Một ngôi trường ở Thượng Hải, Trung Quốc đang thí điểm cho học sinh lớp 5 đeo một chiếc vòng đo mức độ tập trung ở trên đầu. Chiếc vòng này giúp giáo viên có thể biết được học sinh nào đang sao nhãng, không tập trung vào bài học.
Toàn bộ thông tin thu được sẽ được gửi về màn hình máy tính của giáo viên hoặc cha mẹ. Từ đó, họ có thể biết được thái độ học tập của con em mình ra sao. Đây là một phần trong kế hoạch ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ giáo dục của Trung Quốc nhằm tạo ra những thế hệ mới với khả năng cao hơn.
Chiếc vòng đo mức độ tập trung này hoạt động bằng cách kết hợp giữa phần cứng có điện cực (gồm 3 cái: 1 cái ở trước trán và 2 cái sau 2 bên tai) theo dõi sóng não với thuật toán, bigdata và trí thông minh nhân tạo.
Trước khi vào học, học sinh sẽ đeo vòng và được hướng dẫn nhắm mắt thiền một chút. Chiếc vòng sẽ liên tục nhận diện sóng não và gửi về máy chủ trong suốt quá trình học.
Sau mỗi buổi học, mức độ tập trung của học sinh sẽ được chấm điểm và gửi tới ứng dụng trên điện thoại phụ huynh. Từ đó, phụ huynh sẽ biết được con mình hôm nay đi học thế nào, có tập trung học hay không.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thần kinh học cho rằng, những thiết bị EEG như vậy có cách vận hành khá phức tạp, chỉ một số cử động nhỏ cũng có thể làm sai lệch kết quả nên thường được các bác sĩ dùng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Do đó, hiện chưa thể xác định mức độ chính xác của thiết bị đo mức độ tập trung được đeo trên đầu học sinh là như thế nào?
Ngoài chiếc vòng trên, Trung Quốc còn sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ cao khác trong trường học như robot theo dõi sức khoẻ và mức độ năng động của trẻ, đồng phục có gắn chip để điểm danh và theo dõi vị trí…