So sánh Harmony OS và Android, chúng có gì giống và khác nhau?

Mới đây trong khuôn khổ Huawei Development Conference 2019, ông Richard Yu (Yu Chengdong), CEO của Huawei Consumer Business Group, đã chính thức giới thiệu hệ điều hành đang được hãng phát triển với tên gọi chính thức là Harmony OS.

Phía đại diện Huawei cho biết Harmony OS được xây dựng trên kiến trúc vi nhân (microkernel), cho phép hệ điều hành này hoạt động trên nhiều thiết bị phần cứng khác nhau và chia sẻ dữ liệu thông qua một kiến trúc phân tán để cải thiện hiệu quả. Như vậy, Harmony OS sẽ hoạt động trên gần như tất cả thiết bị thông minh trong hệ sinh thái của hãng bao gồm smartphone, TV, tablet, smartwatch, xe thông minh…

Harmony OS sẽ hoạt động trên gần như tất cả thiết bị thông minh trong hệ sinh thái của HuaweiHarmony OS sẽ hoạt động trên gần như tất cả thiết bị thông minh trong hệ sinh thái của Huawei

Những đặc điểm trên khiến không ít người liên tưởng ngay đến một hệ điều hành khác đang được sử dụng phổ biến nhất thế giới: Android. Thậm chí Huawei còn tuyên bố hệ điều hành mới của họ sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và có thể khiến Android “điêu đứng”. Có nhiều suy đoán đang được đưa ra về việc liệu Harmony có phải là sự thay thế của Android trên điện thoại thông minh cũng như các sản phẩm số của Huawei và Honor hay không. Vậy Harmony OS thực sự hệ điều hành như thế nào và có gì khác biệt so với Android? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Harmony OS không được phát triển dựa trên nhân Linux như Android

Một trong những điểm khác biệt cơ bản và rõ ràng nhất giữa Harmony và Android đó là hệ điều hành của Huawei không bao gồm nhân (kernel) Linux trong nền tảng cốt lõi. Thay vì dựa trên kernel Linux như Android, Huawei đã chọn hướng đi khó khăn nhưng (có thể) bền vững hơn, đó phát triển một kernel hoàn toàn mới cho hệ điều hành tương lai của mình.

Trong buổi ra mắt Harmony OS, ông Richard Yu, giám đốc bộ phận kinh doanh - người tiêu dùng Huawei, đã so sánh hệ điều hành của hãng với Fuchsia - một nền tảng khác đang trong giai đoạn phát triển của Google, dựa trên kiến trúc vi nhân zircon.

Harmony OS không được phát triển dựa trên nhân Linux như AndroidHarmony OS không được phát triển dựa trên nhân Linux như Android

Một vi nhân (microkernel) điển hình thường có kích thước nhỏ hơn khá nhiều so với một nhân nguyên khối (monolithic kernel) như Linux, bởi nó chỉ bao gồm số lượng mã trần tối thiểu cần thiết để chạy hệ điều hành. Vi nhân được Huawei sử dụng để phát triển Harmony OS chỉ sở hữu khoảng 1/1000 số lượng mã mà hiện có trong kernel Linux. Trên thực tế, vi nhân này chỉ chứa đựng lịch trình luồng (Thread scheduler) và IPC. Tất cả các dịch vụ khác thường thấy trong một nhân nguyên khối điển như Linux bao gồm hệ thống tệp, trình điều khiển thiết bị (device driver) hay trình điều khiển mạng (network driver), v.v., đều sẽ chạy trong không gian người dùng.

Trong trường hợp này, liên lạc giữa các tiến trình (Inter-Process Communication - IPC) sẽ trở thành một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc quyết định hiệu năng tổng thể của hệ điều hành. Huawei tuyên bố vi nhân của họ có thể cung cấp IPC nhanh hơn tới 5 lần so với Fuchsia và nhanh hơn tới 3 lần so với vi nhân QNX.

Harmony OS chưa hẳn sẽ trở thành đối thủ của Android

Mặc dù đại diện Huawei đã bóng gió về việc Harmony OS hoàn toàn có thể “soán ngôi” Android, nhưng trên thực tế điều này rất khó xảy ra.

Trước tiên cần phải nói đến bản chất thực sự đằng sau sự ra đời của Harmony OS. Công bằng mà nói, Huawei vẫn muốn tiếp tục sử dụng Android trên sản phẩm của mình, nhưng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến họ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Harmony OS là quân bài chiến lược của Huawei nhằm chiếm lấy thế chủ độngHarmony OS là quân bài chiến lược của Huawei nhằm chiếm lấy thế chủ động

Tất nhiên việc xây dự một nền tảng hệ điều hành của riêng mình là nhiệm vụ phức tạp, tốn kém, và ẩn chứa đầy rủi ro, nhưng sự việc Google đe dọa ngừng hợp tác với Huawei vào tháng 5 vừa qua khiến nhà sản xuất smartphone Trung Quốc không có phương án nào khác ngoài việc buộc phải chủ động nắm trong tay phương án dự phòng của riêng mình.

Với sự xuất hiện của một nền tảng “cây nhà lá vườn” như Harmony OS, Huawei hoàn toàn có thể chuyển mảng điện thoại thông minh của mình sang nền tảng hệ điều hành này chỉ sau một hoặc hai ngày trong trường hợp công ty một lần nữa bị “đuổi” khỏi Mỹ (và cấm cửa với hệ sinh thái Android).

Ban đầu, Huawei chỉ có ý định tập trung vào việc đưa hệ điều hành của mình lên các sản phẩm màn hình thông minh, loa thông minh, hệ thống giải trí xe hơi, v.v. Trong danh sách trắng dự đoán công nghệ mới được phát hành gần đây, Huawei hy vọng rằng hãng sẽ sở hữu thêm nhiều công nghệ dựa trên AI, IoT và 5G vào năm 2025, và một hệ điều hành “của nhà trồng được” như Harmony sẽ là điều kiện cần để giúp công ty hiện thực hóa mong muốn đó. Làm chủ toàn bộ công nghệ bao giờ cũng hơn!

Như vậy có thể thấy, sự ra mắt của Harmony OS không chỉ là nước cờ chiến lược để Huawei đương đầu với những khó khăn liên quan đến chính sách thù địch mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhắm vào họ, mà trên thực tế chính là một “kế hoạch B” mà công ty công nghệ này đã ấp ủ từ lâu.

Trước những căng thẳng đã và đang không ngừng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, giới quan sát suy đoán rằng Huawei có thể “đồng hành” cùng Harmony OS ngay trên loạt flagship Mate 30 sắp tới. Luận điểm này càng được tin tưởng khi mà cho đến tận thời điểm hiện tại, thiết bị này vẫn chưa nhận được chứng chỉ Google Play, trong khi đây là yếu tố bắt buộc để nhà sản xuất có thể tải trước hệ điều hành Android và các dịch vụ Google lên sản phẩm sắp ra mắt của mình.

Harmony OS nhanh hơn Android (trên lý thuyết)

Huawei đang sử dụng “hệ điều hành phân tán” như một chiến lược mới nhằm duy trì và mở rộng doanh số bán các sản phẩm mới nhất của mình trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Đó là lý do tại sao Harmony OS sử dụng lập lịch tác vụ phân tán (distributed task scheduling) và quản lý dữ liệu phân tán (distributed data management) để cải thiện hiệu suất của hệ điều hành.

Các chuyên gia Huawei lập luận rằng phiên bản Harmony OS “phân tán” của họ hoàn toàn có thể nắm ưu thế vượt trội hơn Android về mặt tốc độ, bởi hệ điều hành của Google sử dụng rất nhiều mã dự phòng, một cơ chế thiết lập lịch trình vốn đã lỗi thời và ẩn chứa các vấn đề về phân mảnh.

Harmony OS có thể giảm 25,7% độ trễ phản hồiHarmony OS có thể giảm 25,7% độ trễ phản hồi bằng cách xác định các yếu tố gây chậm và tối ưu để đạt được mức dùng tài nguyên chính xác

Trong khi đó, vi nhân của Huawei lại triển khai một cơ chế lập lịch mới gọi là Deterministic Latency Engine, sử dụng phân tích tải thời gian thực, khớp đặc điểm ứng dụng và dự báo để phân bổ tài nguyên hệ thống theo cách tối ưu hơn).

Công ty tuyên bố rằng cơ chế này đã giúp tối ưu độ trễ phản hồi ấn tượng, với mức cải thiện lên tới 25.7% về độ trễ phản hồi, và 55.6% trong biến động độ trễ. Huawei cho biết cơ chế lập lịch trình theo kiểu “cào bằng” phổ biến trên Linux xử lý tất cả các tài nguyên theo cùng một cách, do đó làm giảm hiệu suất.

Huawei tự tin tuyên bố Harmony sẽ đánh bại Android về tốc độ xử lý, tuy nhiên kết quả cuối cùng đến tay người dùng vẫn rất khó đoán và sẽ cần phải được chứng minh cụ thể.

Sẽ không có quyền truy cập root trên Harmony OS

Thuật ngữ “root” trong công nghệ có rất nhiều nghĩa, nhưng với trường hợp này có thể hiểu là quá trình mở khóa thiết bị Android để cho phép truy cập nhiều hơn đến phần mềm cốt lõi có thể đã bị nhà sản xuất thiết bị chặn. Như vậy root thiết bị là điều hoàn toàn không bắt buộc, bạn chỉ nên root thiết bị nếu muốn thực hiện những tác vụ yêu cầu quyền quản trị ở cấp độ người dùng.

Không ngoa khi nói rằng root chính là một trong những “tính năng” làm nên nét đặc trưng của Android, khiến hệ điều hành này trở thành phương tiện “vọc vạch” tuyệt vời cho những người yêu thích công nghệ, thậm chí có người mua điện thoại Android về chỉ để root.

Harmony OS sẽ không cho phép truy cập root ở các thiết bị đầu cuối nhằm đảm bảo khả năng bảo mật toàn diệnHarmony OS sẽ không cho phép truy cập root ở các thiết bị đầu cuối nhằm đảm bảo khả năng bảo mật toàn diện

Tuy nhiên tính năng thú vị này gần như sẽ không xuất hiện trên Harmony OS khi mà tại Huawei Development Conference vừa qua, Huawei đã thông báo rằng hệ điều hành này sẽ không hỗ trợ quyền truy cập root trên các thiết bị, lý do được cho là để cải thiện khả năng bảo mật tổng thể của vi nhân cũng như thiết bị.

Bên cạnh đó, Huawei cũng cho biết họ đã triển khai các “phương thức xác thực bảo mật chuyên sâu” như một tấm lá chắn an toàn cho vi nhân của mình. Được biết, đây là những phương pháp xác thực dựa trên cơ sở toán học, thường được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực đặc biệt chú trọng đến an ninh như hàng không vũ trụ và chipset. Điều này mang đến lợi thế rất lớn so với phương thức xác minh chức năng và mô phỏng tấn công, vốn chỉ có thể giải quyết số lượng hạn chế các tình huống bảo mật.

Cuộc chiến hệ sinh thái ứng dụng: Android vẫn là người chiến thắng

Yếu tố cuối cùng, nhưng có thể ảnh hưởng đến cục diện của cuộc đối đầu giữa Harmony và Android: Sự đa dạng của hệ sinh thái ứng dụng.

Đây đồng thời cũng là bất lợi lớn nhất của Harmony so với Android, hay bất cứ hệ điều hành “sinh sau đẻ muộn” khác cũng vậy thôi. Thế giới hệ điều hành di động từ lâu đã chỉ còn là cuộc đua song mã giữa Android và iOS, các ứng dụng hiện nay hầu hết chỉ được viết cho 2 nền tảng này, trong khi sự đa dạng của hệ sinh thái ứng dụng chính là một trong những yếu tố sống còn của bất cứ hệ điều hành nào. Điều này được minh chứng rõ nét nhất qua sự thất bại của Windows Phone. Nền tảng của Microsoft tương đối trực quan, nhanh, tương thích tốt, nhưng sở hữu kho ứng dụng quá khiêm tốn, nói cách khác, Microsoft đã thất bại trong việc kêu gọi các nhà phát triển ứng dụng di động viết ứng dụng cho Windows Phone. Khi một hệ điều hành sở hữu kho ứng dụng tương thích quá khiêm tốn, nó sẽ không thể giữ chân người dùng lâu dài và thất bại là điều khó tránh khỏi.

Sự khiêm tốn của hệ sinh thái ứng dụng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến thất bại của Windows PhoneSự khiêm tốn của hệ sinh thái ứng dụng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến thất bại của Windows Phone

Khó khăn sắp tới của Harmony OS nếu muốn chen chân vào thị trường smartphone cũng không nằm ngoài thực tế đó, và tất nhiên những bộ não “đầy sạn” của Huawei hiểu rõ điều này hơn ai hết. Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã và đang cố gắng “vận động hành lang” trong vài tháng qua. Họ cố gắng lôi kéo các nhà phát triển chuyển ứng dụng của mình sang cửa hàng ứng dụng thay thế Play Store có tên là AppGallery.

HarmonyOS hiện không hỗ trợ các ứng dụng Android nhưng Huawei nói rằng khả năng này rất có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà phát triển. Công ty đã phát hành tất cả các SDK cần thiết và nhiều công cụ khác giúp các nhà phát triển dễ dàng biên dịch lại ứng dụng của họ cho HarmonyOS. Tuy nhiên đây sẽ vẫn là cuộc chiến trường kỳ với Huawei, nó đòi hỏi kế hoạch khôn khéo, nguồn tài chính đủ mạnh, và cuối cùng là thời gian để chứng minh tính hiệu quả.

Trên đây là những điểm khác biệt cơ bản giữa Harmony OS và Android OS, cũng như những khó khăn mà Huawei phải đối mặt để hiện thực hóa tham vọng trở thành một thế lực trong lĩnh vực hệ điều hành di động. Bạn có suy nghĩ gì về hệ điều hành mới của Huawei? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé!

Thứ Ba, 13/08/2019 21:50
4,36 👨 4.167
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ