Những yêu cầu về cấu hình phần cứng tối thiểu và TPM 2.0 khiến rất nhiều máy tính không thể cài đặt được Windows 11. Điều này có thể khiến Windows một lần nữa bị phân mảnh giống như thời điểm Windows XP và Windows 7 cùng thống trị thị trường.
Về cơ bản, các yêu cầu của Windows 11 khiến máy tính bán ra trước năm 2017 không thể cài được. Với người tiêu dùng bình thường, một chiếc máy tính 4 năm tuổi có phần hơi cũ. Tuy nhiên, với doanh nghiệp thì thời gian đó bình thường vẫn còn sử dụng ổn.
Theo khảo sát của hãng quản lý IT có tên Lansweeper, chỉ 44% máy trạm đáp ứng yêu cầu về CPU của Windows 11 và chỉ 52,55% có chip TPM 2.0. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nhgiepej sẽ phải đầu tư một số tiền lớn để nâng cấp máy tính của họ lên Windows 11.
Hơn nữa, Windows 11 có giao diện mới so với Windows 10 nên cũng có những lo ngại về chi phí đào tạo nhân viên sử dụng hệ điều hành mới. Tất cả những điều đó có thể khiến doanh nghiệp ngại hoặc chậm trễ trong việc cập nhật Windows 11.
Tin vui là Microsoft vẫn tiếp tục hỗ trợ Windows 10 cho tới năm 2025. Khoảng thời gian từ nay cho tới thời điểm đó doanh nghiệp có thể tiến hành nâng cấp dần hệ thống của mình. Tuy nhiên cần lưu ý rằng từ khi Windows 11 chính thức được tung ra đến năm 2025 Windows 10 sẽ chỉ nhận được cập nhật bảo mật chứ không nhận được tính năng mới.
Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng Microsoft sẽ thay đổi chính sách để có thể hỗ trợ Windows 11 tốt hơn cho khách hàng doanh nghiệp.