Với giới công nghệ toàn cầu, 2022 là một năm “thảm họa” khi xảy ra nhiều sự kiện bất ngờ như làm sóng sa thải quy mô lớn, các thương vụ chuyển nhượng hàng chục tỷ đô…
1. Hỗn loạn ở Twitter sau khi Elon Musk lên làm chủ
Sự kiện chuyển nhượng Twitter cho Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk với giá 44 tỷ đô la vào ngày 27 tháng 10 được ví như một "cơn địa chấn" trong giới công nghệ.
Và một tháng sau đó, những "cuộc thảm sát" liên tục đã xảy ra, một nửa số nhân viên (khoảng 3.700) ở Twitter bị sa thải.
Musk cũng không hề giấu diếm tình hình kinh doanh của công ty, yêu cầu nhân viên cần phải chăm chỉ hơn nữa đồng thời ông còn đưa ra cảnh báo công ty có thể phá sản bất cứ lúc nào.
2. Sự sụp đổ của tiền điện tử
Sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã gây chấn động khắp cộng đồng đầu tư và khởi nghiệp, thậm chí còn lan sang cả các lĩnh vực khác.
Từ "ông lớn" nhất nhì trong ngành, FTX phải nộp đơn xin phá sản chỉ trong 1 tuần. Sam Bankman-Fried, CEO sàn FTX, chỉ trong 2 ngày từ tỷ phú tiền điện tử phải đối mặt với khoản nợ hàng tỷ đô.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự mong manh của lĩnh vực này và rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
3. Metaverse "thất bại"
Cách đây hơn 1 năm, Facebook đã đổi tên thành Meta và đầu tư lớn vào Metaverse - vũ trụ ảo, bất chấp những tranh cãi và những gánh nặng mà công ty đang phải gánh chịu.
Thực tế, Meta có một thời gian khởi sắc, tạo ra những xu hướng ăn theo như việc bán các sản phẩm dùng cho thế giới ảo.
Tuy nhiên, Metaverse càng cho thấy nó đã không thành công như mong đợi. Trong tình hình kinh tế thế giới suy yếu, hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của công ty đang chững lại, khoản đầu tư khổng lồ không thành công đã khiến Meta phải cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương 13% tổng lực lượng lao động.
4. Sự "chết yểu" của những sản phẩm nổi tiếng
Trong năm 2022, chúng ta chia tay một số dịch vụ đáng chú ý.
Google Stadia - một dịch vụ trò chơi đám mây ra mắt cách đây hai năm với mục tiêu được cho là nhằm định nghĩa lại cách chúng ta chơi game. Nhưng vào tháng 9 vừa qua, Google đã nhanh chóng cho nó "nghỉ hưu non".
Spotify's Car Thing - màn hình giải trí nghe nhạc cho xe ô tô được ra mắt vào năm 2021. Sản phẩm này biến những chiếc xe cũ vốn không được trang bị thiết bị giải trí, để có thể nghe nhạc, podcast, radio thông qua dịch vụ Spotify. Nhưng chỉ 5 tháng sau khi ra mắt, sản phẩm này bị “khai tử” vì có doanh số bán hàng thấp.
Amazon Glow - thiết bị kết hợp giữa máy tính bảng và máy chiếu được thiết kế để kết nối trẻ em và phụ huynh. Nhưng sản phẩm này chỉ tồn tại đúng 6 tháng rồi "chết yểu".