Từ iPhone 13, Apple thay màng nilon trên hộp đựng điện thoại bằng lớp niêm phong bằng giấy. Đến thế hệ iPhone 15, cơ chế quét tia UV lên seal được sử dụng nhằm giúp người dùng nhận biết hộp thật.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi iPhone 15 ra mắt, hộp và lớp niêm phong (seal) chứa mã QR ẩn khi chiếu tia UV vào sẽ hiển thị đã bị làm giả và đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Trong đó, lớp lớp niêm phong (seal) chưa có hộp có giá 50.000-60.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy cơ chế bảo mật mới của Apple không ngăn được tình trạng làm giả seal mà chỉ khiến chúng xuất hiện muộn hơn mà thôi.
Một bộ bao bì giả của iPhone 15 gồm: hộp in logo và hình iPhone 15, hướng dẫn sử dụng; que chọc sim; nhãn thông tin và hai tấm seal giả; IMEI và số serial được sao chép từ những chiếc iPhone đời cũ, đã hết hạn bảo hành.
Quá trình ‘đóng seal’ cho hộp iPhone 15 Pro giả chỉ mất vài phút và rất khó phát hiện. Đa số hộp và seal giả được các cửa hàng, cá nhân buôn bán nhỏ lẻ mua để đóng lại những chiếc iPhone mua từ hệ thống phân phối chính hãng Apple (AAR) rồi đem bán để hưởng giá chênh lệch dưới mác iPhone kích hoạt online.
Theo các chuyên gia, khi chiếu đèn UV vào seal iPhone 15 hàng thật logo của hãng và một mã QR đặc biệt sẽ hiện lên. Tuy nhiên, khác với IMEI hay số serial, mã này không chứa thông tin đồng bộ nên chưa giúp tối đa hóa hiệu quả chống hàng giả.
Sự xuất hiện của hộp và seal iPhone 15 giả khiến người dùng có khả năng mua phải máy giá cao, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ bị từ chối bảo hành. Vì vậy, người dùng khi muốn mua iPhone 15 nên tới các trung tâm bảo hành ủy quyền Apple, nếu mua sang tay hoặc không phải từ AAR, nên yêu cầu hóa đơn của sản phẩm để được hưởng quyền lợi bảo hành từ Apple.