Mới đây, một loạt tập đoàn, công ty lớn trên toàn thế giới đã tuyên bố tẩy chay Facebook. Lý do là Facebook đã không hành động chống lại các nội dung kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc trên các nền tảng của mình.
Các công ty như Viber, The North Face đã quyết định ngừng mọi quảng cáo trên các nền tảng Facebook cho tới hết tháng 7. Thậm chí, tập đoàn Unilever còn quyết định không quảng cáo trên Facebook từ nay tới hết năm 2020.
Điều này đã ngay lập tức gây tác động xấu vào giá cổ phiếu của Facebook trên thị trường. Đóng phiên giao dịch thứ 6 tuần trước, cổ phiếu Facebook giảm giá 8%. Không chỉ ảnh hưởng tới tổng giá trị của Facebook, cổ phiếu giảm cũng thổi bay 7 tỷ USD tài sản ròng của sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg.
Thiệt hại quá lớn khiến Facebook ngay lập tức phải đưa ra những giải pháp khắc phục. Cuối tuần trước, giám đốc phụ trách quảng cáo của Facebook đã phải gửi một bản ghi nhớ cho các nhà quảng cáo vừa hứa rằng sẽ kiểm tra lại các công cụ kiểm soát nội dung, an toàn. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ dán nhãn vào các bài đăng có nội dung chính trị vi phạm quy tắc cộng đồng nhưng vẫn đủ tin cậy để giữ lại trên Facebook.
Phong trào tẩy chay Facebook cho thấy các thương hiệu lớn đã phải có những hành động ủng hộ chính nghĩa, trước sức ép từ chính nhân viên và các khách hàng của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng đây vốn chỉ là cuộc chiến hình ảnh giữa Facebook và các nhà quảng cáo. Và cuộc chiến này Facebook đã nắm chắc phần thua.
Theo các nhà phân tích Tanya Dua, Lauren Johnson và Lucia Moses, Facebook không thiệt hại nhiều về tiền bạc mà chủ yếu mất đi danh tiếng. Lý do là vì đa số các công ty tuyên bố tẩy chay Facebook trong thời gian vừa qua không hề chi nhiều tiền cho các chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng Facebook. Hơn nữa, bằng việc đưa ra những tuyên bố không rõ ràng, các công ty này vừa nhận được thiện chí từ người tiêu dùng lại vừa có thể quay trở lại quảng cáo trên Facebook ngay sau tháng 7.
Theo Devin Whitaker, giám đốc marketing tại Good Moose, hầu hết doanh thu quảng cáo của Facebook tới từ các công ty nhỏ. Doanh thu hàng tháng của các công ty này sẽ giảm tới 80% nếu ngừng quảng cáo trên các nền tảng của Facebook. Chính vì thế, họ sẽ không bao giờ tham gia tẩy chay Facebook.
Trong khi đó, các hãng lớn như Coca-Cola lại nhận được rất nhiều tình cảm từ người tiêu dùng khi tuyên bố tẩy chay Facebook trong khi thiệt hại với họ là không đáng kể.
Tình trạng kiểm duyệt nội dung yếu kém hoặc cố tình để lọt nội dung kích động bạo lực khiến Facebook đang rơi vào vị trí bất lợi hiện tại. Rõ ràng mạng xã hội lớn nhất thế giới không còn cách nào khác ngoài việc phải cải thiện bộ máy kiểm soát nội dung để lấy lại lòng tin từ người dùng và các đối tác.