Hôm vừa rồi, các nhà khoa học tại NASA vừa có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi khôi phục thành công liên lạc với vệ tinh CAPSTONE của họ. Vệ tinh này đột ngột bị mất liên lạc vào hôm thứ Hai (04/7).
Một điều may mắn khác với các nhà khoa học NASA là CAPSTONE "trông rất khỏe và hạnh phúc".
Những nỗ lực không biết mệt của NASA giúp họ tìm ra nguyên nhân khiến vệ tinh bị mất kết nối. Cụ thể, một lệnh không hợp lệ và một lỗi phần mềm đã gây ra vấn đề.
Theo tuyên bố mới nhất của NASA, vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành vệ tinh CAPSTONE. Thường thì NASA sẽ phải thiết lập liên lạc với vệ tinh và kiểm tra hệ thống của nó cùng một số quy trình khác.
Trong khi cố gắng truy cập dữ liệu chẩn đoán để điều tra sự cố với dữ liệu đa dạng của CAPSTONE, một "lệnh được định dạng không đúng đã được gửi đến vệ tinh. Điều này khiến cho radio của vệ tinh không thể hoạt động.
Tiếp theo, một lỗi trong phần mềm điều khiển bay của vệ tinh khiến hệ thống phát hiện lỗi tích hợp không thể khắc phục vấn đề gây ra bởi lệnh định dạng sai. Do vậy, radio không thể khởi động lại được.
Nhưng rồi cuối cùng sau nhiều nỗ lực, phần mềm điều khiển bay tự động của CAPSTONE đã tự sửa chữa mọi thứ và khôi phục liên lạc với Trái đất. Sau đó, đội kỹ sư của NASA đã tiếp quản lại quyền kiểm soát.
Không chỉ dừng lại ở đó, con tàu vũ trụ nhỏ bé của NASA còn luôn cố gắng giữ ăng-ten của nó hướng về Trái đất trong suốt thời gian gặp sự cố. Đồng thời, nó vẫn đảm bảo rằng mọi thứ được sạc đầy pin bằng cách giữ tấm năng lượng mặt trời ở đúng hướng.
CAPSTONE là vệ tinh bám theo Mặt trăng đại diện cho một bước tiến lớn trong chương trình Artemis của NASA. Đây là chương trình đầy tham vọng với mục đích cuối cùng là đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng.
Nếu không có bất kỳ trục trặc nào khác, CAPSTONE sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên thực hiện chuyến bay theo quỹ đạo hình elip đặc biệt xung quanh Mặt trăng, đặt nền móng cho trạm vũ trụ Gateway của NASA trên Mặt trăng.