Chung Ju-Yung, cha đẻ của tập đoàn Hyundai, sinh ngày 25/11/1915 trong một gia đình gốc nông dân, tại vùng quê nghèo Asan (thuộc Tongchon, CHDCND Triều Tiên). Ông là con trai trong gia đình nghèo có 8 người con nên ông không được học hành đầy đủ. Sau khi học hết bậc tiểu học, Chung Ju-Yung đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Để có thể lên thành phố lập nghiệp ông từng phải trộm tiền bán bò của cha mình.
Trong cuốn hồi ký của mình, Chung Ju-Yung từng tâm sự rằng, ngày nào ông cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để ra đồng làm việc, chẳng có lúc nào nghỉ ngơi. Vì vậy, dù còn là một đứa trẻ nhưng Chung Ju-Yung đã hiểu được nghề nông không mang lại bao nhiêu lợi ích so với công sức cực nhọc bỏ ra. Khi đó, ông đã tự hỏi rằng cuộc đời ông sẽ mãi như vậy sao?
Ảnh: Rewind & Capture.
Không cam chịu cuộc sống nghèo khổ, ông Chung luôn muốn tìm con đường làm giàu. Thời niên thiếu ôm giấc mơ thoát nghèo, ông từng bốn lần trốn nhà đi đến Seoul. Ba lần đầu tiên thất bại, ông bị lừa mất tiền, phải đi xin ăn. Thậm chí, ông từng phải bất đắc dĩ trộm 70 won tiền bán bò của cha mình để lên Seoul học kế toán.
Trong lần thứ tư, ông xin được vào làm khuân vác ở công trình xây dựng trường học Bosung (Ðại học Hàn Quốc bây giờ). Một thời gian sau, ông xin vào làm nhân viên phân phối gạo lẻ và sau trở thành kế toán của cửa hàng gạo “Phục hưng Thương hội”. Nhờ tính cần cù, Chung Ju-Yung từ một kẻ không xu dính túi đã mở được cửa hàng phân phối gạo khi 22 tuổi.
Ảnh: Rise of South Korea.
Tháng 12/1939, cửa hàng gạo của Chung Ju-yung bị buộc phải đóng cửa do chế độ phân phối gạo thời chiến ở Triều Tiên được ban bố. Chung Ju-yung mua lại một xưởng sửa xe của người bạn với số tiền 3.000won đi vay. Ban đầu việc làm ăn của ông phát triển tốt, khách đến ngày càng đông.
Nhưng không may, xưởng của ông bị bốc cháy do sự sơ ý của một công nhân. Những chiếc xe đắt tiền khách vừa sửa xong cũng bị thiêu rụi. Chung Ju-yung phải đối mặt với nguy cơ phá sản, nợ chồng chất.
Ảnh: Pinterest.
Ông đã phải đi vay nặng lãi để xây dựng lại nhà xưởng. Để cạnh tranh với các xưởng khác, ông làm việc như một công nhân cả ngày lẫn đêm để có thể sửa nhanh gấp 2 - 3 lần, với giá cao hơn mặt bằng chung. Sau đó, Ju-yung đã thành công, ông trả được hết nợ và liên tục mở rộng quy mô nhà máy.
Năm 1943, do yêu cầu của chính phủ chiếm đóng Nhật Bản, xưởng sửa chữa của ông buộc phải sáp nhập với một nhà máy thép. Cơ nghiệp của Chung Ju-yung một lần nữa bị đổ bể, ông quyết định về quê chờ đợi thời cơ mới với 50.000won tiền tiết kiệm.
Ảnh: Pinterest.
Năm 1946, Triều Tiên được giải phóng, Chung Ju-yung quay lại Seoul để làm lại từ đầu. Ngày 25/5/1947, Chung Ju-yung thành lập công ty công nghiệp xe hơi Huyndai. Sau này, công ty của ông mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực xây dựng.
Chung Ju-Yung luôn tâm niệm rằng, một người sẽ không có vận xấu nếu người đó không tin là có vận xấu. Vận may rủi đến với mọi người đều như nhau, quan trọng là phải nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ.
Ảnh: The Korea Times.
Năm 1973, cơn bùng nổ dầu hỏa xảy ra trở thành một trong những bệ phóng đầu tiên đưa tập đoàn Hyundai vào danh sách những tập đoàn khổng lồ thế giới với doanh thu hàng năm vượt hơn 90 tỉ USD. Khi đó, Chung Ju-Yung trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.
Để tìm hiểu nhiều câu chuyện thú vị hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chung Ju-Yung, cha đẻ của tập đoàn Hyundai, các bạn có thể tìm đọc cuốn tự truyện của ông mang tên “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Có bản PDF free, nếu có thời gian rảnh, các bạn hãy đọc nhé, cực hay.