Windows Subsystem for Linux (WSL) là một bộ công cụ cho phép bạn chạy phần mềm Linux trên PC Windows của mình. Khi bạn kích hoạt WSL, Windows sẽ cài đặt một nhân Linux được thiết kế tùy chỉnh và ảo hóa. Sau đó, bạn có thể cài đặt Ubuntu hoặc bất kỳ bản phân phối Linux nào khác trên PC một cách nhanh chóng, an toàn.
Nhờ khả năng hỗ trợ systemd mới được bổ sung, tin tốt là WSL sẽ sớm hoạt động với nhiều phần mềm Linux hơn nữa. Đây cũng là điều mà cộng đồng người dùng bộ công cụ này đã chờ đợi từ lâu.
Quay ngược thời gian đôi chút. Microsoft đã giới thiệu Windows Subsystem for Linux phiên bản cải tiến vào năm 2019, gọi tắt là WSL2, được thiết kế để chạy nhân Linux và các chức năng hệ thống khác trên một máy ảo tối thiểu (cụ thể là một bộ chứa Hyper-V chuyên dụng). Điểm mạnh của WSL2 là nhanh, ổn định, và có toàn quyền truy cập vào các tệp Windows của bạn. Nhưng nhược điểm lớn nhất là thiếu hỗ trợ cho systemd - một tập hợp các dịch vụ và tiện ích trong hầu hết các bản phân phối Linux, từ xử lý thiết bị, ghi nhật ký, kết nối mạng và hàng loạt chức năng khác. Điều này đồng nghĩa WSL2 sẽ không thể hoạt động với các phần mềm yêu cầu systemd, cũng như một số hạn chế khác liên quan đến vùng chứa Docker và các ứng dụng được phân phối dưới dạng gói ‘Snap’.
Canonical (đơn vị phát triển Ubuntu Linux) và Microsoft đã cùng cộng tác để khắc phục nhược điểm trên và giờ đây, systemd cuối cùng cũng đã có trong WSL2. Hiện tại, nó bị giới hạn ở phiên bản preview của WSL, và người dùng sẽ phải kích hoạt thủ công bằng cách sửa đổi tệp cài đặt. Sau khi hoàn tất, việc khởi động lại WSL sẽ tự động kích hoạt systemd.
Ưu điểm chính của tính năng mới (và có thể là lý do Canonical tham gia cộng tác với Microsoft) là các gói từ Canonical Snap Store hiện có thể được cài đặt và hỗ trợ đầy đủ. Snap là một phương pháp phổ biến để phân phối phần mềm Linux và mặc dù công nghệ này không phổ biến với nhiều người, nhưng có một số ứng dụng chỉ khả dụng chính thức dưới dạng gói Snap.
Quan trọng hơn, tính năng hỗ trợ systemd mới sẽ có sẵn trong WSL2 trên cả hai nền tảng Windows 10 và 11.