Google và Nvidia đã trở thành hai cái tên mới nhất góp mặt trong danh sách những ông lớn công nghệ không muốn thương vụ Microsoft thâu tóm Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD diễn ra thành công. Trước đó, trong một khoảng thời gian khá dài, gã khổng lồ Nhật Bản Sony cũng đã công khai quan điểm không muốn về thỏa thuận này hoàn tất bằng cách can thiệp vào một số khu vực pháp lý liên quan. Tuy nhiên, Google và Nvidia lại có cánh tiếp cận vấn đề hơi khác khi quyết định gửi khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tại Hoa Kỳ đề nghị xem xét lại vụ việc.
Thông tin này đã được tiết lộ cho Bloomberg bởi các nguồn giấu tên, nói rằng Google và Nvidia đang bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” về việc Microsoft có thể đạt được hàng loạt lợi thế cạnh tranh không công bằng sau khi thâu tóm thành công Activision Blizzard, đặc biệt là trong một số lĩnh vực trọng tâm như điện toán đám mây và game. Các nguồn tin cũng tiết lộ rằng Nvidia về cơ bản không hoàn toàn phản đối thương vụ của Microsoft, nhưng muốn đảm bảo vẫn sở hữu quyền truy cập bình đẳng và cởi mở vào các tựa game quan trọng của Activision Blizzard như Call of Duty.
FTC dự kiến sẽ tổ chức một phiên tòa nội bộ vào tháng 8 liên quan đến thương vụ trên. Google, Nvidia hoặc Sony nhiều khả năng sẽ được triệu tập để làm chứng trong phiên tòa. Bất kỳ sự thỏa hiệp nào cho phép thỏa thuận được tiến hành có thể sẽ bao gồm việc buộc Microsoft phải duy trì quyền truy cập vào các trò chơi trong ít nhất một thập kỷ. Ở phía đối diện, công ty Redmond cũng đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cần thiết từ FTC, nhưng kịch bản vụ việc sẽ diễn ra như thế nào sau đó vẫn là dấu hỏi lớn.
Call of Duty là trò chơi mà hầu hết các đối thủ của Microsoft sẽ quan tâm nhất do tính phổ biến của nó, nhưng Activision Blizzard hiện cũng sở hữu rất nhiều tựa game ăn khách khác như World of Warcraft, Crash Bandicoot, Guitar Hero, StarCraft, Hearthstone, Diablo, Overwatch, Candy Crush Saga, v.v. Việc cơ quan quản lý làm thế nào để đảm bảo thương vụ có thể diễn ra trong khi vẫn đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan cũng như giữ ổn định cán cân thị trường rõ ràng là một bài toán hóc búa.