Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất hành tinh Amazon đang gấp rút đẩy mạnh quá trình tự động hóa trong các kho hàng khổng lồ trên toàn thế giới. Thay vì sử dụng hàng chục ngàn nhân công như hiện tại, Amazon sẽ chuyển sang dùng robot tự động trong các nhiệm vụ như chuyển hàng hay đóng gói hàng, với năng suất dự kiến sẽ cao hơn gần 5 lần so với con người.
Theo nguồn tin từ Reuters, Amazon trên thực tế đã bắt đầu bổ sung công nghệ tự động hóa vào một số kho hàng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ như quét danh mục hàng hóa và đóng gói chúng trong các loại hộp được chế tạo riêng cho từng mặt hàng tương ứng.
Hiện tại, Amazon đang xem xét đến việc lắp đặt thử nghiệm 2 cụm robot đóng gói hàng tự động tại hàng chục kho chứa khác nhau, trong đó, mỗi cụm robot sẽ có thể thay thế cho 12 nhân công bình thường. Được biết trung bình mỗi nhà kho của Amazon thường sử dụng hơn 2.000 nhân công.
Như vậy, để thay thế hoàn toàn số nhân công đang làm việc trong dây chuyền đóng gói tại 55 nhà kho tiêu chuẩn của mình trên khắp nước Mỹ, Amazon sẽ phải cần đến 1.300 tổ hợp robot tự động hóa. Theo dự kiến, công ty sẽ thu hồi được khoản chi phí đầu tư chỉ trong vòng 2 năm, ở mức 1 triệu USD cho mỗi máy cộng với cả chi phí vận hành.
Kế hoạch cải tổ quy mô lớn này cho thấy Amazon đang nỗ lực thực sự trong việc cắt giảm lao động đến mức tối đa, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành bằng cách tiến dần đến việc tự động hóa toàn bộ các công việc tay chân đang được đảm nhiệm bởi con người ở những nhà kho lớn nhất của mình trên toàn thế giới. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, kế hoạch này vẫn sẽ còn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Vấn đề không nằm ở chi phí đầu tư mà liên quan đến những hạn chế về khả năng của hệ thống robot. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian cùng với vô số thử nghiệm để Amazon có thể hiện thực hóa được kế hoạch đầy tham vọng này.
Amazon luôn là cái tên nổi tiếng với những nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc tự động hóa càng nhiều bộ phận trong dây chuyền kinh doanh càng tốt, từ những công việc phức tạp như định giá hàng hóa cho đến vận chuyển các mặt hàng trong mỗi nhà kho. Tuy nhiên, công ty cũng đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề phức tạp khác liên quan đến trợ cấp cũng như chỉ trích từ cộng đồng khi thay thế hàng chục ngàn việc làm bằng robot, khiến cho nhiều người mất việc.
“Chúng tôi đang thử nghiệm công nghệ mới này với mục tiêu tăng độ an toàn, cắt giảm tối đa thời gian giao hàng, cũng như tăng thêm hiệu quả giao dịch đối với mỗi đơn hàng. Chúng tôi hy vọng những sự tiết kiệm hiệu quả sẽ được tái đầu tư vào các dịch vụ mới cho khách hàng, nơi mà các nhiều vị trí công việc mới sẽ tiếp tục được tạo ra”, người phát ngôn của Amazon cho biết trong một thông cáo báo chí.
Cơ sở nhân lực cực lớn của Amazon đã khiến họ trở thành một trong những công ty lớn nhất Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt là khi nhu cầu mở thêm những kho hàng mới vẫn còn rất cấp thiết và nhiều chính sách tăng lương cũng đã được đưa ra để thu hút nhân công trong một thị trường lao động với sự cạnh tranh cao.
Một chìa khóa cho mục tiêu tinh gọn lực lượng lao động là áp dụng thêm những quy định mang tính chặt chẽ hơn. Thay vì sa thải công nhân trực tiếp, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này có thể áp đặt những quy định khắt khe hơn về năng suất trong công việc. Những người đạt được năng suất như yêu cầu sẽ nhận được thêm khoản thưởng bổ sung, hay thậm chí có thể được đào tạo để đảm nhận nhiều vai trò kỹ thuật hơn.
Các hệ thống robot đóng hàng tự động mà Amazon dự định sẽ sử dụng có tên CartonWrap, được chế tạo và lắp đặt bởi công ty CMC Srl của Ý. Theo tính toán, những hệ thống robot này sẽ cho khả năng đóng gói hàng hóa nhanh hơn rất nhiều so với con người. Cụ thể, chúng có thể đóng gói xong từ 600 đến 700 đơn hàng mỗi giờ, tức là gấp từ 4 đến 5 lần so với tốc độ của một công nhân đóng gói chuyên nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, các hệ thống máy móc này sẽ yêu cầu một nhân viên quản lý để tải đơn đặt hàng của khách hàng, một người khác để cung cấp những tấm bìa các tông, keo dán và một kỹ thuật viên có nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa khi có sự cố.
Mặc dù Amazon đã tuyên bố họ dự định sẽ tăng tốc vận chuyển hàng qua chương trình khách hàng thân thiết Prime, nhưng kế hoạch tự động hóa mới nhất này lại không thực sự tập trung vào tốc độ giao hàng, mà là tính hiệu quả và khả năng tiết kiệm chi phí.
Cùng với sự tham gia của một hệ thống robot khác có tên Smartacac - được sử dụng để gửi vật phẩm và đã được cấp bằng sáng chế - Amazon sẽ có thể tự động hóa phần lớn các vị trí của con người trong dây chuyền đóng gói. 5 đội công nhân tại một cơ sở đóng hàng có thể được tinh giản thành 2, cùng với sự tham gia bổ sung của 2 hệ thống CMC và 1 SmartPac.
Hiện tại, Amazon đang được hưởng lợi khá nhiều từ các ưu đãi trong những thỏa thuận tuyển dụng đối với chính phủ cũng như giới chức địa phương. Ví dụ, đối với 1.500 việc làm mà Amazon tuyển dụng vào năm ngoái tại Alabama, phía tiểu bang đã hứa cắt giảm bớt cho công ty hoảng 48.7 triệu đô la tiền thuế trong vòng 10 năm.
Khó khăn trong khâu đóng gói sản phẩm
Amazon không phải là doanh nghiệp duy nhất có quan tâm đến việc thử nghiệm công nghệ đóng gói tự động của CMC. JD.com Inc, Shutoston Inc hay cũng như Walmart Inc, đều là những doanh nghiệp bán lẻ lớn đang quan tâm đến việc sử dụng các loại máy móc trong một số công đoạn kinh doanh.
Nhiều nguồn tin cho biết Walmart - tập đoàn đứng đầu trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ - đã bắt đầu triển khai các hệ thống tự động hóa từ hơn 3 năm trước ở một số nhà kho lớn.
Sự quan tâm ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp bán lẻ đối với công nghệ đóng gói hàng hóa tự động đã làm sáng tỏ những thách thức lớn nhất mà họ phải ứng phó nếu muốn duy trì phát triển hay xa hơn là chiếm lĩnh thị trường, đó là làm thế nào để tìm ra được những cánh tay robot khéo léo, có thể xử lý được số lượng đa dạng các mặt hàng mà không gây hư hại và đồng thời vẫn phải cho năng suất cao hơn so với con người.
Amazon sử dụng vô số công nhân tại mỗi kho hàng, trong đó nhiều người lại đảm nhiệm các biến thể của cùng một nhiệm vụ. Một số người xử lý hàng tồn kho, trong khi những người khác có nhiệm vụ phân loại đơn đặt hàng, một số người khác đi lấy các đơn hàng tương ứng, và những người còn lại phải đóng gói hàng vào những chiếc hộp có kích thước phù hợp. “Dây chuyền chạy bằng cơm này” đòi hỏi phải có sự đồng bộ hóa cực cao, hạn chế đến mức tối đa sự nhầm lẫn bởi mỗi sai sót trong một công đoạn đều có thế dẫn đến kết quả tương tự cho những công đoạn tiếp theo, trong khi năng suất vẫn phải được đảm bảo.
Do vậy, nhiều công ty liên doanh được hỗ trợ và các nhà nghiên cứu, kỹ sư lập trình nhúng đang chạy đua từng ngày để tìm ra giải pháp tự động hóa tối ưu cho công việc này. Mặc dù những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo trong vài năm trở lại đây đang giúp cải thiện đáng kể độ chính xác của máy móc, nhưng vẫn không có gì đảm bảo những cánh tay robot không mắc sai lầm gây hỏng hóc sản phẩm hoặc sai lệch đơn hàng.
Bên cạnh CMC, Amazon đã từng hợp tác và thử nghiệm các dây chuyền đóng gói tự động của khá nhiều nhà cung cấp công nghệ khác nhau, trong đó Soft Robotics, một công ty khởi nghiệp ở Boston đã lấy cảm hứng từ xúc tu bạch tuộc để thiết kế những cánh tay robot linh hoạt hơn, được phía Amazon đánh giá khá cao. Soft Robotics từ chối bình luận về thỏa thuận hợp tác của họ với Amazon, nhưng cho biết công ty đã từng tạo ra những dây chuyền xử lý các loại sản phẩm đa dạng và luôn thay đổi không ngừng cho nhiều nhà bán lẻ lớn.
Cho rằng các hệ thống robot vẫn chưa thực sự đủ khéo léo để đảm nhiệm những nhiệm vụ phức tạp nhất trong dây chuyền đóng gói hàng hóa, kế hoạch của Amazon mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các quy trình tự động ít phức tạp hơn. Cụ thể, Amazon sẽ vẫn cần đến các công nhân để phân loại và đặt vật phẩm lên băng chuyền, còn sau đó máy móc sẽ có nhiệm vụ đóng hộp cũng như dán niêm phong và gắn nhãn cụ thể. Điều này giúp tiết kiệm chi phí không chỉ bằng cách cắt giảm lao động mà còn từ sự giảm thiểu lãng phí trong khâu sử dụng vật liệu đóng gói.
Tuy nhiên các hệ thống máy móc này không phải là không có sai sót. CMC có thể sản xuất rất nhiều hệ thống robot như vậy mỗi năm, nhưng họ cũng phải cần đến một kỹ thuật viên ngay tại hiện trường có thể khắc phục các sự cố phát sinh - yêu cầu mà Amazon muốn nhưng CMC vẫn chưa thể đáp ứng được. Chất keo siêu nóng được sử dụng để đóng hộp sản phẩm có thể gây hư hại cho máy.
Nhìn chung, các hệ thống robot dạng này vẫn được chứng minh là mang lại hiệu quả tuyệt vời cho Amazon. Công ty đã lắp đặt chúng trong các nhà kho bận rộn ở Seattle, Frankfurt, Milan, Amsterdam, Manchester và nhiều khu vực khác.
Động thái của Amazon chính là bằng chứng rõ nét cho thấy kỷ nguyên của tự động hóa đang cận kề, và con người sẽ phải cạnh tranh với máy móc trong một cuộc đấu không cân sức.