Google Play Music đã bị khai tử từ năm 2018, và YouTube Music chính là nền tảng được Google “chọn mặt gửi vàng” để thay thế cho ứng dụng nghe nhạc mặc định đã tồn tại xuyên suốt với sự ra đời của Android này.
Trên thực tế, từ tháng 5 vừa qua, Google đã tung ra một công cụ hỗ trợ người dùng chuyển toàn bộ thư viện nhạc từ dịch vụ cũ sang dịch vụ mới. Động thái này là để chuẩn bị cho kế hoạch đóng cửa hoàn toàn Google Play Music vào cuối năm nay.
Hôm nay, gã khổng lồ tìm kiếm đã chính công bố lộ trình đóng cửa ứng dụng Play Music ở từng khu vực. Theo đó, quyền truy cập vào dịch vụ sẽ bắt đầu biến mất vào tháng 9 đối với người dùng ở Úc và New Zealand. Đến tháng 12, Play Music ngừng hoạt động trên toàn thế giới.
Nói cách khác, người dùng toàn cầu sẽ không còn có thể sử dụng ứng dụng nghe nhạc này sau năm nay. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có tối thiểu 30 ngày sau để chuyển toàn bộ thư viện nhạc của mình sang YouTube Music sau khi Play Music chính thức ngừng hoạt động. Do đó hãy chú ý đến các mốc thời gian.
Bắt đầu từ tháng 8 này, người dùng sẽ không còn có thể mua nhạc qua Play Store, và các đơn đặt hàng có ngày giao sau tháng 8 năm 2020 cũng sẽ tự động bị hủy. Tất nhiên, người dùng vẫn có thể chuyển nhạc đã mua của mình sang YouTube Music bằng công cụ hỗ trợ của Google hoặc tải xuống bằng Google Takeout.
Đồng thời, Play Music sẽ ngừng hỗ trợ các hoạt động upload và download thông qua Music Manager bắt đầu từ tháng này. Thay vào đó, Google sẽ cho phép người dùng tải thư viện nhạc của họ lên YouTube Music. Đối với podcast, các chủ thuê bao sẽ có thể chuyển các podcast đã đăng ký từ Play Music sang Google Podcast, nhưng sẽ có những hạn chế.
Google Play Music là một dịch vụ streaming và lưu trữ nhạc và podcast được phát triển và quản lý bởi Google. Dịch vụ ra mắt vào ngày 10/5/2011, và sau quá trình mời dùng thử beta dài 6 tháng, Play Music chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/11/2011. Play Music bước vào giai đoạn ngừng hỗ trợ từ ngày 24/6/2018, sau gần 7 năm hoạt động nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của Google trong việc chen chân vào thị trường stream nhạc trực tuyến có giá trị lên tới hàng tỷ USD.