Sự thật là các phím số trên ứng dụng máy tính trên smartphone được thiết kế hoàn toàn khác với phím số khi gọi điện thoại. Cụ thể, trên ứng dụng máy tính các số 7, 8, 9 được sắp xếp ở trên cùng, trong khi đó với ứng dụng gọi điện thì các số 1, 2, 3 lại ở trên. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Câu trả lời chính là nằm ở lịch sử phát triển của máy tính và điện thoại từ thế kỷ 19.
Bàn phím khi gọi điện (bên trái) và bàn phím trong máy tính (bên phải). Ảnh: The Next Web.
Lịch sử phát triển bàn phím máy tính trải dài 30 năm
Từ thế kỷ 17 đã xuất hiện những chiếc máy tính cơ học, đây là tiền thân của những chiếc máy tính có phím bấm. Phải đến thế kỷ 19 thì máy tính mới có nút bấm dạng số. Năm 1884, Dorr Felt phát minh ra một chiếc máy tính với bàn phím được thiết kế gồm 9 hàng số tương đương với 9 chữ số (1-9), mỗi số tương đương với một chữ số của số hạng, cùng 8 cột số tương đương với hàng đơn vị.
Ví dụ số 9, cột thứ 4 trên bàn phím của Dorr Felt tương đương số 9 trong 9000.
Bàn phím của Dorr Felt không có số 0, để biểu diễn số 0 người dùng đơn giản không cần bấm nút nào cả.
Bàn phím của Dorr Felt trên một chiếc máy tính.
Tới năm 1902, một bàn phím mới cho máy tính mới xuất hiện do James Dalton thiết kế. Đây là bàn phím đầu tiên có sự xuất hiện của số 0 và chỉ có 2 hàng phím với tổng cộng 10 chữ số. So với bàn phím máy tính của Dorr Felt thì loại của James Dalton dễ sử dụng hơn, thậm chí nó còn được quảng cáo là có khả năng tính toán, kiểm tra lại giá trị của một hóa đơn chỉ trong 35 giây.
Mẫu máy tính với bàn phím do David Sundstrand phát minh.
Thiết kế bàn phím máy tính phổ biến hiện nay xuất hiện vào năm 1914 do một nhà phát minh gốc Thụy Điển, David Sundstrand giới thiệu. Với 3 hàng, 3 cột và số 0 nằm dưới cùng, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển. Bàn phím này được coi là tối ưu nhất, cho phép người dùng có thể làm phép tính với chỉ 1 tay. Cho tới nay, thiết kế bàn phím này vẫn được sử dụng trên hầu hết máy tính.
Bàn phím điện thoại là kết quả từ nhiều nghiên cứu khoa học
Các phím bấm số gọi điện trên smartphone hiện nay có nguồn gốc từ chính những chiếc điện thoại. Vào đầu thế kỷ 19, điện thoại đã được phát minh ra nhưng khi đó các cuộc gọi đều phải thực hiện qua các tổng đài và công việc bật, tắt các chuyển mạch để kết nối cuộc gọi đều được các tổng đài viên thực hiện bằng tay.
Đến thập niên 1950, điện thoại đường dài trở nên phổ biến. Khi đó, các số điện thoại địa phương gồm 7 số, mã vùng gồm 4 số. Để thực hiện một cuộc gọi đường dài, tổng đài viên phải bấm tổng cộng tới 11 số, điều này dễ dẫn tới việc bị quay nhầm số. Và để giảm tỷ lệ bấm nhầm, các kỹ sư của của công ty viễn thông AT&T đã nghĩ ra một bảng số mới.
Rất nhiều phương án sắp xếp số được đưa ra, từ những cách sắp xếp theo hình tròn, hình tam giác cho tới xếp chéo. Đồng thời trách nhiệm bấm số được chuyển tới cho người gọi nhờ sự ra đời của tổng đài tự động.
Bảng số của tổng đài viên vào thập niên 1950. Ảnh: The Next Web.
Năm 1960, R. L. Deininger đã công bố một nghiên cứu cho rằng người dùng thích một bàn phím ngược lại so với bàn phím máy tính, tức là có số tăng dần từ trái sang phải, trên xuống dưới.
15 phương án sắp xếp phím số mới được đề xuất. Ảnh: The Next Web.
Cuối cùng, AT&T đã lựa chọn thiết kế 3 hàng, 3 cột cùng số 0 nằm dưới cùng. Và nó trở thành cách sắp xếp phím phổ biến trong các điện thoại cho tới tận ngày nay, không bị ảnh hưởng kể cả khi bàn phím điện thoại có thêm tính năng gõ ký tự.
Ảnh hưởng tới các thiết bị hiện đại
Thiết kế của bàn phím máy tính được kế thừa trên bàn phím máy vi tính sau này với các phím số 7, 8, 9 ở trên cùng và các nút bấm phép tính ở gần. Thiết kế này giúp cho người dùng có thể dễ dàng thực hiện các phép tính chỉ bằng tay phải.
Phần lớn các ứng dụng của cả hai hệ điều hành là iOS và Android đều có cách sắp xếp phím số giống với điện thoại. Ảnh: The Next Web.
Có thể cách sắp xếp của bàn phím trên các smartphone hiện đại được kế thừa từ các điện thoại có nút bấm với thiết kế dãy số 1, 2, 3 ở trên cùng đã trở nên quen thuộc từ hàng chục năm trước.
Tóm lại, phím số của máy tính và điện thoại được sắp xếp như hiện nay là bởi sự phát triển của những thiết bị trong lịch sử.
Xem thêm:
- Quên bàn phím và chuột đi, chỉ cần một cái kèn anh chàng này cũng có thể giết sạch quái vật trong game "Doom"
- Xem hacker và developer cài DOOM lên mọi thứ, thậm chí là trong chính trò chơi DOOM
- Ví Bitcoin “bất khả xâm phạm” mà John McAfee sử dụng bị cậu bé 15 tuổi hack để chơi DOOM
- Nếu phá đảo thành công tựa game siêu khó này, bạn sẽ nhận được phần thưởng 5000 USD