Apple đã từng được coi là một trong những nhà sản xuất công nghệ luôn đi tiên phong trong mọi xu hướng thay đổi. 'Đức tính đáng quý' này vẫn còn được duy trì và thể hiện rõ rệt trên các sản phẩm mang logo táo khuyết cho đến hết thời đại của Steve Jobs.
Thế nhưng kể từ sự ra đi của “vị thuyền trưởng” vĩ đại, sức sáng tạo của Apple dường như cũng giảm đi đáng kể, hoặc cũng có thể nói hãng lười sáng tạo hơn và thay vào đó chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh doanh. Có thể thấy rõ điều này qua thiết kế nhàm chán được duy trì (hoặc thay đổi không đáng kể) qua nhiều năm của những chiếc iPhone, Macbook… và bây giờ là cả Apple Watch.
Apple Watch là một chiếc đồng hồ đẹp, chất lượng hoàn thiện tốt và giàu tính năng. Không ai có thể phủ nhận những điều đó, nhưng tại sao thiết kế của Apple Watch lại gần như không thay đổi nhiều kể từ khi ra mắt phiên bản đầu tiên, trong khi vẫn bán rất chạy, thống trị hoàn toàn thị trường đồng hồ thông minh. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn đối với một sản phẩm công nghệ, nhưng quả thực Apple đã làm được. Vậy bí quyết ở đây là gì?
Lý giải từ chuyên gia
Theo nhận định của Ben Stanton, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty phân tích thị trường nổi tiếng Canalys, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về thị trường đồng hồ thông minh, có hai lý do chính khiến Apple không cần thay đổi quá nhiều về thiết kế trên thiết bị đeo thông minh của mình nhưng vẫn có thể thu về thành công lớn.
Đầu tiên, “không có lý do thương mại đủ thuyết phục" để Apple đầu tư thay đổi toàn diện thiết kế Apple Watch.
Bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, doanh số bán Apple Watch trên toàn cầu vẫn tăng 6% trong nửa đầu năm 2020 - và hãng hiện nắm giữ 40% thị phần trên thị trường đồng hồ thông minh toàn thế giới.
Đáng chú ý, trong số này có rất nhiều người lần đầu tiên mua Apple Watch. Về mặt lý thuyết, phân khúc đối tượng này gần như không quan tâm đến việc thiết kế Apple Watch có thay đổi hay không, vì họ chưa từng sở hữu một chiếc đồng hồ thông minh nào của Apple, hoặc có thiết kế tương tự trước đây.
Bên cạnh đó, một lý do khác mà Stanton cho rằng có ảnh hưởng lớn đến sự “lười thay đổi” của Apple chính là mức độ nhận diện thương hiệu. Vì sự nổi tiếng của thương hiệu Apple cũng như những chiếc Apple Watch, việc duy trì một thiết kế “kinh điển” về cơ bản không những không gây nhàm chán mà còn khiến người dùng càng yên tâm rằng chiếc đồng hồ mà họ mua chắc chắn được nhiều người biết đến. Điều này rất quan trọng bởi bên cạnh các chức năng xem giờ hay theo dõi sức khỏe, chiếc đồng hồ cũng có thể được coi là một loại trang sức.
Thứ hai, có những lý do mang tính kỹ thuật khiến Apple không muốn thay đổi.
Bằng cách duy trì một thiết kế xuyên suốt qua các phiên bản, Apple có thể kiểm soát triệt để hơn đối với chuỗi cung ứng, cũng như không cần phải thay đổi nhiều về cách thức vận hành các dây truyền liên quan. Trên hết, nó cũng giúp công việc của các nhà phát triển phần mềm dễ thở hơn nhiều. Ví dụ, nếu Apple Watch chuyển sang màn hình tròn, các nhà phát triển sẽ phải thiết kế lại gần như toàn bộ giao diện phần mềm và ứng dụng trên thiết bị.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Apple Watch có thay đổi thiết kế ít nhất một lần trong tương lai? Theo Stanton là KHÔNG, trừ khi có sự sụt giảm về doanh số và tăng trưởng. Những sự thay đổi sẽ đến khi Apple cần khuyến khích mọi người nâng cấp thiết bị, và viễn cảnh này có thể sẽ rất lâu nữa mới xảy ra.