Với những lợi ích không cần bàn cãi, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của hàng tỉ người trên toàn thế giới, Google Maps được cho là một trong những phát minh tuyệt vời nhất trong kỷ nguyên internet. Nền tảng bản đồ trực tuyến của Google được trang bị đầy đủ các tính năng hữu ích, bao gồm cả thông tin về tình trạng tắc nghẽn giao thông ở mọi tuyến đường theo thời gian thực. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc Google Maps lấy dữ liệu từ đâu mà có độ chính xác cao đến vậy?
Màu sắc biểu thị trạng thái giao thông
Tình trạng giao thông (tắc nghẽn hoặc thông thoáng) theo thời gian thực được hiển thị trong Google Maps với ba màu chỉ báo: Xanh lục, Cam và Đỏ. Tương ứng với các cấp độ thông thoáng, ùn ứ, và tắc nghẽn. Như có thể thấy trong ảnh minh họa phía dưới, các con đường, đoạn đường được tô màu đỏ đồng nghĩa đang rơi vào trạng thái tắc nghẽn. Bạn cần phải né tuyến đường này nếu không muốn lãng phí thời gian. Định nghĩa cụ thể của Google như sau:
- Màu xanh lục: Trạng thái giao thông trơn tru, không có sự chậm trễ.
- Màu cam: Bạn có thể gặp phải một số sự chậm trễ khi lưu thông trên tuyến đường này
- Màu đỏ: Có sự chậm trễ về giao thông. Màu đỏ càng đậm, mức tắc nghẽn càng nghiêm trọng.
Làm thế nào Google nắm được trạng giao thông theo thời gian thực?
Câu hỏi đặt ra trước tiên là Google lấy dữ liệu ở đâu? Cho đến cuối những năm 2000, công ty Mountain View đã thu thập được một lượng lớn dữ liệu thực từ các hệ thống vô số cảm biến giao thông và camera. Những thiết bị này được lắp đặt trên các con đường bởi cơ quan quản lý giao thông sở tại và cả các công ty tư nhân.
Cảm biến giao thông và camera có khá nhiều loại, nhưng mục dích chung là ghi lại dữ liệu giao thông. Thông tin sau đó được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả Google Maps. Tuy nhiên, đó không phải là phương thức Google lấy dữ liệu lưu lượng truy cập trong vài năm trở lại đây nữa.
Hiện tại, Google nhận thông tin về lưu lượng giao thông theo thời gian thực được cung cấp bởi chính người dùng. Nói theo cách dễ hiểu, nếu bạn sử dụng Google Maps trên điện thoại của mình với quyền truy cập vị trí được bật, nghĩa là bạn đang đóng vai trò là một nguồn cấp dữ liệu vị trí cập nhật liên tục cho Google. Trên thực tế, bạn không thể sử dụng tính năng điều hướng từng chặng trên Maps nếu không cho phép Google truy cập dữ liệu vị trí của mình.
Google cũng sử dụng dữ liệu lịch sử như một phần của phương trình. Nó có thể tìm ra thời gian trung bình mà mọi người thường mất để đi một đoạn đường nhất định vào từng thời điểm và ngày cụ thể.
Ngoài ra, dữ liệu vị trí của bạn có thể được sử dụng cho những thứ như cập nhật giao thông trong thời gian thực, ước tính tốc độ lưu lượng giao thông hiện tại và định hướng các tuyến đường. Nếu một tuyến đường đông đúc đột nhiên không có lưu lượng giao thông, Maps sẽ giả định có một sự chuyển hướng và điều chỉnh chỉ đường cho phù hợp.
Vì vậy, có thể hiểu Google Maps Đọc chính xác tình hình giao thông chỉ bằng cách sử dụng vị trí thời gian thực của những người đang lưu thông trên một tuyến đường đó. Tuy nhiên, Google cũng không thực sự cần dữ liệu đồng thời của quá nhiều người để đưa ra ước tính chính xác. Đơn giản bởi không phải ai cũng có nhu cầu dùng Maps và chia sẻ dữ liệu vị trí cho Google. Giả sử có nhiều người đang đi với tốc độ 20km/h trên tuyến đường được phép di chuyển ở 50km/h, điều đó cho thấy lưu lượng giao thông trên tuyến đường đang bất thường, có thể là tắc nghẽn.
Tóm lại, hoạt động của Google Maps dựa trên dữ liệu đóng góp từ người dùng. Càng nhiều dữ liệu được đóng góp, Google Maps sẽ càng hoạt động chính xác.