Theo Bloomberg, Huawei và đối tác SMIC đã sử dụng công nghệ từ hai nhà cung cấp Mỹ là Applied Materials và Lam Research để sản xuất chip 7nm Kirin 9000s - chip 5G cho smartphone. Hai công ty này đều có trụ sở ở California.
Một số nguồn tin khác cho biết thêm, trong việc sản xuất sản phẩm bán dẫn tiên tiến Trung Quốc chưa thể thay thế hoàn toàn linh kiện và thiết bị nước ngoài.
Trung Quốc coi việc tự chủ công nghệ, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, là ưu tiên quốc gia nên rất ủng hộ việc Huawei và SMIC tự sản xuất chip.
Đại diện SMIC, Huawei, Lam Research chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này. Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là Applied Materials, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ thì từ chối bình luận.
Applied Materials là công ty chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất chip bán dẫn, màn hình phẳng cho thiết bị di động và các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời. Công ty được thành lập năm 1967. Còn Lam Research là nhà cung cấp thiết bị chế tạo wafer và các dịch vụ liên quan đến bán dẫn, thành lập năm 1980.
Cả Lam Research và Applied Materials nắm nhiều công nghệ và sản phẩm phục vụ lĩnh vực này nên được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong mảng bán dẫn của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành điều tra hình sự với Applied Materials vì "lách luật" để bán công cụ sản xuất chip cho SMIC mà không xin giấy phép.
Tháng 8 năm ngoái, Huawei và SMIC được cho là đã tự sản xuất Kirin 9000s - chip 5G trên tiến trình 7 nm - để trang bị cho dòng Mate 60 gây chấn động giới công nghệ trên thế giới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Fortune, máy móc được SMIC sử dụng để tạo chip cho Huawei vẫn có nguồn gốc nước ngoài, như thiết bị của Lam Research và Application Materials hay máy quang khắc DUV của ASML (Hà Lan). SMIC được cho đã tìm cách dùng DUV để tạo chip 7 nm với chi phí đắt đỏ và sản lượng kém hơn do không thể tiếp cận cỗ máy quang khắc cực tím EUV tiên tiến.
Sau khi Huawei ra dòng Mate 60 năm ngoái, Mỹ đã mở cuộc điều tra và thúc ép các đồng minh Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường các hạn chế để ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn.