Tính tới thời điểm này đã có khoảng hơn 300 công ty tham gia tẩy chay Facebook, không đặt quảng cáo trên Facebook nếu mạng xã hội này không có hành động chống lại các nội dung kích động bạo lực. Có thể kể sơ sơ một vài tập đoàn nổi tiếng đã nói “không” với Facebook như Starbucks, Unilever, North Face, Levi Strauss và mới đây là Microsoft…
Cựu giám đốc điều hành lâu năm của Unilever, ông Paul Polman cho biết Mark Zuckerberg cần phải thay đổi trước làn sóng tẩy chay đang ngày càng lan rộng của các thương hiệu lớn nhỏ, nếu không muốn rơi vào hoàn cảnh “ tuyệt chủng như loài khủng long".
Ông Polman cho biết nhiều khách hàng ở các công ty cũng muốn dừng quảng cáo trên Facebook, tạo áp lực cho các công ty để buộc phải thay đổi. Trách nhiệm của Facebook nói riêng và nhiều công ty khác nói chung đó là đưa ra các sản phẩm giúp thế giới, xã hội trở nên tốt hơn, áp dụng các mô hình kinh doanh tác động tích cực lên xã hội. Nếu không phản ứng quyết liệt với những nội dung thù địch, sai sự thật trên các mạng xã hội, thì chính các công ty sẽ phải trả giá cho điều này. Sự phản ứng của Facebook trước làn sóng tẩy chay này đã được ông Polman nhận xét rằng "Mark Zuckerberg phản ứng chậm chạp và kiêu ngạo trong việc xử lý sự cố lần này".
Người sáng lập ra Facebook tuyên bố sẽ không thay đổi bất cứ chính sách hay cách tiếp cận với bất kỳ điều gì chỉ vì mối đe dọa tới vài phần trăm nhỏ doanh thu của công ty. Và Mark Zuckerberg tự tin rằng các nhà quảng cáo sẽ sớm quay trở lại với Facebook.
Để có được nhận định như vậy, CEO Facebook đã tổng kết tỷ lệ lớn doanh thu quảng cáo trên Facebook đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mục đích thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu chứ không phải từ các công ty lớn. Năm 2019, Facebook có tới 8 triệu nhà quảng cáo đạt 69,7 tỷ USD. 100 thương hiệu chi nhiều tiền nhất chiếm tới 4,2 tỷ USD giá trị hoạt động quảng cáo, tương đương 6% tổng doanh thu quảng cáo của Facebook. Vì vậy, Facebook sẽ hạn chế được những rủi ro tài chính.
Xem thêm: