Công nghệ chùm vệ tinh với ưu điểm giải quyết được nhiều bài toán về khả năng phủ sóng hiện tại đang được coi là xu hướng viễn thông mới của thế giới.
Vệ tinh trong quỹ đạo có nhiệm vụ là thu tín hiệu dưới dạng sóng vô tuyến từ trạm mặt đất, sau đó khuếch đại và phát trở về cho một hoặc nhiều trạm khác.
Vệ tinh được chia ra nhiều loại khác nhau, như vệ tinh địa tĩnh (GEO), tầm cao (HEO), quỹ đạo tầm trung (MEO), quỹ đạo thấp (LEO)... Các vệ tinh được ứng dụng trong các dịch vụ gồm định vị GPS, quan sát không gian, quân sự, thời tiết, truyền hình và Internet.
Internet vệ tinh là gì?
CEO Elon Musk có tham vọng xây dựng mạng lưới Internet không dây tốc độ cao toàn cầu bằng gần 12.000 vệ tinh ngoài vũ trụ. Và hiện SpaceX, tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian của Elon Musk đang thực hiện dự án này với tên gọi là Starlink.
Hiện tại, Space đã phóng tổng số 1.385 vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo thấp của Trái đất (viết tắt là LEO - Low Earth Orbit), nằm cách mặt đất 550km.
Các vệ tinh này sẽ truyền tín hiệu Internet thẳng xuống các thiết bị thu nhận trên mặt đất. Sau đó, các thiết bị này sẽ phát tín hiệu thông qua hệ thống cục bộ hoặc trực tiếp qua dây nối với router Starlink của người dùng.
Starlink cho phép người dùng ở một khu vực hẻo lánh kết nối internet thông qua vệ tinh.
Internet vệ tinh hoạt động ra sao?
3 bước tóm gọn cách thức hoạt động của internet vệ tinh.
1. Bạn vào trang Quantrimang.com để xem tin tức công nghệ mới nhất. Yêu cầu dữ liệu của bạn sẽ được chuyển từ máy tính đến một chảo Internet vệ tinh được đặt trong khu vực của nhà bạn.
2. Chảo internet vệ tinh sẽ phát đi yêu cầu dữ liệu của bạn đến một vệ tinh đang quay quanh Trái đất. Sau đó, vệ tinh sẽ gửi yêu cầu vừa nhận được đến ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet).
3. Dữ liệu sẽ được truyền từ nhà cung cấp đến vệ tinh, từ vệ tinh đến chảo internet vệ tinh, đến router của bạn, và đi vào máy tính. Vậy là bạn đã vào được Quantrimang.com để xem tin tức công nghệ cũng như các thủ thuật trên máy tính, điện thoại.
Ưu và nhược điểm của Internet vệ tinh
Ưu điểm
- Vệ tinh quỹ đạo thấp có chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp.
- Internet vệ tinh được cung cấp sẽ cho tốc độ cao, độ trễ thấp và băng thông lớn hơn.
- Có thể phủ sóng tới các khu vực xa xôi, địa hình hiểm trở.
Nhược điểm
- Vệ tinh quỹ đạo thấp có vòng đời ngắn, chỉ từ 5 đến 7 năm.
- Chi phí bộ thu phát của người dùng đắt.
- Giá cước dịch vụ Internet vệ tinh khá cao. Dịch vụ Starlink của Elon Musk có giá 99USD/tháng, đắt hơn khoảng gần 10 lần so với dịch vụ Internet băng rộng cố định ở Việt Nam.
Internet vệ tinh của Elon Musk hiện đã cho phép người dùng tại Việt Nam có thể đặt cọc dịch vụ ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là thông báo từ phía Starlink mà thôi, trên thực tế dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk chưa được cấp phép tại Việt Nam.