Steve Jobs, nghệ thuật đắc nhân tâm, và bí quyết đạt được mục tiêu đã đề ra

Đã 8 năm sau ngày Steve Jobs - một huyền thoại của thế giới công nghệ - chia tay nhân loại, thế nhưng tên tuổi của ông vẫn không ngừng được nhắc đến, được vinh danh từng ngày bởi đơn giản, vị thuyền trưởng của Apple đã có những đóng góp vô giá cho sự phát triển của nhân loại.

Bố già của làng công nghệ Larry Ellison, CEO Oracle đã từng phải thốt lên rằng: “Sẽ không có một ai như Steve Jobs. Chúng ta không thể trở thành một người đặc biệt như ông ấy. Chúng ta là chúng ta và cần phải cảm kích sự vĩ đại của ông”. Steve Jobs một thiên tài, điều này không cần phải bàn cãi. Ông đã truyền cảm hứng đến hàng trăm nghìn con người trên toàn thế giới, và một người trong số chúng ta, dù chỉ là những người bình thường nhất, cũng không cần phải quá cao siêu để học được những điều quý giá mà Steve Jobs để lại. Vậy nghệ thuật “đắc nhân tâm” đã mang lại thành công cho Steve Jobs là gì, ông làm thế nào để đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra, và chúng ta có thể học được những gì từ nhà lãnh đạo thiên tài này? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ.

Steve Jobs một thiên tài

Không cần nói có lẽ bất cứ ai có quan tâm đến thế giới công nghệ cũng đều biết rằng để đưa Apple và Pixar bay cao bay xa như hiện tại, Steve Jobs đã phải đối mặt với vô số trở ngại, thậm chí là cả những thử thách cam go khiến ông phải đánh cược cả sự nghiệp của mình. Thế nhưng Jobs luôn nắm trong tay những cách thức độc đáo để tạo ra thực tế của riêng mình. Nói cách khác, vị CEO huyền thoại này chính là bậc thầy của nghệ thuật “thu phục lòng người”. Trong đó, khía cạnh mà ông gần như chưa bao giờ thất bại, đó là thuyết phục mọi người rằng niềm tin của ông thực sự là điều đúng đắn. Có lẽ chính “vũ khí” sắc bén này đã trở thành nền tảng giúp Steve Jobs chèo lái con thuyền Apple và Pixar đi tới bến bờ thành công như ngày hôm nay.

Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, Steve Jobs đã phải sử dụng, và vận dụng một cách nhuần nhuyễn sự pha trộn ở “tỷ lệ vàng” của các chiến thuật “đắc nhân tâm” bậc thầy để đảm bảo cho chiến thắng của mình, đặc biệt là trong các cuộc họp hội đồng quản trị, hay trong các cuộc tranh luận với giám đốc điều hành của những công ty quyền lực nhất trên thế giới. Hơn nữa, đối thủ của Jobs trong hầu hết các “cuộc chiến” này đều không phải là những con người bình thường, họ đều là cá nhân xuất chúng trong giới công nghệ.

» 13 câu nói nổi tiếng của Steve Jobs

Sau đây là một vài câu chuyện về nghệ thuật thuyết phục, và bí quyết đạt được mục tiêu đã đề ra của Steve Jobs. Đây đều là những ví dụ gần gũi được lấy ra từ chính cuộc sống của vị CEO huyền thoại, có thể dạy cho bạn cách đạt được những gì mình muốn trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp của bản thân.

Steve Jobs

Hãy gắn bản thân với sự đam mê. Mọi người thường bị thuyết phục bởi những màn thể hiện mạnh mẽ tới từ xúc cảm và sự đam mê.

Hãy gắn bản thân với sự đam mê

Đam mê chính là một phần quan trọng trong mọi quyết định của Steve Jobs, và bạn cũng nên biến điều này thành một phần của bản thân. Lấy ví dụ trong một quy trình bán hàng, đôi khi bạn nên tự biến mình thành “sản phẩm”. Nói cách khác, bạn hoặc sản phẩm mà bạn tạo ra nên trở thành chìa khóa để khiến người mua hiểu được ý tưởng của bạn và sẵn sàng chi tiền để mua về ý tưởng đó.

Trước khi Apple ra mắt iTunes vào năm 2001, Jobs đã gặp gỡ hàng chục nhạc sĩ hàng đầu với hy vọng sẽ thuyết phục được các hãng thu âm cộng tác với Apple trong kế hoạch ra mắt iTunes. Một trong những người mà Jobs nhắm đến là chính là người chơi kèn nổi tiếng Wynton Marsalis.

Marsalis cho biết Jobs đã nói chuyện với ông trong hơn 2 giờ liền.

"Jobs là người đàn ông của sự chiếm hữu. Sau một hồi nói chuyện cởi mở, tôi bắt đầu nhìn Jobs dưới con mắt hoàn toàn khác, hoàn toàn không phải bởi những thành công mà Jobs có được, mà vì tôi cảm thấy mình như say mê với niềm đam mê của anh ấy".

Bên cạnh đó, Steve Jobs cũng đã không ít lần đưa ra ý tưởng cho nhóm quảng cáo của mình với một niềm đam mê mãnh liệt và thuyết phục họ làm việc với sự đam mê tương tự để "đảm bảo rằng hầu hết mọi chiến dịch quảng cáo mà nhóm triển khai đều tràn đầy cảm xúc và sự đam mê của chính vị CEO này". Kết quả là những chiến dịch quảng cáo của Apple, đơn cử như chiến quảng cáo "1984" và “iPod” đã biến Táo Khuyết trở thành cái nôi của cảm hứng, sáng tạo và niềm đam mê chứ không chỉ đơn thuần là một công ty máy tính khô khan.

Thành thật đến mức tàn nhẫn sẽ giúp bạn xây dựng một thế mạnh của bản thân

Thành thật đến mức tàn nhẫn sẽ giúp bạn xây dựng một thế mạnh của bản thân

Khi Steve Jobs trở lại Apple lần thứ hai vào năm 1997, ông đã ngay lập tức bắt tay vào việc “tiếp thêm sinh lực” cho đứa con tinh thần đang có dấu hiệu “rệu rã” của mình sau một thời gian dài không thành công với các sản phẩm, đồng thời phải chịu đựng nhiều sức ép cạnh tranh, và quan trọng là có quá ít định hướng đúng đắn.

Jobs đã triệu tập các nhân viên hàng đầu của Apple tới khán phòng. Ông mặc quần short, đi giày thể thao, đứng trên sân khấu và yêu cầu mọi người chỉ ra cho mình "có gì bất thường ở đây?".

Sau vài lời xì xào và phản ứng nhạt nhẽo, Jobs đã quyết định phá vỡ bầu không khí tẻ nhạt đó: “Đó là sản phẩm! Vậy có gì bất thường với sản phẩm của chúng ta?”. Một lần nữa, những tiếng thì thầm lại nổi lên. Jobs rõng rạc nói lớn: “Sản phẩm của chúng ta hoàn toàn không còn sức hút. Không có bất cứ sự quyến rũ nào trong những cỗ máy tẻ nhạt đó nữa!”.

Cái mà Steve Jobs muốn truyền đạt ở đây chính là sự thật, bởi đôi khi, thành thật đến mức tàn nhẫn sẽ giúp bạn xây dựng một thế mạnh của bản thân. Mọi người sẽ mua sản phẩm, hay nói cách khác là ý tưởng của Jobs vì ông luôn tha thiết, và dồn cả tâm huyết của mình vào những gì ông nói, hay sản phẩm mà ông tạo ra. Sau này, vị CEO đã có lần nói với người viết tiểu sử của mình rằng:

"Tôi không nghĩ mình đã đưa ra những lời nói thô bạo với mọi người, nhưng nếu có gì đó thực sự tệ hại, tôi muốn các nhân viên của mình phải nhận ra được điều đó, theo cách chân thực nhất. Đó chính là công việc mà tôi - chứ không phải bất cứ ai khác tại Apple - phải làm! Tôi hoàn toàn ý thực rõ ràng về những gì mà mình nói ra, và tôi thường hiếm khi sai lầm với mỗi phát ngôn của mình. Tại Apple, chúng tôi học cách thành thật đến mức tàn nhẫn với nhau, và bất cứ ai cũng có thể đứng trước mặt và nói với tôi rằng “này Steve, tôi thấy ý tưởng kia của ông thật nhảm nhí”, và tất nhiên tôi cũng có quyền nói thẳng vào mặt họ điều tương tự. Với tôi, trung thực chính là sức mạnh, là lợi thế mang lại những điều tốt đẹp hơn”.

Làm việc chăm chỉ, và những người khác sẽ tôn trọng bạn. Tôn trọng là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để có được những gì bạn muốn

Làm việc chăm chỉ, và những người khác sẽ tôn trọng bạn

Steve Jobs là người sở hữu tác phong và đạo đức trong công việc đạt chuẩn mực đến mức đáng kinh ngạc. Jobs nói với người viết tiểu sử của mình rằng khi trở lại Apple vào năm 1996, ông đã làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, ngày nào cũng đều đặn như vậy, lý do bởi thời điểm đó, Jobs vẫn là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm cho cả các hoạt động của Pixar. Vị CEO đã làm việc không biết mệt mỏi, đến mức bị sỏi thận. Tất nhiên bản thân Jobs không khuyến khích mọi người làm việc đến mức quên cả chăm sóc sức khỏe bản thân, tuy nhiên chính sự chăm chỉ và đạo đức làm việc của ông đã giúp cả 2 công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn. Sự cố gắng của Steve Jobs là tấm gương để các nhân viên nỗ lực cũng như nghiêm túc hơn trong công việc, qua đó có thể sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, và họ tôn trọng ông vì điều đó.

“Vô hiệu hóa” mọi người với sự “dụ dỗ” và những lời tâng bốc

“Vô hiệu hóa” mọi người với sự “dụ dỗ” và những lời tâng bốc

Cho dù họ đang làm việc cho bạn hay bạn đang làm việc cho họ, mọi người vẫn liên tục tìm kiếm những sự chấp thuận cho hành động, ý kiến mà mình đưa ra, và chúng ta dường như đều phản ứng tốt hơn trước sự thân thiện.

Và nếu bạn tiếp tục gửi đến cho những người xung quanh thiện chí, cuối cùng họ cũng sẽ khao khát điều đó từ bạn. Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs của tác giả Walter Isaacson có đoạn trích như sau:

"Jobs có thể dụ dỗ và quyến rũ mọi người theo cách mà ông ấy muốn, và dường như vị thuyền trưởng của Apple cũng thích làm như vậy. Những người như (cựu CEO của Apple) Amelio và Sculley đều cho rằng Steve Jobs luôn dành cho họ thiện chí cũng như tình cảm đặc biệt, điều đó có nghĩa là Jobs yêu thích và tôn trọng họ. Steve Jobs luôn biết cách thốt ra những lời tâng bốc dù là không mấy thành thật dành cho những người đang khao khát sự tâng bốc đó để đạt được mục đích. Tuy nhiên, Jobs cũng luôn có thể quyến rũ những người mà ông ấy ghét dễ dàng như cách ông có thể “xúc phạm” đến những người mình quý mến bằng những ngôn từ chân thật nhất".

Luôn giành về mình những ý tưởng tốt nhất, dành thời gian suy nghĩ về một ý tưởng mới với tất cả khả năng. Suy nghĩ của ngày hôm nay có thể sẽ rất khác so với ngày hôm qua.

Luôn giành về mình những ý tưởng tốt nhất

Steve Jobs cũng là con người, mà đã là con người thì chắc chắn có lúc mắc sai lầm, nhưng ông là bậc thầy trong việc thuyết phục mọi người tin vào sai lầm đó. Vậy phép mầu của Steve Jobs là gì?

Jobs luôn đứng vững ở một vị trí, cho dù vị trí của bạn có thực sự tốt hơn vị trí của ông ấy đi chăng nữa, Jobs vẫn không thừa nhận điều đó: Steve Jobs sẽ nhận vị trí của bạn như của riêng ông ấy, và điều này sẽ khiến bạn mất cân bằng.

Bud Tribble, một cựu kỹ sư Mac, đã nói về điều này trong tiểu sử của Steve Jobs như sau:

"Nếu Steve Jobs bỗng nhiên nói với bạn về một điều gì đó khủng khiếp hay tuyệt vời, điều đó không nhất thiết có nghĩa là anh ấy sẽ phải cảm thấy như vậy vào ngày mai. Nếu bạn nói với Steve Jobs một ý tưởng mới, anh ấy thường sẽ nói với bạn rằng ý tưởng đó thật ngu ngốc. Nhưng sau đó, nếu Jobs thực sự thích nó, chính xác một tuần sau, anh ấy sẽ quay lại gặp bạn và đề xuất lại về ý tưởng đó theo những chiều hướng bổ sung, như thể chính anh ấy mới là người nghĩ ra vậy”.

Một ví dụ: Khi Apple quyết định mở một chuỗi cửa hàng bán lẻ cho các sản phẩm của mình, phó chủ tịch phụ trách mảng bán lẻ Ron Johnson đã nảy ra ý tưởng về quầy "Genius Bar", với sự góp mặt của những con người am hiểu tường tận nhất về Mac nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng của Apple và đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên sản phẩm của hãng (tất cả những gì bạn thắc mắc, những vấn đề về kỹ thuật đều sẽ được nhân viên của Genius Bar tại Apple Store đáp ứng tốt nhất). Lúc đầu, Jobs gọi ý tưởng này là một suy nghĩ điên rồ và cho rằng Apple hoàn toàn không có đủ nhân lực cần thiết về cả chuyên môn cũng như nghiệp vụ cho "Genius Bar". Tuy nhiên, chỉ sau 1 đêm suy nghĩ, ngay sáng hôm sau, Jobs đã gọi luật sư riêng của Apple đến và đề nghị người này nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đăng ký thương hiệu "Genius Bar".

Sau nhiều năm hoạt động, Genius Bar đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 40% khách hàng sở hữu sản phẩm Apple đã từng ghé thăm Genius Bar. 90% trong số đó thực sư rất hài lòng với chất lượng cũng như dịch vụ của Genius Bar. 88% khách hàng được sử dụng miễn phí dịch vụ của Genius Bar. Đây là một trong những yếu tố khiến cho khách hàng muốn tiếp tục gắn bó với sản phẩm của Apple.

Đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Bạn có thể (thường) thay đổi quyết định sau này

Đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát

Khi nói đến việc tạo ra các sản phẩm mới, Apple hiếm khi xem xét các nghiên cứu, khảo sát và phân tích thị trường chuyên sâu. Họ cũng ít khi mất đến vài tháng để đưa ra một quyết định lớn. Steve Jobs có xu hướng dễ chán nản và nhanh chóng thay đổi quyết định theo thời gian.

Trong trường hợp của chiếc iMac thế hệ đầu tiên, Jobs đã ngay lập tức quyết định Apple sẽ phát hành các mẫu máy tính mới với màu sắc “cầu vồng” trẻ trung. Và quả thực khi ra mắt, chính màu sắc mới lạ của iMac (vào thời điểm đó) đã khiến người dùng rất thích thú.

Jony Ive, giám đốc thiết kế của Apple, cho biết "ở nhiều nơi, người ta có thể phải mất đến vài tháng để đưa ra một quyết định. Còn tại Apple, Steve Jobs thường chỉ làm điều tương tự trong nửa giờ."

Tuy nhiên không phải lúc nào vị CEO quá cố cũng thành công với quyết định nhanh chóng của mình. Cũng trên mẫu iMac thế hệ đầu, kỹ sư iMac Jon Rubinstein đã cố gắng lập luận rằng iMac nên đi kèm với khay đọc CD, nhưng Jobs không thích các khay CD và ông thực sự muốn có một ổ đĩa cao cấp. Về quyết định cụ thể đó, Jobs đã sai lầm. Việc ghi nhạc chỉ có thể được thực hiện trên các khay đọc CD và khi xu hướng đó bắt đầu nở rộ, những chiếc iMac thế hệ đầu tiên đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Nhưng vì Jobs đã đưa ra quyết định nhanh chóng, những chiếc iMac đầu tiên cũng đã được xuất xưởng đúng thời hạn và thu về lợi nhuận cần thiết. Chiếc máy tính để bàn thế hệ thứ hai của Apple sau đó đã được đi kèm với ổ đĩa CD có thể trích xuất và ghi nhạc, đó cũng là yếu tố mà Apple cần để khởi chạy dự án iTunes và iPod sau này.

Đừng chần chừ một giây nào trong việc khắc phục sự cố

Đừng chần chừ một giây nào trong việc khắc phục sự cố

Khi Steve Jobs làm việc với đội ngũ Pixar trong dự án "Toy Story", đây sẽ là bộ phim dài đầu tiên được tạo hoàn toàn bằng hoạt hình 3D. Tuy nhiên, đoạn phim đầu tiên của chàng cao bồi Woody đã không được tạo hình như kế hoạch ban đầu và nhân vật này dần biến thành một kẻ ngốc, chủ yếu là thông qua các chỉnh sửa kịch bản do Disney truyền lại. Nhưng Jobs đã từ chối để Disney, một trong những công ty sản xuất hoạt hình lớn nhất thế giới, phá hỏng câu chuyện gốc của Pixar.

"Nếu có điều gì đó diễn ra không đúng, bạn không thể bỏ qua và nói rằng sẽ sửa nó sau. Nếu chần chừ, bạn không chỉ phá hỏng công trình của mình, mà còn tự tay trao cơ hội cho đối thủ”.

Jobs khăng khăng rằng Disney phải “trả lại dây cương” cho Pixar, và cuối cùng, Woody đã trở thành một nhân vật rất đáng yêu và đa chiều trong "Toy Story", còn Pixar tiếp tục gặt hái được thành công rực rỡ.

Một ví dụ khác: Khi Steve Jobs đang mải mê với dự án thiết kế Apple Store phiên bản đầu tiên, phó chủ tịch bán lẻ Ron Johnson của ông đã thức dậy vào giữa đêm trước khi một cuộc họp quan trọng với các cổ đông sẽ diễn ra vào ngày hôm sau bởi một suy nghĩ: Cách thức tổ chức, sắp xếp chuỗi cửa hàng của Apple rất có thể đã mắc sai lầm. Công ty trước đây đã tổ chức các chuỗi cửa hàng theo loại sản phẩm được bán, nhưng Johnson chợt nhận ra rằng Apple cần tổ chức lại chuỗi cửa hàng theo hướng dựa trên những gì mà khách hàng có thể muốn mua cũng như nhu cầu của họ đối với sản phẩm.

Johnson đã ngay lập tức trình bày với Jobs về trăn trở của mình vào buổi sáng hôm sau. Và sau một hồi phân tích, vị CEO của Apple đã nói với tất cả những người tham dự cuộc họp ngày hôm đó rằng suy nghĩ của Ron Johnson là hoàn toàn đúng đắn, và họ cần phải thiết kế lại toàn bộ bố cục, cách tổ chức các chuỗi cửa hàng của mình, điều này đã trì hoãn việc triển khai theo kế hoạch ban đầu khoảng 3-4 tháng, nhưng là quyết định hoàn toàn đúng đắn. “Chúng tôi chỉ có một cơ hội để sửa chữa sai lầm này”, Jobs chia sẻ.

Có hai cách để đối phó với những người có vấn đề:

Một là ép họ trở nên hoàn thiện hơn

Ép những người có vấn đề trở nên hoàn thiện hơn

Jobs thường nhìn thế giới qua các thuật ngữ nhị phân:

"Một người có thể là anh hùng hoặc cũng có thể là một tên ngốc. Một sản phẩm có thể tuyệt vời hoặc có thể thật nhảm nhí”.

Steve Jobs luôn muốn Apple trở thành một công ty của những người giỏi nhất, của các nhân viên “hạng A”, điều đó có nghĩa là những nhân viên “hạng B” và “hạng C” sẽ luôn bị đào thải nếu họ không cố gắng để biến mình thành một nhân viên "hạng A". Đồng thời, Apple cũng có nhiệm vụ hướng họ đến sự nhiệt thành và cống hiến tuyệt vời nhất, thôi thúc họ không ngừng cố gắng, thậm chí thúc ép họ (ở một mức độ nào đó) để trở thành những nhân viên “hạng A”.

Trước khi Apple ra mắt Macintosh, một trong những kỹ sư được giao nhiệm vụ chế tạo chuột có thể dễ dàng di chuyển con trỏ theo mọi hướng - không chỉ lên/xuống và trái/phải - nói với Bill Atkinson, một trong những nhân viên đầu tiên của Apple, người chịu trách nhiệm phát triển đồ họa cho Mac rằng "không có cách nào để xây dựng một mẫu chuột như vậy về mặt thương mại". Sau khi Steve Jobs nghe về khiếu nại này trong bữa tối, ông đã ngay lập tức ra quyết định sa thải vị kỹ sư nọ. Bill Atkinson chỉ biết về quyết định chớp nhoáng này sau khi đến văn phòng vào sáng hôm sau, và cảm thấy sửng sốt. Một kỹ sư khác đã nhanh chóng được Steve Jobs lựa chọn thay thế và câu đầu tiên người này nói với vị CEO quá cố đó là: “Tôi có thể chế tạo được mẫu chuột như vậy".

Hoặc là “tránh xa càng sớm càng tốt”

Hoặc là “tránh xa càng sớm càng tốt”

Jobs không thích những vấn đề quá phức tạp, đặc biệt nếu chúng yêu cầu ông phải điều tiết hoặc dàn xếp. Như người viết tiểu sử của Steve Jobs, Walter Isaacson, đã từng nói: "Jobs sẽ im lặng và bỏ qua những tình huống khiến ông không thoải mái".

Jobs đã sử dụng chiến thuật này cực kỳ hiệu quả trong một số trường hợp: Khi CEO của Apple lúc đó Gil Amelio hỏi ông muốn đóng vai trò gì trong công ty sau khi ông gia nhập lại vào hội đồng quản trị Apple thông qua thương vụ mua lại NeXT - Jobs đương nhiên không thể nói: "Tôi muốn vị trí của ông đó, Gil ạ” - và cuối cùng ông chọn cách im lặng và hạn chế tham gia vào công việc của Gil Amelio.

Chiến lược mà Steve Jobs sử dụng để đạt được điều mà mình muốn đối với “những kẻ có vấn đề” đôi khi chỉ đơn giản là tránh xa họ càng sớm càng tốt.

Hãy đâm khi mũi kiếm còn sắc nhọn, và đâm thật mạnh

Hãy đâm khi mũi kiếm còn sắc nhọn, và đâm thật mạnh

Sự thành công thường kiến con người ta u mê và cho rằng mình không cần phải cố gắng thêm nữa, hay như chúng ta thường nói “ngủ quên trên chiến thắng”. Steve Jobs đương nhiên không phủ định điều này. Khi quyết định đặt cược lớn vào Pixar đã được đền đáp, và bộ phim "Toy Story" đầu tiên của công ty đã thu về thành công lớn với cả các nhà phê bình lẫn doanh thu phòng vé, Jobs quyết định đưa công ty gia nhập vào thị trường chứng khoán.

Các chủ ngân hàng đầu tư cho biết quyết định này không nên được triển khai, đặc biệt là sau khi Pixar bị thất thoát một lượng vốn khá lớn trong 5 năm trước đó. Ngay cả John Lasseter, người đứng đầu đội ngũ sáng tạo của Pixar, cũng đã nói với Jobs rằng ông nên đợi đến thời điểm sau khi bộ phim thứ hai của Pixar cũng đạt được thành công tương tự mới nên đưa công ty gia nhập thị trường chứng khoán. Nhưng Jobs vẫn kiên định với suy nghĩ của mình.

"Steve đã thuyết phục tôi và nói rằng công ty cần tiền mặt vì vậy lần gia nhập thị trường chứng khoán này có thể tạo lợi thế cho Pixar trước khi đàm phán lại thỏa thuận với Disney", John Lasseter nhớ lại.

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Pixar đã tổ chức IPO một tuần sau khi "Toy Story" ra rạp, và đó là một thành công lớn: Pixar đã vượt qua Netscape, trở thành thương vụ IPO lớn nhất năm 1995, và quan trọng hơn, điều này có nghĩa là Pixar đã không còn cần phải phụ thuộc vào Disney để tài trợ cho các bộ phim của mình. Đột nhiên, Disney, với bộ phận hoạt hình vốn đang “bay bổng” trong những chiến thắng, giờ đây lại cần đến sự hợp tác với Pixar. Công ty sở hữu thương hiệu chuột Mickey sau đó đã nhận ra sự thật này và trả 7,4 tỷ đô la để có được Pixar - biến Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của chính Disney, đồng thời giữ Pixar độc lập cũng như cứu bộ phận hoạt hình vĩ đại của Disney sau thương vụ này.

Một ví dụ khác, Apple đã đi lên từ con số 0 tròn trĩnh để trở thành kẻ thống lĩnh thị trường di động thông minh trong gần 10 năm. Và, một khi họ đã đạt được ngôi vương, những đối thủ thất bại thảm hại đều đã từng là những tên tuổi tưởng chừng như không thể đánh bại trước đây, bao gồm cả Research In Motion (RIM), Motorola, Sony và Nokia. Hầu hết các công ty trong trường hợp này sẽ dần “tự thả lỏng mình”. CEO và những quản lý cấp cao sẽ dành thời gian để xuất hiện nhiều hơn trên trang bìa của tạp chí Fortune, và để “ba hoa” về những dự định của tương lai. Tuy nhiên Steve Jobs lại không cho phép mình làm như vậy. Khi cả thế giới đang tôn thờ bạn, bạn sẽ tự mãn và cho rằng mình nên nghỉ ngơi một chút, nhất là sau quãng thời gian vất vả với những cuộc chiến trên thương trường, nhưng Apple thì không. Họ vẫn không ngần ngại lao vào cuộc đối đầu mới với Samsung và Google. Đó chính là triết lý điều hành của Steve Jobs.

Khi bạn nắm trong tay thanh đòn bẩy, hãy sử dụng nó

Khi bạn nắm trong tay thanh đòn bẩy, hãy sử dụng nó

Khi Steve Jobs quay trở lại Apple, đó là một sự kiện lớn. Công ty mà ông dày công sáng lập lên đã mất đi "phép thuật" vốn có kể từ khi ông ra đi. Jobs khẳng định ông chỉ là "cố vấn" cho Apple vào thời điểm đó, nhưng những người trong nội bộ và am hiểu về tình hình của Apple đều hiểu rằng ông thực sự nắm quyền kiểm soát công ty. Giám đốc điều hành của Apple khi đó, Gil Amelio, gần như chỉ phụ thuộc vào Steve Jobs với tầm nhìn và định hướng của ông.

Nắm được tình hình, vào ngay buổi họp đầu tiên sau ngày trở lại tại Apple, Jobs đã sử dụng “đòn bẩy” mới này để làm lợi thế cho mình: Ông đã đề nghị triệu tập một cuộc họp hội đồng quản trị và yêu cầu Apple điều chỉnh lại giá trị các tùy chọn cổ phiếu của mình nhằm lấy lại giá trị của Apple trên thị trường. Tại thời điểm đó, đề xuất của ông là hợp pháp, nhưng không được coi là chiến lược kinh doanh tốt, ít nhất là về mặt đạo đức. Nhưng hội đồng quản trị Apple đã chùn bước trước ý tưởng này, nói rằng sẽ phải thực hiện một nghiên cứu thị trường cụ thể để đánh giá tình hình và dự kiến mất ít nhất 2 tháng, Jobs đã ngay lập tức đề nghị xin từ chức một lần nữa:

"Các anh đưa tôi đến đây để xử lý mớ hỗn độn này, và bây giờ tôi nhận ra rằng vấn đề nằm chính ở những người chủ chốt, ở hội đồng quản trị. Nếu các anh không muốn làm theo kế hoạch vừa đề xuất, tôi sẽ không quay lại công ty vào thứ hai tới. Trong sự nghiệp tôi đã từng thực hiện hàng ngàn quyết định quan trọng thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với điều này, và nếu các anh không thể hỗ trợ trợ tôi trong kế hoạch trên, tôi chắc chắn sẽ thất bại. Vì vậy, tôi sẽ ra khỏi đây một lần nữa và các anh có thể đổ lỗi cho tôi, hãy cứ nói với công chúng rằng Steve đã không sẵn sàng cho công việc".

Hội đồng quản trị Apple cuối cùng cũng đã bị thuyết phục và chấp thuận theo kế hoạch mà ông đưa ra. Thế nhưng Jobs không dừng lại ở đó. Ngày hôm sau, ông yêu cầu tất cả các thành viên hội đồng quản trị từ chức, "nếu không tôi sẽ từ chức và không quay lại vào thứ Hai tới". Steve Jobs muốn rằng tất cả các thành viên hội đồng quản trị phải ra đi, ngoại trừ Ed Woolard, và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Bằng việc có thể tùy ý lựa chọn thành viên hội đồng quản trị của riêng mình - Jobs đương nhiên sở hữu toàn quyền kiểm soát các dự án tiếp theo của Apple, và như bạn đã biết, chính điều này đã giúp các thiết bị tuyệt vời như iPad, iPhone, hay iPod có cơ hội ra đời và đem lại thành công vĩ đại cho Apple.

Luôn đề cao sự hoàn hảo, không cho phép bản thân được lơ là với mục tiêu đã đề ra

Luôn đề cao sự hoàn hảo, không cho phép bản thân được lơ là với mục tiêu đã đề ra

Steve Jobs cực ghét những người sẵn sàng gian lận hay “ăn bớt” mọi thứ để cố gắng ra mắt sản phẩm đúng thời hạn và tiết kiệm ngân sách tối đa. Ông cho rằng đây là hành vi "kinh khủng về mặt đạo đức" đối với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tôn chỉ của Jobs đối với Apple là không bao giờ tìm cách đánh bại đối thủ hay cố gắng kiếm tiền bằng những hành vi trái với đạo đức kinh doanh, mà thay vào đó:

“hãy tạo ra những sản phẩm tốt nhất có thể” và đánh bại các đối thủ cạnh tranh cũng như thu về lợi nhuận từ chính sản phẩm đó".

Có lẽ đây cũng là lý do tại sao Apple luôn được người dùng đánh giá cao đối với từng sản phẩm mà họ tung ra thị trường, đồng thời giúp họ nhận được sự tôn trọng của chính đối thủ và bước lên ngôi vương trong thế giới công nghệ một cách tâm phục khẩu phục.

Steve Jobs luôn đặt kỳ vọng rất cao đối với mỗi sản phẩm của mình:

  • Khi Macintosh gặp vấn đề với việc khởi động quá chậm, Jobs đã “làm khổ” đội ngũ kỹ sư chịu trách nhiệm về việc này, cho họ biết rằng đây có thể là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Macintosh và họ sẽ phải có phương án khắc phục ngay lập tức.
  • Ông đã làm việc với vô số nghệ sĩ nổi tiếng và công ty quảng cáo lớn để đảm bảo các chiến dịch quảng cáo của Apple mang lại cảm giác phù hợp với hiệu ứng hình ảnh và âm thanh được đồng bộ hóa hoàn hảo tối đa.
  • Đối với các kỹ sư của iPod, vị thuyền trưởng Apple đã yêu cầu họ bằng mọi giá phải giúp cho iPod sở hữu khả năng truy cập vào bất kỳ chức năng nào trên trình phát nhạc chỉ bằng tối đa 3 lần nhấn nút nhằm mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.
  • Jobs muốn quy trình sản xuất cho tất cả các máy tính Apple sẽ phải được cắt giảm từ 4 tháng xuống còn 2 tháng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, và cuối cùng họ cũng đã làm được.

Những ví dụ riêng lẻ trên nếu mới nghe qua nhiều người sẽ nghĩ Steve Jobs quá cầu toàn và có phần hơi “độc đoán”. Nhưng khi kết hợp tất cả lại, Jobs gần như đã tạo dựng được một “tôn giáo” tại Apple, tôn giáo của sự hoàn hảo. Không giống như nhiều công ty công nghệ khác, khách hàng đến và đi. Người dùng Apple gần như đều là các fan hâm mộ trung thành của thương hiệu mang logo quả táo cắn dở. Họ cảm thấy như Apple luôn biết cách đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu và kết quả là họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đó, đồng thời có tình cảm đặc biệt với nhà sản xuất.

"Steve đã tạo ra một thương hiệu mang hơi thở của phong cách sống duy nhất trong thế giới công nghệ. Có những chiếc xe hơi mà khi ngồi lên, ta luôn cảm thấy tự hào bởi nó mang trong mình một bề dày lịch sử, một phong cách sống, hay một tôn giáo riêng, các sản phẩm của Apple cũng vậy”, Larry Ellison, CEO của Oracle nhận xét

Đừng để những gã ngốc ngáng đường bạn

Đừng để những gã ngốc ngáng đường bạn.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Steve Jobs luôn nổi tiếng với “biệt tài” phát hiện ra những “tên ngốc” trong công việc. Chính “năng khiếu” này đã giúp ông rất nhiều trong việc ngăn chặn những tên ngốc len lỏi trong công ty của mình. Jobs sẽ quét sạch tất cả “bọn họ” cho đến khi không còn kẻ nào nữa. Bạn sẽ không bao giờ làm được việc này một cách hoàn hảo cả và Steve cũng vậy nhưng điều quan trọng là những tên ngốc sẽ bòn rút năng lượng từ bạn và những người giỏi nhất của công ty đang làm việc với bạn. Những tên ngốc này sẽ có các quyết định ngu ngốc, và cũng sẽ thuê những người còn ngốc hơn họ để làm việc cho mình, và đặc biệt, họ sẽ chẳng bao giờ biết thay đổi bản thân và làm ra được những sản phẩm ra hồn. “Hãy phát hiện và loại bỏ những tên ngốc, đừng để chúng bén rễ quanh bạn và kìm kẹp tham vọng vươn lên của bạn”.

Steve Jobs là một thiên tài công nghệ, bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo và hoạch định chiến lược. Tất nhiên không phải lúc nào các quyết định mà Jobs đưa ra cũng hoàn hảo hay bạn có thể áp dụng được chúng vào tình huống của bản thân, thế nhưng chúng ta vẫn học hỏi được rất nhiều điều từ con người tài năng này. Cảm ơn Steve Jobs vì những đóng góp của ông cho nhân loại <3.

Thứ Tư, 12/06/2019 21:25
4,98 👨 3.096
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ