẻ ảnh. Nhu cầu người làm công việc này đang tăng, đặc biệt là khi các dịch vụ trên nền tảng web cho phép người dùng đăng ảnh từ các thiết bị di động của họ.

Rõ ràng đó không phải là công việc cho mọi người”, Stacey Springer, phó chủ tịch điều hành của công ty Caleris – công ty cung cấp dịch vụ kiểm duyệt nội dung Internet ở bang Iowa (Mỹ) - nói vậy. Nhân viên của Caleris hiện nay phải kiểm tra hàng triệu tấm ảnh mỗi ngày từ các khách hàng của công ty này.

Theo Stacey Springer, nghề mod rất dễ gây ra những tổn thương tâm lý. Ví dụ, một số người có con rất nhạy cảm với những tấm hình trẻ em bị lạm dụng hoặc có người rất nhạy cảm với hình ảnh động vật bị đối xử thô bạo. Chính vì vậy, những nhân viên của Caleris được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cũng như các đãi ngộ y tế khác nhưng với một số người, những vết sẹo tâm lý không dễ hàn gắn.

2. Lắp ráp đồ điện tử

Năm ngoái, một công nhân 25 tuổi ở nhà máy của Hon Hai ở Trung Quốc đã tự sát sau khi bị đánh đập vì để mất sản phẩm mẫu của điện thoại iPhone. Từ đầu năm đến nay, có hàng chục vụ nhảy lầu tự vẫn ở các phòng ngủ tập thể của các nhà máy lắp ráp hàng điện tử ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Những thông tin đó đã phần nào cho thấy mức độ căng thẳng của những người làm việc trong các dây chuyền lắp ráp hàng điện tử.

Sự huyên náo, điên loạn và hàng nghìn người xếp hàng trong ngày đầu ra mắt iPhone của Apple ở nhiều nước đủ thấy sức ép thời gian với những người lắp ráp điện thoại này. Foxconn , nhà sản xuất iPhone, iPad và những sản phẩm điện tử khác của Apple, Dell và HP đã bị cáo buộc là nơi làm việc với những điều kiện quá sức chịu đựng của con người. Dưới sức ép của dự luận, Foxconn mới đây đã phải tăng lương và hứa sẽ kiểm tra tâm lý cho nhân viên và tuyển dụng thêm công nhân.

Sức ép tâm lý không phải là vấn đề duy nhất ở các nhà máy lắp ráp hàng điện tử. Các tổ chức nhân quyền và lao động cho rằng những công nhân làm kiểm thử chip và lắp ráp màn hình LCD cho Samsung còn bị phơi nhiễm bức xạ, yếu tố có thể gây ra ung thư.

3. Sửa cáp quang biển

Các tuyến cáp quang trải dọc các đại dương giúp con người kết nối trực tuyến xuyên các lục địa. Hiện nay, cáp quang biển cung cấp hơn 99% kết nối Internet trên toàn cầu. Để duy trì liên lạc của các tuyến cáp bị đứt bởi các mỏ neo hay các vụ động đất dưới đáy biển, các hãng viễn thông phải duy trì một đội ngũ sửa và bảo trì các tuyến cáp.

Để lắp đặt, duy trì và sửa chữa các tuyến cáp quang biển thì phải dùng đến những chiếc tàu chuyên dụng. Mỗi tàu có khoảng 50 người gồm những kỹ sư lắp cáp và điều khiển từ xa. Việc rải và chôn cáp ở những vùng biển sâu thường sử dụng robot nhưng việc sửa chữa hay hàn những mối cáp đứt vẫn cần đến bàn tay con người. Mặc dù đã được bảo vệ qua những thiết bị bảo hộ nhưng những người làm nghề này vẫn phải đối mặt với những rủi ro khi một đường cáp hoạt động với cường độ lên tới 10.000 volt.

4. Leo tháp viễn thông

Ở Mỹ, hiện có hàng chục nghìn người lắp đặt và sửa chữa các tháp viễn thông để duy trì các cuộc gọi di động thông suốt. Giám đốc cơ quan y tế và an toàn nghề nghiệp của Mỹ đã từng coi nghề leo tháp viễn thông là công việc nguy hiểm nhất ở quốc gia này.

Mặc dù ngành viễn thông đã có những cải tiến để tăng độ an toàn nhưng bất kỳ công việc nào làm việc ở độ cao cũng rất nguy hiểm. Các tai nạn thường xảy ra khi công nhân không sử dụng thiết bị bảo vệ đúng cách hoặc vô tình trượt chân khi leo. Khi con người ở vị trí từ 10 mét đến 600 mét trên không, chỉ cần một lơ là nhỏ có thể biến những công hàng ngày của họ như kiểm tra ăng-ten trở nên nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, tai nạn có thể xảy ra khi công nhân đã rất cẩn thận như tháp viễn thông bị rỉ gãy hay dây bảo hộ bị đứt.

Trước sự bùng nổ của các mạng 4G và 5G, các chuyên gia ước tính số trạm viễn thông sẽ tăng lên con số hàng triệu và nhu cầu người bảo dưỡng cũng sẽ tăng theo.

5. Tái chế chất thải điện tử

Khi bạn bỏ đi một màn hình hay máy tính cũ, nhiều khả năng những thiết bị đó sẽ được chuyển đến những nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi.

Ở những nước này, nhiều người hi vọng kiếm được vài đô la mỗi ngày từ việc tái chế các thiết bị điện tử cũ để lấy vàng, bạc và những kim loại quý từ các bo mạch bỏ đi. Tuy nhiên, những người làm những công việc này có nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất chì, thủy ngân, catmi và berili rất nguy hiểm với sức khỏe. Việc nhúng các bo mạch cũ vào a xít hoặc đốt cáp nhựa PVC từ các thiết bị điện tử để lấy đồng cũng rất nguy hiểm.

"Đó là một trong những việc nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt là với những sản phẩm điện tử cầm tay", Sheila Davis, giám đốc Tổ chức chất độc ở Silicon Valley nhận xét. "Chúng tôi thấy trẻ em ở Ấn Độ đập các màn hình cũ bằng dép và không có thiết bị nào để bảo hộ. Việc tiếp xúc với các hóa chất bên trong các màn hình có thể dẫn đến các bệnh về thần kinh".

6. Khai thác kim loại hiếm

Miền tây Congo là nơi rất giàu các thành phần chính sử dụng trong các thiết bị điện tử như chất tantali dùng cho các tụ điện, thiếc để hàn bo mạch, vonfam để làm thiết bị rung của điện thoại di động và vàng để kết nối các thành phần trong thiết bị điện tử. Hàng nghìn người dân Congo chấp nhận làm việc trong những điều kiện kinh hoàng để kiếm tiền từ việc chiết xuất các kim loại hiếm này.

Sasha Lezhnev, nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Global Witness việc khai thác các kim loại hiếm dùng cho các thiết bị điện tử ở Congo giống như việc khai thác 'kim cương máu'. "Khi tôi đến xem các mỏ ở đây, tôi thấy nhiều trẻ em chỉ khoảng 11 tuổi. Có rất nhiều lính tay lăm lăm khẩu AK-47 để giám sát những người khai thác", Sasha Lezhnev nói.

Theo ước tính của Global Witness, các nhóm vũ trang ở Congo kiếm được khoảng hàng triệu USD mỗi năm từ việc khai thác các kim loại hiếm dùng cho các thiết bị điện tử trong khi đó phần lớn người dân vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Theo chính phủ Congo, những kẻ buôn lậu kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ việc buôn bán các kim loại hiếm ra ngoài quốc gia này.

Thứ Hai, 18/05/2020 14:32
51 👨 751
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ