Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk đã có mặt tại Nam Cực

Sau cuộc chạy đua với OneWeb để phủ sóng Bắc Cực và các khu vực khác ở cực bắc bằng internet vệ tinh, SpaceX đã tiến sang một hướng khác: Quỹ khoa học Quốc gia (hay còn gọi là NSF) đang thử nghiệm một trong những thiết bị đầu cuối Starlink của SpaceX tại Trạm McMurdo ở Nam Cực. NSF cho biết băng thông internet tăng thêm sẽ giúp ích cho các nhà khoa học làm việc tại lục địa xa xôi, băng giá này.

Theo NSF, McMurdo là trạm đông dân cư nhất ở Nam Cực với hơn 1.000 người sống và làm việc tại đó trong suốt mùa hè. Nơi đây có internet vệ tinh nhưng tất nhiên là không được thoải mái cho lắm. Mọi người ở căn cứ chia sẻ với nhau kết nối mạng 17 Mbps nên những gì họ có thể làm là rất hạn chế.

Tất cả những hoạt động ngốn nhiều băng thông như xem Netfilix, sao lưu đám mây và gọi video đều bị chặn. Họ chỉ được phép gọi Skype hoặc FaceTime mỗi tuần một lần ở các kiosk công cộng hoặc thực hiện các liên lạc quan trọng.

Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk đã có mặt tại Nam Cực
Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk đã có mặt tại Nam Cực

Việc bổ sung Starlink không có nghĩa là cư dân McMurdo có thể xem Netflix hàng đêm. Tuy nhiên, thiết bị với khả năng xử lý băng thông từ 50 - 200 Mbps, không cao lắm, nhưng vẫn hứa hẹn mang lại nhiều giá trị. Nó có thể giúp các nhà khoa học chuyển những dữ liệu quan trọng ra khỏi lục địa băng giá một cách dễ dàng hơn. Hiện tại mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên NSF chưa thông kê được mức độ hiệu quả của internet vệ tinh Starlink tại Nam Cực.

Chia sẻ thêm về dự án, SpaceX cho biết Starlink hiện đã có mặt tại tất cả 7 lục địa và có thể hoạt động tại những vùng hẻo lánh như Nam Cực nhờ mạng lưới laser không gian.

Dẫu vậy, nhìn vào bản đồ tính khả dụng của Starlink chúng ta có thể thấy dịch vụ này hầu như chưa thực sự khả dụng ở Châu Phi hoặc Châu Á. Công ty của Elon Musk đang có kế hoạch triển khai dịch vụ tại ít nhất 2 quốc gia trên mỗi lục địa vào cuối năm nay, các quốc gia được chọn là Nigeria, Mozambique (Châu Phi), Nhật Bản và Philippinies (Châu Á). Ngay bây giờ, các vệ tinh của Starlink có thể cung cấp dịch vụ ở Châu Á và Châu Phi nhưng cái khó là bạn chưa thể mua thiết bị thu phát sóng.

Bản đồ tính khả dụng của internet vệ tinh Starlink
Bản đồ tính khả dụng của internet vệ tinh Starlink

Dịch vụ phủ sóng internet vệ tinh trên biển của SpaceX cũng đang gặp vấn đề tương tự. Hiện tại, Starlink chỉ phủ sóng ở các vùng nước ven biển của một số quốc gia nhất định. Điều này hạn chế việc sử dụng Starlink của một số khách hàng như công ty du thuyền Royal Caribbean. Tuy nhiên, SpaceX đang có kế hoạch mở rộng phạm vi phủ sóng ra hầu hết các đại dương trên thế giới vào đầu năm tới.

Để hiện thực hóa việc phủ sóng, SpaceX sẽ phải dùng tới công nghệ laser không gian đã được nhắc tới ở trên. Trước đây, nếu muốn dùng Starlink thì bạn phải ở gần một trạm mặt đất của SpaceX vì vệ tinh phải kết nối với trạm mặt đất và thiết bị thu phát sóng của bạn cùng lúc.

Giờ đây, công việc của các vệ tinh vẫn là kết nối thiết bị thu phát Starlink với các trạm mặt đất nhưng SpaceX đã khiến hệ thống trở nên linh hoạt hơn bằng cách cho phép các vệ tinh giao tiếp với nhau.

Về cơ bản, nếu vệ tinh kết nối với thiết bị của bạn nhưng không thể kết nối với trạm mặt đất nó sẽ dùng laser để kết nối với vệ tinh khác có thể kết nối với trạm mặt đất. Như vậy, hệ thống của Starlink vẫn đảm bảo rằng bạn có kết nối cho dù bạn không ở gần một trạm mặt đất.

Ngoài ra, để phủ sóng được trên toàn cầu, SpaceX sẽ phải vượt qua rào cản về mặt pháp lý. Công ty này sẽ phải làm việc với các cơ quan chức năng của từng quốc gia để xin phép phủ sóng internet Starlink tại quốc gia đó.

Dẫu vậy, nếu thử nghiệm ở Nam Cực diễn ra tốt đẹp, nó có thể giúp SpaceX chứng minh rằng họ có công nghệ để có thể phủ sóng internet ở ngay cả những khu vực xa xôi nhất.

Thứ Sáu, 16/09/2022 11:26
51 👨 262
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ