Sau Facebook, Youtube và Twich, Bing cũng sẽ “hết cửa làm ăn” ở Trung Quốc

Mặc dù đã tự kiểm duyệt nhưng công cụ tìm kiếm lâu đời của Microsoft - Bing vẫn sẽ bị chặn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Công cụ tìm kiếm Bing là dịch vụ công nghệ mới nhất của Mỹ hiện sẽ không thể truy cập được ở Trung Quốc. Theo một báo cáo chi tiết từ Financial Times, bắt đầu từ ngày hôm qua 24/1, một số người dùng internet ở Trung Quốc đại lục bắt đầu phàn nàn rằng họ không thể truy cập được vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft thông qua trang web cn.bing.com như hằng ngày vẫn làm, trong khi những người đang sống ngoài lãnh thổ quốc gia này lại vẫn có thể sử dụng Bing để thực hiện các truy vấn tìm kiếm bình thường. Theo một số nguồn tin nặc danh mà Financial Times thu thập được thì nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do China Unicom - một tập đoàn viễn thông thuộc sở hữu của nhà nước đã tiến hành chặn toàn bộ các truy cập đến công cụ tìm kiếm này, và rất có thể đây là một mệnh lệnh được yêu cầu từ phía giới chức Bắc Kinh, tuy nhiên tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những phỏng đoán bởi tính xác thực của thông tin này vẫn còn rất mơ hồ.

Bing

"Chúng tôi xác nhận thông tin rằng Bing hiện đã không thể truy cập được trong lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân chính xác trước khi đưa ra quyết định về những hành động tiếp theo". Phát ngôn viên của Microsoft chia sẻ trước báo chí.

Trên thực tế, việc các trang web hay dịch vụ trực tuyến của các nhà cung cấp nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng bị cấm hoặc hạn chế truy cập tại Trung Quốc không phải là hiếm gặp. Twitch mới bị cấm cửa tại thị trường đông dân nhất thế giới vào tháng 9 năm ngoái, trong khi các nền tảng trực tuyến lớn khác trên thế giới như Facebook, Twitter, và YouTube từ lâu đã không có bất cứ khái niệm nào về làm ăn tại Trung Quốc, và rất có thể lần này Bing sẽ là “nạn nhân” tiếp theo.

Trước đó, Microsoft Bing đã có một khoảng thời gian “sống khỏe” ở Trung Quốc, và là một trong số ít các dịch vụ lớn được phát triển bởi một công ty công nghệ Hoa Kỳ vẫn được phép hoạt động tại nước này, đồng thời có thể cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ nội địa vốn được nhiều sự ưu ái của chính quyền sở tại. Một trong những nguyên nhân khiến Bing có thể trụ lại lâu như vậy tại Trung Quốc là do họ đã chuyển sang sử dụng website cn.bing.com, và có cơ chế kiểm duyệt kết quả tìm kiếm, hay nói một cách nôm na là Microsoft sẵn sàng tuân thủ các chính sách kiểm duyệt trên không gian mạng của chính phủ Trung Quốc, có thể kể đến như việc hạn chế, ngăn chặn các thông tin "gây hại cho an ninh quốc gia và gây bất ổn xã hội, vi phạm các quy định và điều luật..."

Microsoft

Tuy nhiên, vụ việc vừa qua cho thấy các cố gắng của Bing cho đến thời điểm hiện tại vẫn là chưa đủ, nhất là với sự quan tâm nhiều hơn của giới chức lãnh đạo Trung Quốc trước các vấn đề về an toàn thông tin và an ninh mạng thời gian gần đây. Vì thế, lý do ở đây rất có thể là bởi Trung Quốc đang cần một sự kiểm soát chặt chẽ hơn trên không gian Internet.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến đó là quyết định đầy bất ngờ và mâu thuẫn này lại diễn ra vào đúng thời điểm một ông lớn khác trong thị trường tìm kiếm vốn cũng đã từng bị cấm cửa ở Trung Quốc là Google đang có kế hoạch tái xâm nhập vào thị trường 2 tỷ dân này với một dịch vụ tìm kiếm mới nằm trong dự án lớn mang tên Dragonfly - một dự án đã gây ra làn sóng mâu thuẫn gay gắt cả trong và ngoài công ty này. Google trước đây đã từng hoạt động tại Trung Quốc cho đến năm 2010, khi họ quyết định rút khỏi nước này như một động thái nhằm phản đối các chính sách về quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của giới chức Trung Quốc.

Do sự vắng mặt của Google, Baidu - một công cụ tìm kiếm nội địa đã nổi lên như một nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu của quốc gia này, kiểm soát đến hơn 70% thị trường (trong khi Bing chỉ chiếm khoảng 2%). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của CEO Sundar Pichar, Google đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình và bây giờ họ đang xem thị trường Trung Quốc là một cơ hội tăng trưởng cực kì tiềm năng, và công ty cũng đang trong giai đoạn tái thăm dò lại thị trường nước này.

Google

Thế nhưng mọi chuyện cũng không hề diễn ra suôn sẻ với Google. Do vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía nội bộ công ty, và để xoa dịu tình hình, Google đã buộc phải đóng một công cụ tìm kiếm thử nghiệm có tên 265.com. Theo đó, 265.com có thể được coi là một công cụ tìm kiếm “ảo” bởi nó sẽ chuyển hướng trực tiếp các truy vấn tìm kiếm sang Baidu. 265.com được Google sử dụng nhằm mục đích thu thập dữ liệu về thói quen cũng như xu hướng tìm kiếm của người Trung Quốc để phục vụ cho dự án Dragonfly của mình.

Với sự ra đi “tức tưởi” này của Bing, thật khó để khẳng định liệu Google có gặp nhiều may mắn khi đưa những sản phẩm dịch vụ của mình tái xuất tại thị thường mà họ cho là “quan trọng” và “đầy tiềm năng” này hay không, đặc biệt là trong bối cảnh giới chức nước này đã đẩy mạnh việc siết chặt quản lý không gian mạng.

Xem thêm:

Thứ Bảy, 02/02/2019 11:52
52 👨 228
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ