Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thời gian tắt sóng 2G là 15/10.
Vào hồi tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư 03 và 04, trong đó có điều khoản không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, tức thiết bị 2G Only, kể từ ngày 16/9, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK hoặc cho các thiết bị M2M.
Với thông tư số 10 mới nhất, thời gian thi hành điều khoản trên sẽ chuyển sang 15/10. Sau thời gian đó, nhà mạng sẽ dừng cung cấp dịch vụ 2G và người dùng phải nâng cấp lên thiết bị từ 3G trở lên để tiếp tục sử dụng.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, tính đến 8/9 chỉ 3,4 triệu thuê bao dùng máy 2G.
Do bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam khiến người dân và các doanh nghiệp viễn thông phải tập trung khắc phục hậu quả, đồng thời xảy ra tình trạng thiếu hàng triệu điện thoại 4G khi việc chuyển đổi một lượng lớn thuê bao trong thời gian ngắn nên quá trình bị ảnh hưởng.
Trong số 3,4 triệu thuê bao còn lại, nhiều người thuộc nhóm khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão lụt, gây khó khăn cho việc liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để chuyển đổi.
Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất lùi thời gian thực hiện thông tư 03 và 04 để có thêm thời gian, đồng thời chuẩn bị thêm thiết bị di động 4G có phím bấm cho người dùng.
Năm 1999, công nghệ sóng 2G xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi Internet, điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số phát triển bùng nổ thì mạng 2G trở nên lỗi thời, lượng người dùng ngày càng giảm mạnh trong khi gây tiêu tốn tài nguyên về phổ tần quốc gia.
Mục đích của việc tắt sóng 2G là nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường hiện đại với tốc độ cao. Ngoài ra, việc dừng 2G, tiến tới dừng 3G còn giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận hành cho các nhà mạng.
Trong quá trình dừng công nghệ di động 2G các doanh nghiệp cần phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G với mục tiêu cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G được đảm bảo và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Không chỉ 2G mà công nghệ 3G đã được cấp phép từ năm 2009 cũng đang được xem xét để dừng vào thời điểm dự kiến là năm 2026.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển và đi đầu trong lĩnh vực viễn thông đều đã tắt sóng 2G từ lâu. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia cũng đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ sóng 2G.
Tắt sóng 2G ảnh hưởng tới người dùng như thế nào?
Khi sóng 2G bị tắt, đa số những chiếc điện thoại cơ bản (điện thoại “cục gạch”) sẽ ngưng hoạt động, không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin. Đối tượng người dùng bị ảnh hưởng là những người có thu nhập thấp không đủ khả năng mua smartphone, học sinh và người già không thể và không có khả năng dùng smartphone.
Bộ TTTT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. Bộ sẽ sử dụng kinh phí từ Quỹ Viễn thông công ích và nguồn xã hội hóa hỗ trợ 400.000 smartphone giá rẻ cho người dùng các đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện tắt sóng 2G từ tháng 9-2024.