Giống như các nền tảng khác, YouTube có nhiều cách để thống kê, học hỏi xem người dùng thích gì và không thích gì. Một trong những cách đó chính là nút dislike (không thích.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng nhấn nút dislike dường như chẳng có tác dụng gì trong việc ngăn chặn YouTube gợi ý cho bạn các video bạn không thích.
Một nghiên cứu gần đây của Mozilla đã sử dụng tiện ích mở rộng trên web mã nguồn mở có tên RegretsReporter để thu thập thông tin chi tiết về các đề xuất trên YouTube từ hàng nghìn người dùng.
Dữ liệu thu thập được cho thấy nút dislike chỉ giúp chặn 12% đề xuất video không mong muốn. Nhóm nghiên cứu đã xác định một đề xuất không hợp lệ hoặc không mong muốn là một video tương tự video mà họ vừa từ chối trước đó.
Hệ thống lọc nội dung của YouTube không hiệu quả?
Nghiên cứu của Mozilla cũng chỉ ra rằng ngay cả khi chọn "not interested (không quan tâm)" thì cũng chỉ giúp chặn 11% đề xuất không phù hợp trong khi chọn "remove from watch history (xóa khỏi lịch sử xem)" giúp chặn 29%. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất để chặn các đề xuất không phù hợp là "don't recommend channel (đừng khuyến nghị kênh)", cũng chỉ chặn được có 43% đề xuất không mong muốn.
Nói cách khác, không có biện pháp kiểm soát nào của YouTube đạt mức hiệu quả 50% trong việc chặn các đề xuất không mong muốn. Trên thực tế, một số người dùng đã phải thực hiện các biện pháp không chính thống như chuyển sang chế độ ẩn danh, sử dụng VPN, tải xuống các tiện ích kiểm soát quyền riêng tư... Một số người khác thậm chí tạo hẳn tài khoản YouTube mới để tránh những đề xuất không phù hợp.
Đây là một sự thật đáng thất vọng với YouTube và nó cho thấy công ty này sẵn sàng bỏ qua phản hồi của người dùng để tập trung vào việc tăng chỉ số xem video. Sau cùng, người dùng có cảm giác như bị lừa khi họ không hề biết rằng nhấp vào nút dislike thực ra chẳng có tác dụng gì.
Mozilla kêu gọi nền tảng do Google sở hữu quan tâm nhiều hơn tới phản hồi của người dùng và điều chỉnh để hệ thống kiểm soát hiện tại có hiệu quả hơn.