Tại sao mạng xã hội vẫn tràn ngập quảng cáo lừa đảo? Cách phát hiện ra sao?

Các nền tảng mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những quảng cáo lừa đảo, khai thác lượng người dùng khổng lồ bằng các dịch vụ và công cụ tiếp thị hợp pháp. Bất chấp những nỗ lực hạn chế các hoạt động gian lận, quảng cáo lừa đảo vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Sau đây là lý do tại sao điều đó xảy ra và cách phát hiện chúng.

Tại sao quảng cáo lừa đảo lại phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội?

Các nền tảng mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho những quảng cáo lừa đảo vì chúng tạo ra một môi trường lý tưởng cho kẻ lừa đảo. Với hàng tỷ người dùng chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến, những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào các nhóm nhân khẩu học cụ thể bằng các công cụ quảng cáo tinh vi. Các nền tảng mạng xã hội cũng cho phép bất kỳ ai tạo tài khoản và bắt đầu quảng cáo với xác minh tối thiểu, giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng tạo và phân phối quảng cáo giả mạo một cách nhanh chóng.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, các vụ lừa đảo trên mạng xã hội đã gây ra thiệt hại hơn 2,7 tỷ USB chỉ riêng trong năm 2023. Các âm mưu gian lận này khai thác những công cụ tiếp thị hợp pháp do các nền tảng mạng xã hội cung cấp, tận dụng các thuật toán của chúng để khuếch đại phạm vi tiếp cận của những quảng cáo lừa đảo đến số lượng lớn người dùng. Cuối cùng, nó trở thành một trò chơi số - càng nhiều người tiếp xúc với những quảng cáo lừa đảo này, thì số người trở thành nạn nhân và mất tiền càng cao.

Quảng cáo lừa đảo vượt qua đánh giá như thế nào?

Mặc dù có những chính sách để ngăn chặn quảng cáo gian lận, nhưng các nền tảng mạng xã hội thường gặp khó khăn trong việc thực thi chúng một cách hiệu quả. Quảng cáo lừa đảo có thể bỏ qua đánh giá thông qua sự kết hợp của các chiến thuật bao gồm:

  • Khai thác lỗ hổng: Một số kẻ lừa đảo khai thác các công cụ tạo quảng cáo của chính nền tảng, sử dụng chúng để bắt chước những doanh nghiệp hoặc sản phẩm hợp pháp. Bằng cách tạo ra các quảng cáo trông chuyên nghiệp và đáng tin cậy, chúng có thể đánh lừa cả hệ thống đánh giá của nền tảng và các nạn nhân tiềm năng.
  • Quá nhiều quảng cáo để kiểm duyệt: Các nền tảng mạng xã hội host hàng triệu quảng cáo mỗi ngày. Khối lượng lớn khiến những người kiểm duyệt và hệ thống tự động gặp khó khăn trong việc phát hiện ra mọi vụ lừa đảo. Ngay cả với các thuật toán phức tạp, một số quảng cáo lừa đảo vẫn lọt qua do số lượng lớn các lượt gửi.
  • Các lớp giữa người đặt quảng cáo và những công ty mạng xã hội: Nhiều quảng cáo trên mạng xã hội được đặt thông qua trung gian như các công ty quảng cáo hoặc nền tảng của bên thứ ba. Các lớp này tạo ra khoảng cách giữa nhà quảng cáo thực tế và công ty mạng xã hội, khiến việc truy tìm nguồn gốc của quảng cáo lừa đảo trở nên khó khăn hơn.
  • Quảng cáo lừa đảo được tạo ra để trông hợp pháp: Quảng cáo lừa đảo thường bắt chước các thương hiệu nổi tiếng bằng cách sử dụng logo, phối màu, phông chữ, v.v... quen thuộc. Người kiểm duyệt có thể gặp khó khăn khi đánh giá quảng cáo nếu họ không hiểu đầy đủ bối cảnh hoặc sắc thái văn hóa đằng sau quảng cáo. Ví dụ, một quảng cáo có vẻ bình thường đối với người không quen thuộc với một sản phẩm cụ thể, nhưng đối với người dùng thông minh, đó có thể là một trò lừa đảo rõ ràng.
  • Deepfake AI làm phức tạp quá trình kiểm duyệt: Sự gia tăng của nội dung do AI tạo ra, bao gồm cả deepfake, đã tạo thêm một lớp phức tạp nữa. Những kẻ lừa đảo sử dụng AI để tạo ra video, hình ảnh và thậm chí là giọng nói chân thực nhưng giả mạo có thể đánh lừa cả người dùng và hệ thống kiểm duyệt. Những công cụ này giúp kẻ lừa đảo dễ dàng tạo ra các quảng cáo chất lượng cao, thuyết phục, khó phân biệt với nội dung chính hãng.
  • Thích ứng liên tục: Kẻ lừa đảo thường xuyên thay đổi nội dung quảng cáo của mình, khiến hệ thống tự động khó phát hiện ra các mẫu. Chúng có thể sử dụng hình ảnh hoặc văn bản đã thay đổi một chút để tránh các bộ lọc được thiết kế để phát hiện những vụ lừa đảo đã biết.
  • Nhắm mục tiêu cục bộ: Kẻ lừa đảo có thể nhắm mục tiêu vào các khu vực cụ thể hoặc các nhóm nhỏ hơn, nơi chính sách đánh giá quảng cáo có thể ít nghiêm ngặt hơn, làm tăng khả năng chúng lọt qua mà không bị phát hiện.

Cách phát hiện lừa đảo trên mạng xã hội

Nhận biết quảng cáo lừa đảo là rất quan trọng để bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. Những nỗ lực kiểm duyệt quảng cáo thường thất bại vì có quá nhiều quảng cáo cần kiểm duyệt. Thật may là bạn không gặp phải vấn đề này. Kiểm tra xem quảng cáo có hợp pháp hay lừa đảo chỉ mất vài giây. Sau đây là cách bạn có thể xác minh.

1. Giá đáng ngờ

Khi xem quảng cáo, hãy kiểm tra xem giá có đúng không. Một dấu hiệu cảnh báo phổ biến là các ưu đãi quá tốt để có thể là sự thật—quảng cáo hứa hẹn giảm giá lớn hoặc sản phẩm miễn phí thường là lừa đảo. Nếu một thứ gì đó có vẻ hào phóng một cách khó tin, thì rất có thể đó là một cú lừa. Nếu không biết phạm vi giá thông thường của một sản phẩm, bạn luôn có thể xác minh với cửa hàng trực tuyến yêu thích của mình.

2. Người đăng chưa được xác minh

Một dấu hiệu dễ nhận biết khác là các quảng cáo lừa đảo thường được đăng bởi những tài khoản hoặc trang chưa được xác minh. Hầu hết các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều cung cấp một số hình thức huy hiệu xác minh. Thường ở dạng dấu tích màu xanh bên cạnh tên người đăng. Nếu một thương hiệu đặc biệt phổ biến, bạn sẽ thấy huy hiệu xác minh.

3. Xác nhận giả mạo

Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng xác nhận giả mạo, tuyên bố sai sự thật rằng họ được những người nổi tiếng hoặc các tổ chức có uy tín hỗ trợ. Luôn xác minh những tuyên bố như vậy thông qua các kênh chính thức. Ngoài ra, các URL đáng ngờ là một dấu hiệu dễ nhận biết. Những kẻ lừa đảo thường tạo ra các URL bắt chước na ná những trang web hợp pháp nhưng bao gồm lỗi chính tả hoặc ký tự thừa.

4. Ngữ pháp kém

Ngữ pháp và chính tả kém trong quảng cáo cũng là những dấu hiệu cảnh báo đáng lưu tâm, vì nhiều vụ lừa đảo được dựng lên một cách vội vàng. Quảng cáo hợp pháp thường được tạo và đăng bởi các chuyên gia và đã trải qua quá trình kiểm tra ngữ pháp và chính tả.

5. Đánh giá tiêu cực

Cuối cùng, hãy kiểm tra các bình luận và đánh giá. Nếu bạn thấy khiếu nại hoặc cảnh báo từ những người dùng khác, thì đó thường là dấu hiệu rõ ràng của một vụ lừa đảo. Bạn cũng có thể thấy các đánh giá giả mạo. Nếu quảng cáo đã chứa đầy dấu hiệu cảnh báo và những bình luận quá tích cực, thì có khả năng bạn đang xem một quảng cáo lừa đảo.

Thứ Hai, 09/09/2024 10:54
4,76 👨 108
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ